Pháp luật

Thượng úy CSGT "tông BMW vào nhóm tuần tra" khóc tại tòa

Tuân cúi đầu xin lỗi gia đình các dân quân tử vong và nhiều người mang thương tật, bật khóc xin tòa án nhẹ để có cơ hội làm việc kiếm tiền bù đắp cho các nạn nhân.

Tuân cúi đầu xin lỗi gia đình các dân quân tử vong và nhiều người mang thương tật, bật khóc xin tòa án nhẹ để có cơ hội làm việc kiếm tiền bù đắp cho các nạn nhân.
Chiều 12/1, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt nguyên thượng úy Phạm Hồng Tuân (đội CSGT huyện Châu Đức) 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, buộc bồi thường cho gia đình các nạn nhân hơn 900 triệu đồng.
 
Trước đó, được nói lời sau cùng, Tuân quay lại cúi đầu xin lỗi gia đình các nạn nhân, bật khóc: "Bị cáo biết mình sai, đã gây ra hậu quả quá lớn, mong các nạn nhân tha lỗi. Mong tòa xem xét tuyên hình phạt thấp nhất để bị cáo có cơ hội quay lại cuộc sống làm việc, bù đắp cho các nạn nhân".
 

Tuân bật khóc xin các nạn nhân tha lỗi. Ảnh: Xuân Thắng

 
Trong buổi thẩm vấn, Tuân khá từ tốn, cho biết, ngày 5/12/2014 đưa vợ con đi công việc tại TP HCM. Về đến TP Biên Hòa (Đồng Nai), thượng úy CSGT để vợ lái ôtô còn mình ghé nhà bạn chơi, uống một chai bia. Đến khoảng 23h30, Tuân lấy chiếc BMW của bạn chạy về.
 
Bị cáo cho rằng, trước khi xảy ra tai nạn chỉ chạy tốc độ khoảng 50-60 km/h. Đến khi đổ dốc xuống khu vực bờ đập Núi Nhan, anh ta thấy có bóng người băng qua đường nên đánh xe sang trái. Lúc phát hiện nhóm tuần tra đứng bên lề thì đã muộn, ôtô tông thẳng vào họ. Tuân cũng đưa ra nguyên nhân do đang lo lắng cho con vừa chích ngừa xong nên tranh thủ chạy về nhà cho kịp.
 
Tai nạn làm ông Hồ Xuân Thu và Võ Xuân Đồng (cùng là dân phòng xã Láng Lớn) chết tại chỗ, 7 người khác bị thương. Trong đó, anh Mai Văn Quốc bị thương tật 100%, anh Nguyễn Văn Tân 76%, Dương Văn Hiếu 55%, Dương Văn Hoa 42%...
 
Cơ quan điều tra xác định biển số và tem kiểm định của chiếc BMW là giả, hết hạn đăng kiểm từ năm 2011; không xác định được tốc độ của ôtô và không tìm thấy nồng độ cồn trong máu của Tuân.
 
Trả lời câu hỏi của chủ tọa, là cảnh sát giao thông tại sao không kiểm tra xem xe có giấy tờ hay không trước khi chạy? Tuân nói: "Bị cáo nghĩ giấy tờ có sẵn trên xe nên không để ý".
 
Khi chủ tọa hỏi Tuân có đến thăm các nạn nhân sau khi được tại ngoại không? Tuân cho biết chỉ đến nhà một số người, còn lại "không đủ can đảm đến vì sợ họ bức xúc".
 

Tuân tại tòa. Ảnh: Xuân Thắng

 
Chị Thu - vợ anh Mai Văn Quốc - đề nghị bị cáo bồi thường hơn 300 triệu đồng (ngoài số tiền hơn 100 triệu đồng đã hỗ trợ trước đó), đồng thời mỗi tháng chu cấp 13 triệu đồng để nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên, Tuân xin các nạn nhân giảm số tiền bồi thường vì không làm ra tiền; cha chết, một mình mẹ còn phải lo cho cả nhà.
 
Đại diện gia đình các nạn nhân còn lại cũng đề nghị bị cáo bồi thường số tiền khá lớn cho chi phí điều trị.
 
VKS cho rằng bị cáo Tuân có cha là thương binh, ông bà ngoại đều tham gia cách mạng, bản thân bị cáo được nhiều khen thưởng trong quá trình công tác nên đề nghị mức án từ 3 đến 5 năm.
 
>> Xét xử thượng úy CSGT lái BMW tông chết 2 người
>> Thượng úy CSGT tông chết 2 người đối diện án đến 15 năm tù
>> Lời kể kinh hoàng vụ cảnh sát giao thông lái xe BMW tông chết 2 dân phòng
>> Bắt tạm giam 4 tháng thượng úy CSGT tông chết 2 bảo vệ dân phố
 
Theo Xuân Mai (VnExpress.net)