Lối Sống

Vi khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao?

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới. Ngộ độc do Salmonella biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Ngày 22/9, Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo kết quả phân tích về vụ ngộ độc xảy ra tại tiệm bánh mì Phượng ở Hội An.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn Bacillus cereus được phát hiện trong chả heo, thịt heo xíu mại, rau răm, hành, dưa leo… 

Trong đó, vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu trên thế giới, có thể tìm thấy vi khuẩn này trong nhiều loại thực phẩm, gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn.

Vi khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao?
Cơ quan chức năng xác định vi khuẩn Salmonella có trong bánh mì Phượng ở Hội An là tác nhân hàng đầu gây ra vụ ngộ độc. Ảnh: Ký ức Hội An.

VnExpress dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết salmonella là độc tố có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, lây lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể.

Dấu hiệu khởi phát khi nhiễm khuẩn độc là người nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, thậm chí tử vong.

Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguồn nước không đảm bảo, hệ thống thoát nước không đạt chuẩn... cũng là nguồn lây bệnh.

Vi khuẩn salmonella có thể tồn tại trong nước từ hai đến ba tuần, ở trong phân từ hai đến ba tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút và có thể diệt bởi chất sát khuẩn thông thường.

Do đó, người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn sau khi hết các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ hai đến ba tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), vi khuẩn salmonella có nhiều chủng, ở Việt Nam thường gặp nhất là chủng salmonella typhi gây bệnh thương hàn. Để chẩn đoán nhiễm khuẩn salmonella, bác sĩ thường xét nghiệm phân.

Người nhiễm khuẩn nhẹ thì từ 3 đến 5 ngày là khỏi bệnh, hầu hết hồi phục mà không cần điều trị, một số trường hợp được chỉ định sử dụng kháng sinh. Nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết tiêu hóa (khoảng 15% ca), thủng ruột (1-3%), nặng hơn nữa là bị viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm túi mật, viêm gan, viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận... Những trường hợp nặng thời gian điều trị thường dài và khó khăn, tốn kém hơn.

Nhìn chung khi bị ngộ độc, người bệnh cần nhanh chóng bù nước bằng điện giải, uống oresol. Trẻ em nhiễm khuẩn salmonella cần được theo dõi sát, bù nước theo đường uống, kể cả trường hợp bị nôn cũng phải bổ sung nước. Nôn và tiêu chảy là phản xạ của cơ thể để đào thải chất độc, do đó tuyệt đối không nên uống thuốc cầm nôn hay cầm tiêu chảy. Khi cơ thể đào thải hết độc tố thì sức khỏe cải thiện dần.

"Nếu không thể bù nước bằng đường uống, bệnh nhân phải đi viện để truyền dịch hoặc can thiệp thuốc", tiến sĩ Hùng khuyến cáo.

Vi khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao? - 1
Vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây ngộ độc hàng đầu. Ảnh minh họa: Internet

Về biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonella, Báo Dân Trí dẫn lời bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi Cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần kiểm soát từ trang trại, hộ chăn nuôi. Đối với gia súc và gia cầm phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonella.

Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống, vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.

Không ăn thực phẩm tái, gỏi; khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Salmonella còn có khả năng nhiễm từ bàn tay người chế biến thực phẩm nên phải rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm và lây nhiễm từ dụng cụ nhà bếp như dao, thớt...

Đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất. Đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 5 phút.

Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn. Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu. Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu muốn lưu trữ đồ ăn cần để nguội, cho vào tủ lạnh chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/vi-khuan-salmonella-gay-ra-vu-ngo-doc-banh-mi-phuong-nguy-hiem-ra-sao-d183939.html