Pháp luật

3 anh em khai tử 8 người thân để chiếm căn nhà thừa kế 80 tỷ đồng: Cán bộ phường 'tiếp tay' thế nào?

Nhận hối lộ 6 triệu đồng, Nguyễn Đắc Công làm giả chữ ký của lãnh đạo phường, tự ý dùng con dấu mình quản lý đóng dấu để giúp đỡ 3 anh em chiếm đoạt nhà.

Luật sư cũng vướng vòng lao lý

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 anh em Võ Doãn Tấn (65 tuổi), Võ Doãn Mỹ Thạnh (61 tuổi) và Võ Doãn Mỹ Phước (59 tuổi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam luật sư Lê Minh Thái (41 tuổi), Nguyễn Đức Hải (31 tuổi, nhân viên của Thái) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Đưa hối lộ. Còn Nguyễn Đắc Công (cán bộ UBND phường 6, quận Bình Thạnh) bị bắt về tội Giả mạo trong công tác.

3 anh em khai tử 8 người thân để chiếm căn nhà thừa kế 80 tỷ đồng: Cán bộ phường 'tiếp tay' thế nào?
Bị can Thạnh, Phước và Tấn tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Báo Dân Trí dẫn nguồn kết quả điều tra tử cơ quan công an xác định, ông Võ Doãn Ất cùng vợ là bà Đặng Thị Nhãn là những người sở hữu bất động sản tại địa chỉ 270A Bạch Đằng, thuộc phường 24, quận Bình Thạnh (trị giá khoảng 80 tỷ đồng).

Sau khi ông Ất qua đời mà không để lại di chúc, bà Nhãn cũng từ trần nhưng đã để lại di chúc chuyển giao một phần căn nhà cho bốn người con trai là Võ Doãn Tấn, Võ Doãn Mỹ Thạnh, Võ Doãn Mỹ Phước và Võ Doãn Mỹ Tài.

Lực lượng công an xác định quyền thừa kế toàn bộ bất động sản trên thuộc về 11 thành viên trong gia đình, bao gồm cả con và cháu của cặp vợ chồng ông bà Ất, Nhãn. Trong số này, Tấn, Thạnh và Phước đang sinh sống tại Việt Nam, còn lại 8 thành viên khác đang ở nước ngoài.

Vào cuối năm 2016, Tấn đã thảo luận với Thạnh và Phước về việc chuyển quyền sở hữu căn nhà sang tên ba người và bán đi để chia tiền cho ba người họ, không chia cho những người đang sống ở nước ngoài.

3 anh em khai tử 8 người thân để chiếm căn nhà thừa kế 80 tỷ đồng: Cán bộ phường 'tiếp tay' thế nào? - 1
Ông Thái tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Tấn đã thuê luật sư Lê Minh Thái để tiến hành các thủ tục liên quan với chi phí lên tới khoảng 1,6 tỷ đồng. Để làm việc này, Thái và một nhân viên là Nguyễn Đức Hải đã chuẩn bị giấy tờ cam kết và giả mạo chữ ký của 8 người thừa kế ở nước ngoài, đề cập nội dung họ tự nguyện từ chối quyền thừa kế, báo Công an nhân dân cho hay.

Quá trình điều tra đã chỉ ra rằng Tấn, Thạnh và Phước đã biết rõ việc làm của luật sư Lê Minh Thái là gian dối và vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn quyết định không can thiệp, chấp nhận rủi ro để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sở hữu bất động sản số 270A Bạch Đằng cho họ.

Cán bộ phường nhận hối lộ 6 triệu đồng, "tiếp tay" nhiệt tình

Tiền Phong cho biết, trong vụ án này, Lê Minh Thái đã liên kết với Nguyễn Đắc Công, một cán bộ thuộc phòng văn thư lưu trữ của UBND phường 6, quận Bình Thạnh, để chứng nhận giả các cam kết. 

Công sau khi nhận tiền hối lộ từ Thái, đã sử dụng mộc của phường do mình quản lý để giả mạo chữ ký của lãnh đạo và đóng dấu xác nhận.

Sau khi chuyển nhượng quyền sở hữu nhà đất thành công, Thái đã trở thành người môi giới bán căn nhà đó cho Phạm Thị Kim Yến với giá 78 tỷ đồng. Thái sau đó cũng đã nhờ Công xác nhận giả mạo các giấy tờ khác như sao y giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Phạm Thị Kim Yến nhằm tạo thuận lợi cho việc cập nhật biến động sở hữu nhà đất.

3 anh em khai tử 8 người thân để chiếm căn nhà thừa kế 80 tỷ đồng: Cán bộ phường 'tiếp tay' thế nào? - 2
Nguyễn Đắc Công tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Cơ quan điều tra đã phát hiện Thái thông qua Nguyễn Đức Hải đưa hối lộ cho Công tổng cộng bốn lần, với số tiền 6 triệu đồng.

Vào tháng 7 năm 2017, khi UBND quận Bình Thạnh nhận ra hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh tiến hành xử lý.

Qua điều tra, cơ quan này đã thông báo cho Tấn và các anh em của mình rằng cam kết từ chối nhận di sản thừa kế bởi những người thừa kế ở nước ngoài đã được Nguyễn Đắc Công làm giả mạo.

Dù vậy, do lòng tham, Tấn, Thạnh, và Phước không muốn hoàn trả số tiền từ việc bán nhà, đã cung cấp thông tin không chính xác và yêu cầu tòa án xử lý “khai tử” cho 8 người thừa kế đang sống ở nước ngoài, nhằm hợp pháp hóa giao dịch bất động sản.

Cơ quan điều tra khẳng định Nguyễn Đắc Công đã tận dụng vị trí công tác của mình, nhận tiền từ Lê Minh Thái để chứng nhận giả mạo tài liệu. Khi lãnh đạo của UBND phường 6 từ chối ký vào hồ sơ, Công đã giả mạo chữ ký của họ và sử dụng con dấu để xác nhận.

Thủ tục sang tên quyền sử dụng đất khi được nhận thừa kế

Thứ nhất, cần làm thủ tục kê khai di sản thừa kế tại phòng công chứng

Hồ sơ gồm:

- Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế (bản sao)

- CMND/ hộ chiếu, hộ khẩu của những người sau: người chết và của mình (bản sao)

- Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền (trong trường hợp xác lập giao dịch thông qua người đại diện)

- Giấy chứng tử của người chết (bản sao)

- Di chúc (bản sao) nếu có để lại di chúc

- Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người thừa kế và người chết…

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế (giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, giấy phép mua bán, hợp thức hóa nhà do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp , sổ tiết kiệm, cổ phiếu, giấy chứng nhận cổ phần…).

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng 2014.

Thứ hai, làm thủ tục sang tên GCN QSDĐ đất với người thừa kế

Người thừa kế đến Văn phòng đăng ký QSDĐ thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất tiến hành làm thủ tục, hồ sơ gồm:

- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng (nếu có).

- Văn bản khai nhận di sản có công chứng.

- Giấy chứng nhận QSDĐ.

- Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký QSDĐ thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có), các bên nhận giấy chứng nhận QSDĐ tại nơi đã nộp hồ sơ

Nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này gồm có:

- Lệ phí trước bạ: Bằng 0,5% giá trị QSDĐ cụ thể Tiền lệ phí phải nộp = (Diện tích đất) x (Giá đất) x 0,5%

- Thuế thu nhập cá nhân: là 2% theo chuyển nhượng bất động sản.

- Lệ phí địa chính: Căn cứ vào từng quyết định của địa phương

- Lệ phí thẩm định: Căn cứ pháp lý tùy thuộc vào từng địa phương

 

Theo Chi Chi TH (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/3-anh-em-khai-tu-8-nguoi-than-e-chiem-can-nha-thua-ke-80-ty-ong-can-bo-phuong-tiep-tay-the-nao-a411077.html