Lối Sống

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu

Suốt bao năm qua, cả 4 anh em cụ Quỳnh rất ít khi ốm vặt. Dù tuổi đã cao nhưng mắt các cụ rất sáng, trí tuệ minh mẫn, da dẻ hồng hào. Các cụ thường đọc sách mà không cần đeo kính.

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu
Từ trái qua: cụ Nguyễn Ngọc Can - 91 tuổi; cụ Nguyễn Ngọc Hoàn - 95 tuổi; cụ Nguyễn Ngọc Giao - 98 tuổi và cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh - 101 tuổi. Ảnh: NVCC

Đến thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, không khó để tìm thấy nhà cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh, bởi người dân xung quanh hầu hết đều biết gia đình cụ. 

Cụ Quỳnh năm nay 101 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Cụ vẫn tự làm được nhiều việc, tai nghe rõ, mắt nhìn tinh.

Gia đình có "phước báu"

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu - 1
Cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh hơn trăm tuổi nhưng rất minh mẫn

Cụ Quỳnh chia sẻ, sau cụ còn 3 người em trai là cụ Nguyễn Ngọc Giao - 98 tuổi, cụ Nguyễn Ngọc Hoàn - 95 tuổi và cụ Nguyễn Ngọc Can - 91 tuổi.

Cụ Quỳnh, cụ Giao và cụ Hoàn từng là du kích trong kháng chiến chống Pháp, sau làm cán bộ tại một số địa phương. Hiện, các cụ đều sống tại thôn Hoàng Trạch. Riêng cụ Can đi bộ đội chống Pháp, xuất ngũ làm giảng viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nay sống ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. 

Hàng xóm thường nói rằng, nhà cụ Quỳnh có “phước báu”. 4 anh em cụ Quỳnh đều tuổi cao mà sức khoẻ vẫn tốt. Các cụ vẫn tự chủ động sinh hoạt, không cần nhờ con cháu giúp đỡ nhiều. 

Về tổng số thành viên trong gia đình, người nhà cụ Quỳnh cho biết, cả đại gia đình có hơn 300 con, cháu, chắt, sống và làm việc ở nhiều tỉnh, thành phố. 

Dù đông người nhưng năm nào cũng vậy, đại gia đình đều họp mặt tại nhà thờ họ ở thôn Hoàng Trạch, lễ bái tổ tiên cũng như chúc nhau sức khỏe mỗi dịp xuân về. Các cuộc gặp giúp các thành viên trong nhà gắn kết, yêu thương nhau hơn.

Người nhà cụ Quỳnh cho biết thêm, với số thành viên "khủng" như vậy, mỗi lần tụ họp phải cần tới mấy chục mâm cỗ.

Bí quyết trường thọ

Khi được hỏi về bí quyết sống trường thọ và khỏe mạnh, cả 4 cụ đều có câu trả lời giống nhau. Đó là sống tích cực, dùng thực phẩm sạch và thường xuyên vận động.

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu - 2
Cụ Nguyễn Ngọc Hoàn, 95 tuổi lấy chăm sóc cây cảnh làm niềm vui

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, di truyền chỉ quyết định 25% tuổi thọ, 75% còn lại phụ thuộc vào môi trường và thói quen sống. Yếu tố di truyền có thể tạo nền tảng cho việc sống lâu, nhưng lối sống và thái độ sống mới là quan trọng.

Cả 4 cụ đều sống rất tích cực, duy trì đọc sách hàng ngày để tích lũy thêm kiến thức. Các cụ ăn uống rất đơn giản, “không ăn quá bữa, không ngủ quá giờ”, và tập thể dục đều đặn hàng ngày. 

“Đến bây giờ dù đã 100 tuổi, nhưng tôi vẫn chủ động hỏi thăm sức khỏe của các em, cùng nhau bình phẩm những bài thơ mới viết. Đây là cách để rèn luyện trí nhớ tốt nhất, giúp đầu óc luôn minh mẫn”, cụ Quỳnh kể.

Gia đình cho biết, suốt bao năm qua, cả 4 anh em cụ Quỳnh rất ít khi ốm vặt. Dù tuổi đã cao nhưng mắt các cụ rất sáng, trí tuệ minh mẫn, da dẻ hồng hào. Các cụ thường đọc sách mà không cần đeo kính. 

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu - 3
 Cụ Nguyễn Ngọc Giao hàng ngày tập thể dục, đọc sách đều đặn

Cũng như anh trai, hàng ngày cụ Giao luôn đọc sách. Cụ rất thích tìm hiểu lịch sử.

Là thương binh hạng 1/4 thời kỳ chống Pháp, nên cụ Giao rất quan tâm đến việc rèn luyện sức khoẻ. Mỗi ngày, cụ đi bộ 1.000 bước quanh sân nhà vào sáng và chiều. Cụ ăn đủ ba bữa vào những khung giờ cố định như: Sáng trước 8h, trưa trước 11h và tối trước 19h.

“Khoảng hơn 20 năm nay, tôi không ăn nhiều, mỗi bữa chỉ ăn 1 bát rau, sau đó ăn cơm. Tôi sống lúc nào cũng vui vẻ, không oán hận ai, không giận hờn ai, tư tưởng thoải mái là liều thuốc tự nhiên nhất làm mình sống khoẻ”, cụ bộc bạch.   

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu - 4
Đại gia đình có hơn 300 con, cháu, chắt, sống và làm việc ở nhiều tỉnh, thành phố

Ông Nguyễn Ngọc Nhâm, 55 tuổi, người con thứ 8 của cụ Giao chia sẻ niềm vui lớn nhất của đại gia đình là thấy 4 cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Dù nhà đông người nhưng cả 4 cụ đều không quên tên bất kỳ ai, con cháu nhà nào, thuộc đời thứ mấy. 

Ông Nhâm chia sẻ thêm, tất cả con cháu trong đại gia đình đều được dạy dỗ theo truyền thống, lấy tri thức làm nền tảng, đề cao đạo đức làm người. Ngay từ nhỏ, họ đều được rèn luyện cách ăn nói, đi đứng, đối nhân xử thế. 

“Bố tôi luôn căn dặn, mình là một tế bào của xã hội, nếu gia đình mình tốt thì xã hội tốt. Sống phải có lòng thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Điều tôi tự hào nhất về bố là ông sống rất từ bi, luôn yêu thương mọi người”, ông Nhâm tâm sự. 

Theo ông Nhâm, năm 2022, bố ông (cụ Giao) đã được nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Đầu năm nay, cụ Can cũng được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Đó là niềm vinh hạnh lớn lao đối với đại gia đình.

Người em thứ ba, cụ Nguyễn Ngọc Hoàn cho biết thêm, cách giữ sức khoẻ tốt nhất là luôn giữ tinh thần lạc quan, không tham lam, không sân si.

Hàng ngày, cụ ăn uống điều độ, tập thể dục 2 lần, dù chỉ là đi bộ quanh nhà. Trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, cụ đều xoa mặt, nắm bóp chân tay 15 phút.

Năm nay đã 95 tuổi, nhưng ngày nào cụ Hoàn cũng ra vườn tỉa cây. 

Bí quyết thọ 101 tuổi anh cả ở Hưng Yên truyền cho 3 người em và hàng trăm con cháu - 5
Cụ Can (91 tuổi) hàng ngày trồng rau, cung cấp thực phẩm sạch cho con cháu

Cụ út Nguyễn Ngọc Can dù đã bước sang tuổi 91, nhưng vẫn tham gia nhiều tổ chức ở địa phương như hội người cao tuổi, hội hưu trí, chi bộ và câu lạc bộ thơ của các cựu giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thời gian rảnh, cụ còn ra vườn cuốc đất, trồng rau, cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình mình cũng như các con ở xa. Cụ Can cho hay, cả 4 anh em cụ đều rất thích uống trà, và vẫn duy trì thói quen uống trà hàng ngày.

Bí quyết sống thọ của cụ Can rất đơn giản, là phải lao động cả chân tay và cả trí óc, phải làm thơ, phải suy nghĩ và hoạt động xã hội để hạn chế nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ. 

Người dân địa phương luôn coi lối sống cùng tính cách chan hòa, luôn hướng đến điều tích cực, vui vẻ của các cụ là "tấm gương" để noi theo. Nếp sống “khỏe” của các cụ không chỉ là niềm tự hào của gia đình, dòng họ mà còn của cả xóm làng. 

Theo Trọng Tùng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/gia-dinh-co-phuoc-bau-4-anh-em-deu-truong-tho-con-chau-hang-tram-nguoi-2264293.html