Lối Sống

3 thói xấu tệ hại âm thầm 'bào mỏng' đường tiêu hóa, khiến bệnh tật bủa vây nhưng nhiều người làm ngơ

Theo chuyên gia, số bệnh nhân trẻ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng tăng lên. Nguyên nhân đến từ thói quen xấu khi ăn uống hoặc đi vệ sinh.

3 thói xấu tệ hại âm thầm 'bào mỏng' đường tiêu hóa, khiến bệnh tật bủa vây nhưng nhiều người làm ngơ
Vừa ăn uống vừa dùng điện thoại không tốt cho dạ dày (ảnh minh họa).

PGS.TS Lê Mạnh Cường, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết bệnh lý hậu môn trực tràng là một bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh.

Đáng nói, bệnh trĩ là bệnh khá phổ biến ở vùng hậu môn trực tràng với tỉ lệ mắc khoảng 40-60% dân số. Những năm gần đây, người trẻ (dưới 18 tuổi) mắc bệnh trĩ đang có xu hướng tăng nhanh. Điều này nhắc nhở chúng ta cần phải thay đổi thói quen lối sống để phòng ngừa bệnh lý tiêu hóa.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh trĩ ngày nay càng phổ biến ở người trẻ. Nếu như trước đây căn bệnh này thường mắc ở người ngoài 30 tuổi thì nay có những người trẻ mới 14-15 tuổi đã mắc bệnh trĩ.

Bác sĩ Thiệu cho biết nguyên nhân gây bệnh có liên quan mật thiết tới một số thói quen kém lành mạnh của người trẻ.

Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh

Hiện nay, người trẻ thường thích ăn những đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn. Đa phần các thực phẩm ăn nhanh đều có chứa nhiều dầu mỡ, nhiều muối làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa.

Bác sĩ Thiệu cho hay, ngoài ăn đồ ăn nhanh, người trẻ hiện nay cũng ăn quá nhiều gia vị cay, vừa ăn vừa sử dụng điện thoại. Thói quen này khiến cơ thể gặp khó khăn khi tiêu hóa thức ăn, khiến phân bị giữ lại lâu trong đường tiêu hóa.

3 thói xấu tệ hại âm thầm 'bào mỏng' đường tiêu hóa, khiến bệnh tật bủa vây nhưng nhiều người làm ngơ - 1
Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh không tốt cho dạ dày (ảnh minh họa)

Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa bệnh đường tiêu hóa và trĩ, mọi người nên ăn cân bằng các nhóm thực phẩm, tăng cường rau xanh, hạn chế ăn gia vị cay nóng, hạn chế dùng các loại chất kích thích (rượu, bia). Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp cho đường ruột trở lên khỏe mạnh hơn.

Ngồi quá lâu

Nhiều người trẻ hiện nay thường có lối sống tĩnh tại, ít vận động. Bác sĩ Thiệu cảnh báo việc lười vận động, ngồi quá lâu có thể làm cho nhu động ruột hoạt động kém hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và bệnh đường tiêu hóa.

Do đó chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tăng cường vận động thể dục thể thao, nên tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải chú ý bổ sung đủ nước để giúp cho nhu động ruột hoạt động tốt hơn.

Đi vệ sinh quá lâu

3 thói xấu tệ hại âm thầm 'bào mỏng' đường tiêu hóa, khiến bệnh tật bủa vây nhưng nhiều người làm ngơ - 2
Dùng điện thoại khi đi vệ sinh gây áp lực cho trực tràng.

Theo bác sĩ Thiệu, thói quen cầm theo điện thoại, ipad khi đi vệ sinh rồi ngồi cả tiếng trong nhà vệ sinh không tốt cho hệ tiêu hóa. Việc sử dụng điện thoại, ipad trong khi đi vệ sinh có thể dẫn tới tình trạng ngồi quá lâu. Điều này gây căng thẳng và áp lực lên trực tràng, hậu môn từ đó có thể dẫn tới các vấn đề như bệnh trĩ, nứt hậu môn và sa trực tràng.

Bác sĩ Thiệu khuyên mọi người khi đi vệ sinh không nên cầm theo điện thoại. Thời gian đi vệ sinh hợp lý nhất là dưới 5 phút.

Với người trẻ khi có bất cứ vấn đề gì về đường tiêu hóa như đi ngoài ra máu, đau rát sau khi đi ngoài, khuôn phân thay đổi (khi lỏng khi táo bón)… cần đi khám sớm. Mọi người không nên trì hoãn việc thăm khám hoặc để bệnh tiến triển nặng mới tới bệnh viện vì khi đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)

 




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/3-thoi-xau-te-hai-am-tham-bao-mong-uong-tieu-hoa-khien-benh-tat-bua-vay-nhung-nhieu-nguoi-lam-ngo-a418358.html