Pháp luật

Giám đốc bệnh viện Gò Vấp nghi vấn đầu cơ khẩu trang: Nếu chính xác sẽ phải đối diện hình phạt nào?

Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, đơn vị này ký quyết định tạm đình chỉ công tác với bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc bệnh viện quận Gò Vấp vì liên quan nghi vấn đầu cơ khẩu trang ra nước ngoài.

Mạng xã hội lan truyền thông tin bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc bệnh viện Gò Vấp (TP.HCM) tiến hành thu gom hàng chục triệu khẩu trang để đầu cơ, xuất khẩu ra nước ngoài thu hút sự chú ý từ dư luận. Bởi, ở thời điểm này dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất khẩu trang y tế, thậm chí đã từng xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang.

Theo đó, một tài khoản facebook cá nhân đã đăng tải thông tin có nội dung: “Giám đốc bệnh viện ở TP. HCM đầu cơ khẩu trang bán với giá 250k/hộp. Số lượng giao dịch 20.000 thùng là 50 triệu cái khẩu trang. Sau khi nhận gần 6 tỷ tiền cọc, giám đốc này giao hàng toàn khẩu trang giả."

Đồng thời, các thông tin cho thấy, Giám đốc bệnh viện Gò Vấp là bác sĩ Phạm Hữu Quốc đã hứa với một người thu gom 20.000 thùng khẩu trang với giá 11 triệu đồng/ thùng. Tuy nhiên khách hàng chuyển tiền cọc xong thì được thông báo nâng giá lên 23 - 24 triệu đồng/ thùng”.

Góc nhìn luật gia - Giám đốc bệnh viện Gò Vấp nghi vấn đầu cơ khẩu trang: Nếu chính xác sẽ phải đối diện hình phạt nào?
Bệnh viện đa khoa Gò Vấp.

Liên quan sự việc trên, Chủ tịch UBND Quận Gò Vấp đã yêu cầu thanh tra quận tiến hành xác minh vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, khi trao đổi với báo chí, ông Phạm Hữu Quốc phủ nhận thông tin mình thu gom khẩu trang để bán với giá cao, ông cũng cho rằng bản thân bị “chơi xấu”.

Được biết, ngày 28/2, UBND quận Gò Vấp đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với bác sĩ Phạm Hữu Quốc, chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan điều tra Công an quận Gò Vấp làm rõ.

Trước thông tin, không ít người bày tỏ sự bất ngờ, nếu xác minh đúng những nội dung trên thì giám đốc bệnh viện nêu trên sẽ phải đối diện với hình phạt nào?

Trả lời thắc mắc này với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Thông tin về việc giám đốc bệnh viện Gò Vấp thu gom khẩu trang số lượng lớn để bán ra bên ngoài là một thông tin khá sốc với nhiều người. Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin ban đầu. Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp với các quy định của pháp luật”.

Theo luật sư Cường, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến rất nhiều quốc gia khác hiếm vật tư y tế như khẩu trang y tế và cồn vệ sinh. Ở Việt Nam, Chính phủ đã rất lỗ lực trong việc bình ổn giá những loại hàng hóa này, tích cực sản xuất và cấm xuất khẩu các loại mặt hàng này trong bối cảnh dịch bệnh, để đảm bảo việc phòng và chống dịch bệnh đạt hiệu quả.

Tại bệnh viện này, lãnh đạo bệnh viện cũng cho biết là bệnh viện không có kế hoạch mua khẩu trang với số lượng lớn, đồng thời nhiều bệnh nhân cũng không đủ khẩu trang y tế để sử dụng, phải sử dụng khẩu trang vải...

Bởi vậy, nếu thông tin trên mạng xã hội phản ánh về việc giám đốc bệnh viện Gò Vấp thu gom khẩu trang số lượng lớn để bán ra bên ngoài thì đây là một hành vi không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, và là hành vi vi phạm pháp luật nếu như có căn cứ cho thấy người này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi đầu cơ mua bán trái quy định.

Góc nhìn luật gia - Giám đốc bệnh viện Gò Vấp nghi vấn đầu cơ khẩu trang: Nếu chính xác sẽ phải đối diện hình phạt nào? (Hình 2).
Theo luật sư Cường, nếu thông tin đúng như trên mạng xã hội phản ánh thì đây là một hành vi không chấp nhận được về đạo đức và vi phạm pháp luật.

“Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ thông tin về vụ việc để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy lãnh đạo bệnh viện này đã có hành vi vi phạm thì cần phải đình chỉ công tác và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét làm rõ dấu hiệu của hành vi đầu cơ. Hoặc các hành vi về lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, hành vi không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khi tạo ra sự khan hiếm khẩu trang ở cơ sở y tế này đồng thời trục lợi bằng cách bán ra bên ngoài...”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Cường cho hay, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi đầu cơ, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý hình sự người đàn ông này về tội đâu cơ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ số hàng hóa này để xác định có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hay không. Trong trường hợp có căn cứ loại hàng hóa này là hàng giả, giám đốc này biết rõ đây là hàng giả nhưng vẫn thực hiện hành vi buôn bán hàng giả thì hành vi này cũng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

“Nếu có hành vi vi phạm thì cần áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, có thể là cách chức, xử phạt hành chính. Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể xử lý hình sự về các tội danh liên quan đến đầu cơ, buôn bán hàng giả hoặc các tội phạm về chức vụ...”, luật sư Cường cho biết thêm.

Theo Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/giam-doc-benh-vien-go-vap-nghi-van-dau-co-khau-trang-neu-chinh-xac-se-phai-doi-dien-hinh-phat-nao-a467385.html