Thế giới

21 người chết trong vụ bắt con tin ở Mali

Tổng thống Mali thông báo 19 con tin và hai kẻ khủng bố thiệt mạng sau khi các tay súng xông vào một khách sạn sang trong ở thủ đô hôm 20/11.

Tổng thống Mali thông báo 19 con tin và hai kẻ khủng bố thiệt mạng sau khi các tay súng xông vào một khách sạn sang trong ở thủ đô hôm 20/11.

Người dân sống xung quanh khách sạn Radisson Blu, phía tây nam thủ đô Bamako sơ tán. Ảnh: AP

 
Reuters dẫn nguồn tin an ninh của Mali cho biết, mọi người nghe thấy tiếng súng ở khách sạn Radisson Blu, phía tây nam thủ đô Bamako vào sáng sớm ngày 20/11. Khoảng 10 tay súng xông vào bên trong khách sạn. Chúng hét “Thượng Đế vĩ đại” bằng tiếng Arab và xả súng.​ Ít nhất hai bảo vệ bị thương.
 
“Nhóm chiến binh xả súng ở hành lang tầng 7 của tòa nhà. Hai tên khủng bố nhốt 140 khách và 30 nhân viên khách sạn”, hãng tin Pháp cho hay. Chúng bắt ít nhất 7 người Trung Quốc.
 
Olivier Saldago, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc tại Mali, nói những kẻ tấn công mang theo súng AK-47 và tới khách sạn trên một chiếc xe mang biển số ngoại giao.​
 
Đài truyền hình quốc gia Mali đưa tin 80 trong số 170 con tin đã thoát khỏi khách sạn sau khi lực lượng đặc nhiệm tấn công bọn khủng bố. Nhân chứng tại hiện trường xác nhận, cảnh sát đặc nhiệm đã đột nhập vào bên trong khách sạn.​ Tuy nhiên, chủ khách sạn lại nói 138 người vẫn mắc kẹt trong tòa nhà.
 
Những tiếng súng của lực lượng đặc nhiệm vang lên trong khách sạn. Một quan chức an ninh cấp cao nói với Reuters rằng các binh sĩ và cảnh sát tới từng tầng của khách sạn và xông vào từng phòng của khách sạn để cứu người.
 
"Hàng chục người vẫn kẹt trong đó. Số người chưa thoát có thể lên tới 100", vị quan chức nói.
 
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời Đại sứ quán Trung Quốc ở Mali cho hay, 4 công dân của họ trong khách sạn đã được cứu.
 
Tờ Le Monde của Pháp dẫn nguồn tin Cơ quan An ninh Mali xác nhận 3 người đã thiệt mạng. Họ gồm hai công dân Mali và một người Pháp. Mikado FM, một đài phát thanh địa phương, dẫn lời một quan chức đưa tin số người thiệt mạng lên tới 15, nhưng nhà chức trách chưa xác nhận tin này. Trong khi đó, một nguồn tin an ninh nước ngoài nói với hãng tin của Pháp rằng số người chết là 18. Bộ An ninh Mali cũng xác nhận với hãng tin của Pháp rằng bọn khủng bố không còn giữ con tin nào.
 
Tổng thống Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita, nhận tin về vụ bắt cóc khi đang tham dự cuộc họp của nhóm G5 tại N'Djamena, Cộng hòa Chad, giới truyền thông địa phương cho hay.​
 
Amadou Sangho, một cố vấn trong chính phủ Mali, thông báo lực lượng đặc nhiệm đã cứu toàn bộ con tin mà bọn khủng bố bắt.
 
Trong một tuyên bố trên Twitter, nhóm phiến quân Al-Mourabitoun liên hệ với al-Qaeda nhận trách nhiệm về vụ tấn công khách sạn tại Mali, theo Reuters. Al-Mourabitoun là nhóm phiến quân Hồi giáo ở châu Phi. Đại bản doanh của chúng nằm tại miền bắc Mali.
 
Bản đồ vị trí khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako, Mali. Ảnh: Google Maps
 
Guardian dẫn nguồn tin quân sự cho hay, 3 chiến binh thánh chiến xông vào khách sạn đã thiệt mạng.
 
Đại sứ quán Mỹ tại Bamako viết trên tài khoản Twitter chính thức rằng họ đã nhận tin về vụ việc và khuyến cáo tất cả công dân Mỹ ở trong nhà hoặc tìm nơi trú ẩn, đồng thời liên hệ với gia đình. Một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận các binh sĩ của họ tại Mali đang trợ giúp thường dân tới nơi an toàn.​
 
Một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, các tay súng đã trả tự do cho những con tin có thể đọc những câu trong kinh Koran. Hiện nhà chức trách chưa xác định biết số lượng nhân viên Liên Hợp Quốc đang mắc kẹt bên trong.​
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết công dân Pháp mắc kẹt trong khách sạn. Ngoài ra 6 nhân viên thuộc một hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.​
 
Ông Hollande yêu cầu tất cả các công dân Pháp ở Mali liên lạc với Đại sứ quán Pháp để nhận sự bảo hộ.
 
Hãng hàng không Pháp Air France cho biết 12 nhân viên của họ đã ở khách sạn, nhưng hiện đã an toàn.
 
Trong khi đó, tại Bỉ, Bộ trưởng Ngoại giao Didier Reynders nói 4 công dân Bỉ đã đăng ký nghỉ tại khách sạn, nhưng ông không biết nhóm khủng bố bắt họ hay không.
 
Sau đó 3 nhân viên của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã thoát khỏi khách sạn. Hiện quân đội Pháp không hiện diện ở Bamako. Theo thông tin trên tài khoản Twitter của Văn phòng tổng thống Mali, Tổng thống Boubacar Keita đã trở về Bamako để đối phó với tình hình sau khi tham sự một hội nghị ở Chad.​
 
"Đại sứ của chúng tôi xác nhận 20 người Ấn Độ ở trong khách sạn, nhưng họ đã thoát ra ngoài", Vikas Swarup​, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
 
Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar cho biết, nhóm khủng bố tấn công khách sạn Radisson Blu là Ansar al-Din. Đây là một nhóm phiến quân cực đoan theo luật Hồi giáo Hồi giáo Sharia ở Mali..

Lực lượng an ninh chặn các con đường dẫn vào khách sạn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhận tin về vụ tấn công ở Mali. Obama đang ở Malaysia để dự hội nghị cấp cao ASEAN ở Malaysia. Ông yêu cầu cố vấn an ninh liên tục báo cáo tình hình vụ việc​.
 
Khách sạn Radisson Blu là nơi ở của nhiều người nước ngoài khi đến Mali công tác. Nhiều trụ sở của các cơ quan chính phủ và ngoại giao cũng nằm trong khu vực này.
 
Olivier Saldago, người phát ngôn của Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA), cho biết một phái đoàn lớn của MINUSMA sẽ tới khách sạn Radisson Blu vào tuần này.​
 
Mali từng là một thuộc địa của Pháp. Hồi năm 2013, Mali phải cầu viện sự trợ giúp của quân đội Pháp sau khi phiến quân chiếm được thị trấn chiến lược Konna. Dưới sự không kích dữ dội của máy bay Pháp và lực lượng bộ binh, phiến quân phải bỏ chạy từ vùng Bắc Mali để rút về sa mạc.

Cảnh sát đứng bên ngoài khách sạn Radisson.

Vào tháng 8, một vụ xả súng xảy ra tại khách sạn ở thị trấn Sevare khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 5 nhân viên của Liên Hợp Quốc. Cảnh sát cho rằng hung thủ là những tay súng Hồi giáo.
 
Từ đầu tháng 1/2013, quân đội Pháp có vai trò rất lớn trong lực lượng liên quân quốc tế hỗ trợ chính phủ Mali đẩy lùi các tộc người phiến quân Tuareg. Ngoài Pháp, chính phủ Mali còn nhận được sự hỗ trợ quân sự từ nhiều quốc gia láng giềng khác.​
 
Những cuộc tấn công của phiến quân ở Mali
 
- Tháng 10/2011: Lực lượng vũ trang bản địa Tuareg phát động cuộc nổi dậy.
 
- Tháng 3/2012: Quân đội giành quyền xử lý phiến quân nổi dậy. Một tháng sau, Tuareg và các tay súng thân al-Qaeda kiểm soát phía bắc Mali.
 
- Tháng 6/2012: Các nhóm phiến quân Hồi giáo lần lượt chiếm những địa phương Timbuktu, Kidal và Gao từ tay người Tuareg, bắt đầu phá hủy những đền thờ Hồi giáo và sách kinh, áp dụng luật Hồi giáo Sharia để cai trị.
 
- Tháng 1/2013: Các chiến binh Hồi giáo chiếm một thị trấn miền Tây, khiến chính phủ lo ngại chúng có thể tiến đến Bamako. Chính phủ miền Nam Mali cầu viện sự giúp đỡ của quân đội Pháp.
 
- Tháng 6/2013: Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với quân số 12.000 người đảm nhận trách nhiệm bảo vệ miền Bắc Mali sau khi phiến quân bị đánh bật khỏi đây.
 
- Tháng 7/2014: Pháp phát động chiến dịch ở Sahel để khống chế các phần tử thánh chiến. Chiến binh Hồi giáo và nhóm Tuareg tiếp tục phát động những cuộc xung đột diễn ra ở vùng sa mạc miền bắc.
 
- Năm 2015: Nhiều vụ tấn công khủng bố xảy ra ở thủ đô Bamako và miền trung Mali.
 
Theo Tống Hoa (Zing.vn)