Pháp luật

Công an Hà Nội bóc trần thủ đoạn làm mì chính giả

Theo các trinh sát, do sử dụng máy ép nhiệt để đóng bao bì nên các mép gói mỳ chính giả thường không đều nhau, hạn sử dụng in sẵn ở mặt trước bao bì.

Theo các trinh sát, do sử dụng máy ép nhiệt để đóng bao bì nên các mép gói mỳ chính giả thường không đều nhau, hạn sử dụng in sẵn ở mặt trước bao bì.

Gói mì chính giả (bìa trái) và mì chính thật

 
Ngày 13/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về  quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an Hà Nội), cho biết đang tạm giữ Phạm Văn Lập (SN 1966, trú tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) để làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
 
Trước đó, các trinh sát đội 8 – PC46 Hà Nội đã theo dõi, mật phục công xưởng của ông Lập một thời gian dài. Quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn do cơ sở của ông Lập hoạt động rất kín kẽ, nằm trong khu vực làng nghề, nhiều đối tượng rất cảnh giác.
 
Theo điều tra, ông Lập nhập nguyên liệu mỳ chính, bột giặt và bao bì các nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, bột giặt bột từ Trung Quốc. Sau đó, về cân và đóng gói tương ứng với trọng lượng ghi trên các bao bì mang các nhãn hiệu giả của Ajinomoto, Miwon rồi sử dụng máy ép nhiệt để đóng mép bao bì, hoàn thiện sản phẩm.
 
Mỗi tuần, ông Lập sản xuất khoảng 2 tấn mỳ chính giả các thương hiệu Ajinomoto, Miwon bán ra thị trường, tuồn ra các huyện ở Hà Nội tiêu thụ (Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức) và các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Sơn La, Phú Thọ…
 
Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, ông Lập thường trực tiếp đi giao sản phẩm, hoặc khách có nhu cầu đặt hàng, ông Lập sẽ gửi qua xe khách.
 
Đại uý Nghiêm Tuấn Anh, đội phó đội 8 –PC46 cho biết: Dấu hiệu dễ nhận biết mì chính giả nhất là ở mép bao bì của các gói này thường không đều nhau. Trong khi các gói mỳ chính Ajinomoto chính hãng, cả 4 mép gói rất đều nhau. Ngoài ra, các gói mì chính giả thường in hạn sử dụng ở chính giữa mép dưới, mặt trước của bao bì. Trong khi gói thật thường in ở mặt sau.
 
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền Phong)