Katerynchyk Roman nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2019, lập hàng loạt công ty với khoảng 100 nhân viên và chuyển hàng chục triệu USD vào Việt Nam để hoạt động cho vay lãi nặng gần 2.000%/năm.
Ở nước ngoài điều hành đường dây
Liên quan đến đường dây "tín dụng đen" vừa bị Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Khánh Hòa triệt phá, cơ quan chức năng xác định đối tượng cầm đầu là Katerynchyk Roman (SN 1986, quốc tịch Ukraine).
Theo điều tra, năm 2019, Roman nhập cảnh Việt Nam, tạm trú tại địa chỉ số 67 đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức. Roman thành lập Cty TNHH thương mại dịch vụ Lợi Tín và móc nối với các đối tượng người Việt Nam để hoạt động “tín dụng đen” qua app Oncredit và trang Oncredit.asia.com.
Đầu năm 2023, do lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý mạnh hoạt động "tín dụng đen", khi công ty bị kiểm tra, Roman ra nước ngoài và chỉ đạo các đối tượng người Việt Nam dừng hoạt động công ty.
Sau đó, mặc dù đã ở nước ngoài, nhưng Roman vẫn tiếp tục cho các đối tượng chân rết trong nước thành lập 4 Công ty thương mại dịch vụ là Ixora, Công ty dịch vụ Lộc Tín, Công ty dịch vụ tư vấn Cactus và Công ty dịch vụ VINEX.
Đường dây này hoạt động khép kín thông qua app EasyCard, Oncredit. Trong đó các công ty có nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, thẩm định hồ sơ, quảng cáo khách vay, giải ngân, thu nợ, quản lý kế toán, sổ sách, thu các khoản nợ quá hạn.
Để điều hành đường dây từ xa, Roman thuê 2 đối tượng quốc tịch Ukraine là Bugaevskiy Tymur (SN 1990) và Kravchuk Iryna (SN 1985) nhập cảnh Việt Nam để quản lý, viết phần mềm dữ liệu, lập trình quy trình đánh giá người vay, cài đặt hệ thống bảo mật.
Các nhân viên của công ty không tự ý kết nối các máy tính của công ty hoặc đường truyền internet khác hay kết nối với các thiết bị lưu trữ dữ liệu bên ngoài. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng sử dụng camera nhận diện và tự động ngắt kết nối với máy chủ khi phát hiện người khác sử dụng phần mềm; tự động sao lưu các cuộc gọi của nhân viên để đánh giá chỉ tiêu, chất lượng, hiệu quả công việc, tính lương, thưởng...
Cơ quan chức năng cũng làm rõ trong 4 công ty có khoảng 100 người làm việc; lãnh đạo được trả lương từ 20 - 55 triệu đồng/tháng, còn nhân viên từ 7 - 25 triệu đồng/tháng.
Chuyển hàng chục triệu USD vào Việt Nam để cho vay lãi nặng
Theo cơ quan điều tra, đường dây này hoạt động rất tinh vi nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Cụ thể, các khách hàng có nhu cầu vay tiền sẽ tải ứng dụng Easycash.vn và Oncredit.vn hoặc vào trang web Oncredit.vn để làm thủ tục.
Đối với những khách hàng mới, lần đầu tiên sẽ được vay tối đa 500.000 đồng, nếu trả dưới 5 ngày không tính lãi, phí để thu hút khách hàng và cạnh tranh với dịch vụ khác.
Những lần tiếp theo, phần mềm đánh giá uy tín của khách hàng và tự động cho vay từ 500 nghìn đồng đến 20 triệu đồng, thời gian vay từ 5-30 ngày. Tuy nhiên, những lần vay tiền sau này, đường dây này sẽ tính lãi, phí một cách "cắt cổ" từ 365% - 1.971%/năm.
Đối với các khoản vay sắp đến hạn trả, nhân viên công ty Roman sẽ gọi điện nhắc và đòi nợ nếu quá hạn. Khi khoản nợ quá hạn 90 ngày thì Công ty Vinex có nhiệm vụ bán cho các đối tượng khác giá 2-5%/giá trị khoản vay.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2019, Roman đưa Lê Thanh Huỳnh Cang (SN 1971, trú tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) - đối tượng điều hành Công ty Lợi Tín số tiền 400.000 USD để hoạt động cho vay.
Đến tháng 4/2023, Roman chỉ đạo Công ty Lộc Tín tiếp tục nhận 11 triệu USD từ Công ty SCA của Singapore và Ngân hàng TAS của Đảo Síp; qua các tài liệu thu thập được thể hiện các đối tượng đã cho hàng trăm nghìn khách hàng vay, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, qua thu thập tài liệu ban đầu từ 2 app trên, cơ quan điều tra đã xác định hàng tháng đường dây này giao dịch với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo Thanh Hà (Tiền Phong)