Pháp luật

Vụ án Tân Hoàng Minh: Bị hại mong sớm được trả lại tiền

Quá trình khai mạc phiên tòa, HĐXX thông báo có 987 trong tổng số 8.630 bị hại có mặt, họ đến từ rất sớm xếp hàng làm thủ tục, số này có những người đến từ các tỉnh xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...Các bị hại đều có mong muốn sớm được trả lại tiền.

987/8.630 bị hại tham dự phiên tòa

Sáng 19/3, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 14 đồng phạm đến trụ sở TAND TP Hà Nội phục vụ công tác xét xử sơ thẩm.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ 6h nhiều bị hại đã có mặt xếp hàng làm thủ tục, có người đến từ nhiều tỉnh thành rất xa như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... HĐXX thông báo đến 8h45 có 987 trong tổng số 8.630 bị hại tham gia phiên tòa.

Bên cạnh đó, tòa cũng triệu tập hơn 90 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, song chỉ 18 người có mặt.

Vụ án Tân Hoàng Minh: Bị hại mong sớm được trả lại tiền
Bị hại làm thủ tục để vào tham dự phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, với nhóm bị hại, người liên quan vắng mặt đều có lời khai, phiên xét xử diễn ra dài ngày, cần thiết sẽ triệu tập thêm.

Đối với cơ quan báo chí, HĐXX đề nghị các phóng viên tác nghiệp bên trong phòng xét xử tại thời điểm khai mạc phiên tòa và tuyên án. Diễn biến tranh tụng, phóng viên tác nghiệp tại phòng báo chí, song lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp yêu cầu chỉ mang giấy bút ghi chép, không được mang thiết bị máy tính, máy ảnh, điện thoại vào bên trong.

Vụ án Tân Hoàng Minh: Bị hại mong sớm được trả lại tiền - 1
Bị cáo Đỗ Anh Dũng.

Mong sớm được trả lại tiền

Hơn 9h, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng thể hiện, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh bị dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ rồi tăng thành gần 20.000 tỷ tại thời điểm đầu năm 2022. Để có tiền trả nợ và chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.

Tân Hoàng Minh không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Do đó, ông Dũng và đồng phạm sử dụng hành vi gian dối, dùng pháp nhân ba công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ.

Quá trình thực hiện, ông Dũng và đồng phạm "thông đồng" với các bị cáo tại Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc và Công ty CPA Hà Nội. Mục đích để hợp thức số liệu, làm đẹp báo cáo tài chính các năm 2020-2021 của các công ty để có đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Vụ án Tân Hoàng Minh: Bị hại mong sớm được trả lại tiền - 2
Bị cáo bên trong hội trường phòng xét xử.

Sau khi mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, 6.630 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng. Từ đó, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được tổng số tiền gần 14.000 tỷ. Sau khi huy động tiền, các bị cáo đã chiếm đoạt 8.600 tỷ của nhà đầu tư.

Trước ngày xét xử, nhiều bị hại có đơn xin giảm án cho cha con ông Dũng. Toàn bộ thiệt hại vụ án, hơn 8.600 tỷ đồng, đã được Tân Hoàng Minh và cá nhân liên quan khắc phục trong giai đoạn truy tố.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi, trú Thanh Hóa) cho biết, trước đây đã rút tiền tiết kiệm 150 triệu đồng mua trái phiếu kỳ hạn một tháng của Tân Hoàng Minh, được vài hôm thì nhóm cha con ông Đỗ Anh Dũng bị bắt.

Chị Hạnh bày tỏ mong muốn kết thúc phiên tòa sẽ sớm lấy được tiền, đồng thời chị cũng tiết lộ bản thân có đơn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt các bị cáo, bởi họ đã nộp lại tiền khắc phục vào kho bạc nhà nước.

Tương tự như chị Hồng, ông Vũ Văn Đông (Hà Nội) cho biết đã bỏ hơn 3 tỷ đồng mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh đến nay chưa nhận bất kỳ khoản lợi nhuận nào. “Tôi mong mình sớm nhận lại tiền, đầu tư vào đấy đã không được lãi giờ lại mất thời gian đi đòi lại”, ông Đông nói.

Theo Hoàng An - Minh Đức (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/vu-an-tan-hoang-minh-bi-hai-mong-som-duoc-tra-lai-tien-post1621369.tpo