Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

1,5 triệu người Anh lâm vào cảnh đói ăn

Một cuộc khủng hoảng lương thực đang nhanh chóng lây lan trong bối cảnh dịch bệnh khiến Vương quốc Anh phải phong tỏa, với hơn 1 triệu người đang phải vật lộn để tìm cái ăn, các tổ chức từ thiện thực phẩm và chính quyền địa phương cảnh báo.

1,5 triệu người Anh lâm vào cảnh đói ăn

Chỉ 3 tuần sau lệnh phong tỏa, tổ chức Food Foundation cho biết 1,5 triệu người Anh phải nhịn đói nguyên ngày vì hết tiền mua thực phẩm hoặc không thể ra ngoài nhận đồ tiếp tế. Khoảng 3 triệu người trong các hộ gia đình buộc phải từ bỏ một bữa ăn trong ngày. Hơn 1 triệu người báo cáo đã mất tất cả thu nhập vì đại dịch, với hơn 1/3 trong số đó tin rằng họ sẽ không được hưởng bất kỳ trợ giúp nào của chính phủ.

Các kết quả nghiên cứu của Food Foundation dựa trên cuộc thăm dò của công ty phân tích dữ liệu YouGov tại Anh, Scotland và xứ Wales trong tuần này. Giám đốc của YouGov - Anna Taylor, cho biết cuộc khủng hoảng này là quá sức đối với các chính quyền địa phương và các ngân hàng thực phẩm. "Việc này cần sự đầu tư cấp bách và đáng kể từ chính phủ trung ương, họ cần phải trực tiếp bỏ tiền vào túi của những gia đình để mọi người có thể mua được thức ăn", Taylor chỉ ra.

Các tổ chức từ thiện điều hành các ngân hàng thực phẩm cũng đang vật lộn để đối phó với sự gia tăng của những người có nhu cầu nhận đồ tiếp tế.

Sabine Goodwin - điều phối viên của tổ chức Food Aid Network, cho biết chính phủ đã quá chậm để phản ứng và tình hình có thể đã vượt khỏi tầm kiểm soát. "Các ngân hàng thực phẩm trong mạng lưới của chúng tôi đang chứng kiến mức tăng 300% so với thời điểm này năm ngoái nhưng vẫn đang cố gắng tìm đủ nguồn thực phẩm phù hợp", theo Goodwin.

Nhiều chính quyền địa phương cho biết rằng những phát hiện của Food Foundation phản ánh những gì họ chứng kiến. Tại Liverpool, hội đồng thành phố đã ghi nhận mức tăng 150% các khoản trợ cấp khẩn cho những người không đủ khả năng mua thức ăn hoặc đóng tiền điện kể từ khi có lệnh phong tỏa.

Thành phố này có một mạng lưới các ngân hàng thực phẩm và tổ chức từ thiện phân phối thực phẩm vốn đang tăng cường hoạt động nhanh chóng trong vài tuần qua.

FareShare, nhà phân phối thực phẩm dư thừa trên toàn quốc, hiện đang hoạt động hết công suất - từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, và đã phân phối khối lượng nhu yếu phẩm trị giá 380.000 bảng cho các gia đình có nhu cầu chỉ trong 5 ngày qua.

Các hội nhóm cổ động viên bóng đá cũng đã ủng hộ các ngân hàng thực phẩm với số tiền 150.000 bảng, nhưng trợ lý thị trưởng thành phố Liverpool - bà Jane Corbett, cho biết những khoản tiền trợ cấp và đồ tiếp tế là không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bà Corbett cảnh báo rằng chính quyền địa phương không thể chi trả cho tác động của đại dịch mà không có tài trợ từ chính phủ.

"Sự mong manh của hệ thống an sinh xã hội hiện tại của chúng tôi hiện đang được xem xét một cách cứng nhắc, áp lực cực lớn đối với các ngân hàng thực phẩm là một minh chứng rõ ràng. Ngân sách của chúng tôi đã bị cắt giảm 63% kể từ năm 2013", theo bà Corbett.

Số lượng người dân lâm vào cảnh đói ăn trong 3 tuần qua cao hơn 1,5 đến 2 lần so với những người bị đói trong cả năm gần đây, theo tiến sĩ Rachel Loopstra, giảng viên dinh dưỡng tại Đại học King’s College London.

"Những con số này cho thấy đại dịch COVID-19 đã có tác động nhanh chóng đến khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân, bắt nguồn từ lý do kinh tế và quy định cách ly xã hội", tiến sĩ Loopstra cho biết.

Trước tình hình này, một phát ngôn viên chính phủ Anh khẳng định: "An toàn công cộng và đáp ứng nhu cầu của người yếu thế là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Mọi người nên ở nhà, để giúp bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia của chúng ta và chính mình.

Chúng tôi đang làm việc với ngành bán lẻ, chính quyền địa phương và các đối tác khác để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu được giao càng sớm càng tốt cho những người dễ bị tổn thương nhất".

Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)




https://ngaynay.vn/the-gioi/15-trieu-nguoi-anh-lam-vao-canh-doi-an-170085.html