Xã hội

'Không tăng lương tối thiểu, người lao động không sống nổi'

Việc đề xuất tăng lương sớm từ 1/7 cũng là để tránh tình trạng dồn nhiều năm lại sẽ tạo ra 'cú sốc' cho doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trong 5 năm qua tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%, do vậy nếu dồn hai năm chưa tăng thì mức tăng sắp tới sẽ cao và chắc chắn doanh nghiệp không chịu được. 

Ông Quảng thông tin thêm, qua nắm bắt của tổ chức công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam do áp dụng mức lương thấp đã không thu hút được lao động dẫn đến thiếu hụt lao động rất lớn, những yếu tố này đòi hỏi việc tăng lương là rất cần thiết.

“Các căn cứ để điều chỉnh tiền lương như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, quan hệ cung, cầu lao động đã “chín muồi”. Thực tế mức lương tối thiểu chưa tăng cũng tạo ra sự bất ổn trong quan hệ lao động, điển hình là trong những tháng đầu năm xảy ra một số cuộc ngừng việc rất lớn chủ yếu liên quan đến vấn đề tăng tiền lương", ông Quảng nói.

'Không tăng lương tối thiểu, người lao động không sống nổi'
Người lao động đang gặp khó khăn, trong khi 2 năm qua lương tối thiểu vùng chưa tăng (Ảnh: ĐL)

Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hai năm nay do dịch bệnh Covid-19 lương tối thiểu không tăng trong khi chi phí hàng ngày vẫn tăng nên đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. 

Hiện nay đa số doanh nghiệp chỉ tăng tiền lương cao hơn lương tối thiểu một chút, còn lại họ tăng phụ cấp. 

Cụ thể, lượng tối thiểu vùng I hiện nay ở mức 4,4 triệu, nhưng doanh nghiệp chỉ trả 4,5-4,6 triệu để hợp pháp lương tối thiểu, còn lại họ đưa vào một số khoản phụ cấp như: phụ cấp tiền xăng xe, tiền thuê nhà trọ, thâm niên… để người lao động có mức lương 6-7 triệu mỗi tháng. Thế. nhưng những khoản phụ cấp này là cố định rất khó tăng, vì thế nếu muốn tăng lương cho người lao động thì phải tăng lương tối thiểu.

"Sau dịch bệnh, giá cả leo thang, đặc biệt là giá xăng tăng đột biến, chi tiêu cho y tế của người lao động cũng tăng cao... thực tế này làm cho cuộc sống người lao động khó khăn hơn. Do vậy, nếu không tăng lương tối thiểu thì người lao động không thể sống được. 

Việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị tăng lương tối thiểu từ 1/7 là có cơ sở", ông Chính bày tỏ quan điểm.

Phải phụ thuộc vào "sức khoẻ" doanh nghiệp 

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, việc có nên tăng lương tối thiểu từ 1/7 hay không, Hội đồng tiền lương nên bàn với nhau, xem xét thật kỹ. Hiện nay, người lao động muốn tăng, nhưng phải xem doanh nghiệp khó khăn tăng có được không. 

"Hai năm qua lương tối thiểu vùng chưa tăng do yếu tố khách quan ảnh hưởng dịch bệnh, doanh nghiệp không thể hoạt động, người lao động mất việc nên nền kinh tế rất khó khăn. 

Do vậy, nếu Chính phủ kiềm chế được lạm phát, lương thực tế không bị tụt đi nhiều thì nên chuẩn bị cho đầu năm sau tăng lương tối thiểu vùng là hợp lý hơn. Như vậy, cũng nương sức cho doanh nghiệp, người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ”, ông Huân nói.

Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, trong doanh nghiệp lương phải thoả thuận, hệ thống lương nếu chưa đạt thì công đoàn cơ sở phải cùng với doanh nghiệp đối thoại, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, còn nếu cứ ép qua việc tăng lương tối thiểu thì rất khó. 

Hiện nay, thương lượng tiền lương trong doanh nghiệp ở nước ta rất yếu, có những nơi không có nên cứ đẩy hết vào lương tối thiểu. Công đoàn cần nâng cao vai trò để hai bên đàm phán thương lương xem mức lượng thực tế của người lao động đã phù hợp chưa. 

Tổng Liên đoàn lao động nói rất nhiều về tăng lương tối thiểu, nhưng việc huấn luyện thương lượng, kỹ năng thương lượng của công đoàn trong trong doanh nghiệp lại chưa làm được.

Theo ông Huân, việc tăng lương tối thiểu còn liên quan đến khu vực có việc làm và khu vực chưa có việc làm, khu vực lao động chính thức và khu vực không chính thức. Do vậy, nếu cứ nâng lương cơ sở ở khu vực chính thức lên càng cao thì khu vực phi chính thức càng khó có việc làm. 

Bởi trả thấp hơn doanh nghiệp sẽ vi phạm, trong khi người lao động do mưu sinh vẫn cần có việc làm.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua nắm bắt, hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp hiện nay đều cho rằng thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thông lệ hằng năm hợp lý hơn. Đây là thời điểm phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như năm tài chính của Việt Nam.

Đầu năm doanh nghiệp thường lập các kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chi phí kèm theo. Thời điểm này doanh nghiệp phải tính toán đến việc điều chỉnh các chế độ tiền lương. Việc doanh nghiệp đưa ra các chính sách khuyến khích người lao động ngay từ đầu năm sẽ giúp người lao động gắn bó hơn trong quá trình làm việc trong cả một năm

Liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, sau phiên họp đầu tiên (28/3), hội đồng đã lắng nghe đề xuất của các bên, sắp tới Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức phiên họp lần thứ hai để bàn bạc cụ thể, lúc đó mới có thể đưa ra các phương án chính thức.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/khong-tang-luong-toi-thieu-nguoi-lao-dong-khong-song-noi-827795.html