Thế giới

4 đứa trẻ tự chăm sóc nhau ở Amazon hơn 5 tuần và những kỹ năng sinh tồn cần phải biết khi bị lạc nơi rừng rậm

Ngày 9/6, Tổng thống Colombia Gustavo Petro cho biết các cơ quan cứu hộ nước này đã tìm thấy bốn đứa trẻ còn sống ở trong rừng sau khi máy bay chở các em gặp nạn cách đây hơn 5 tuần. Đáng chú ý, nhờ những kỹ năng sinh tồn mà các em đã học, cả 4 đứa trẻ đều được tìm thấy an toàn ở một trong những nơi được coi là "rừng thiêng nước độc" nhất trên thế giới.

Theo Hãng tin AFP, ngày 1-5 chiếc trực thăng Cessna 206 chở sáu hành khách và một phi công báo cáo tình trạng khẩn cấp do hỏng động cơ, biến mất khỏi màn hình ra đa một thời gian ngắn sau đó. Thi thể ba người lớn gồm phi công, mẹ của bốn đứa trẻ và một lãnh đạo địa phương đã được tìm thấy tại hiện trường.

Điều may mắn duy nhất sau vụ tai nạn là cả 4 đứa trẻ đều đã được tìm thấy dù đang ở trong tình trạng xanh xao và yếu ớt. Tuy nhiên việc 4 đứa trẻ này tồn tại được ở trong rừng Amazon, nơi được coi là có quá nhiều nguy hiểm nhất là đối với trẻ em là câu chuyện không phải là duy nhất trên thế giới.

Phân tích về những kỹ năng mà những đứa trẻ đã sử dụng khi bị lạc, có thể thấy, những đứa trẻ này đã được đào tạo những kiến thức cơ bản để có thể tồn tại trong những môi trường khắc nghiệt. Từ những vụ việc như trường hợp này, có thể liệt kê ra một số kỹ năng cơ bản chúng ta nên có để đề phòng trường hợp bị lạc ở những vùng hẻo lánh hoặc rừng sâu.

1. Xây dựng nơi trú ẩn:

4 đứa trẻ tự chăm sóc nhau ở Amazon hơn 5 tuần và những kỹ năng sinh tồn cần phải biết khi bị lạc nơi rừng rậm
Các binh sĩ Colombia tìm thấy 4 đứa trẻ trong rừng Amazon. Ảnh: Reuters

Biết cách xây dựng một nơi trú ẩn an toàn và bảo vệ mình khỏi các yếu tố môi trường gây nguy hoại xung quanh là điều rất quan trọng.

Như trường hợp 4 đứa trẻ bị lạc trong rừng Amazon nói trên, chị gái của nhóm trẻ đã dựng lều tạm cho tất cả chỉ nhờ...dây buộc tóc. Cô của đám trẻ, bà Damarys Mucutuy nói rằng gia đình bà thường xuyên chơi một trò chơi “mang tính sinh tồn” khi trưởng thành.

“Khi tiến hành trò chơi đó, chúng tôi sẽ dựng lên những thứ được gọi là các trại nhỏ. Cô cháu gái Lesly 13 tuổi của tôi biết được những loại trái cây nào không thể ăn, bởi rất nhiều loại hoa quả ở trong rừng có chứa chất độc. Đồng thời, Lesly cũng biết cách chăm sóc trẻ em”, bà Mucutuy kể lại những gì bản thân biết về cô cháu gái.

Theo BBC, Lesly đã dựng một túp lều tạm từ các cành cây được nối vào nhau từ dây buộc tóc. Cô bé sau đó đã thu thập một loại bột mì có tên là Farina từ xác chiếc phi cơ Cessna 206 gặp nạn. Tới khi Lesly và những đứa trẻ khác ăn hết số bột mì trên, nhóm trẻ này liền chuyển sang ăn trái cây rừng.

2. Kiến thức về đồ ăn và thu thập thực phẩm:

“Có một loại trái cây trong khu rừng, nơi máy bay rơi xuống, có tên là Avichure. Chúng (những đứa trẻ) đã tìm kiếm hạt của loại quả này ở vị trí cách nơi máy bay rơi khoảng 1,5km”, ông Edwin Paki, một người dân bản địa tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ 4 đứa trẻ trong rừng Amazon, nói với các phóng viên.

“Những đứa trẻ đã ở trong khu rừng, nơi mà có nhiều cây lớn nhất trong vùng. Trong khi một số loại cây có thể cung cấp cho đám trẻ nguồn nước uống sạch, thì nhiều loại cây khác lại có độc. Đó là một khu vực chưa được khám phá. Những thị trấn trong khu vực này rất nhỏ, và thường những thị trấn đó hay nằm sát sông suối thay vì nằm trong rừng”, chuyên gia Alex Rufino nói.

Ngoài trường hợp của 4 đứa trẻ nói trên, thì câu chuyện về nhà thám hiểm Bear Grylls cùng từng gây chú ý với việc tồn tại trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt nhưng vẫn có thể vượt qua nhờ biết cách tìm thức ăn và nước uống.

4 đứa trẻ tự chăm sóc nhau ở Amazon hơn 5 tuần và những kỹ năng sinh tồn cần phải biết khi bị lạc nơi rừng rậm - 1
Nhà thám hiểm Bear Grylls. Ảnh: Digitaltveurope.

Bear Grylls là một nhà thám hiểm, tác giả và người dẫn chương trình người Anh. Anh nổi tiếng qua các chương trình Man vs Wild (tên gọi khác là Born Survivor: Bear Grylls). Tháng 9/2015, trong chương trình thực tế Running Wild with Bear Grylls, Grylls đã vượt qua thử thách sinh tồn cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông chủ Nhà Trắng có chuyến công du 3 ngày tới Alaska. 

Tháng 9/2015, khi thực hiện chương trình thực tế Running Wild with Bear Grylls, anh đã hướng dẫn Tổng thống Obama cách sinh tồn ở vùng Alaska khắc nghiệt bằng cách ăn những miếng cá hồi do gấu bỏ lại. Trong chuyến thám hiểm tới vùng Siberia, để sống sót, Bear Grylls từng phải ăn mắt của động vật.

Theo Grylls, nhãn cầu chứa nhiều protein hơn thịt. anh thừa nhận, đó là trải nghiệm khủng khiếp nhưng khi buộc phải lựa chọn giữa cái chết và sự ghê tởm trong dạ dày, anh đảm bảo mọi người sẽ chấp nhận thứ thức ăn ấy dễ dàng hơn. Tim động vật cũng là lựa chọn tốt khi con người rơi vào tình huống nguy hiểm tại khu vực hẻo lánh.

Ngoài ra, Grylls cho biết, việc tiếp theo sau khi đã có nguồn dinh dưỡng là phải tìm ra được nguồn nước. Nhà thám hiểm cũng từng phải uống nước tiểu bản thân để duy trì sống sót.

3. Kiến thức về cấp cứu và sơ cứu:

Không giống như trường hợp của 4 đứa trẻ trong rừng Amazon hay Brear Grylls khi tham dự show truyền hình thực tế, Aron Ralston lại là trường hợp đặc biệt khi anh là nhà leo núi bị mắc kẹt khi rơi vào khe đá ở hẻm Bluejohn Canyon, một nơi vô cùng hẻo lánh, ít người qua lại.

Điều tai hại hơn là sau khi rơi xuống hẻm núi, Aron còn bị một tảng đá lớn đè vào tay đến mức không thể tự mình rút ra.

Cụ thể, khi lên tới đỉnh hẻm núi Bluejohn Canyon, trước mặt Aron Ralston là một cái khe dài hơn 60m, sâu 23m và bề ngang khoảng 1m. Khi anh vừa nhảy sang bên kia, đứng lên một hòn đá nhìn khá vững chắc thì bỗng nhiên trượt chân rơi xuống vực sâu, tảng đá “chắc chắn” nặng khoảng 360 kg đó cũng bị đánh bật theo rơi xuống đè trúng tay phải Ralston, khiến anh bị kẹp cứng không thể nào rút ra được.

4 đứa trẻ tự chăm sóc nhau ở Amazon hơn 5 tuần và những kỹ năng sinh tồn cần phải biết khi bị lạc nơi rừng rậm - 2
Aron Ralston xuất hiện sau tai nạn. Ảnh: CASKEY/REUTERS

Ngày đầu tiên trôi qua, Aron Ralston ăn nửa chiếc bánh, uống 1 lít nước. Anh vẫn giữ niềm tin là sẽ có người đi ngang qua và anh sẽ được cứu nhưng chẳng có ai đến cả, đêm đó anh đã biết như nào là cô độc. Sang ngày thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4, tình trạng ngày càng một xấu đi, tay phải anh đã bắt đầu hoại tử, sau khi thử đủ mọi cách để cứu mình thì giờ đây Ralston đã kiệt sức, thức ăn cũng hết. Đôi lúc anh mê sảng, trong đầu bỗng xuất hiện những đoạn tự thoại, một người khuyên anh từ bỏ rằng hãy tự sát đi, đây sẽ là nấm mồ của anh, còn một người thì luôn nhắc nhở anh phải tìm cách tỉnh táo, không được hoảng sợ hay từ bỏ.

Đêm hôm đó, trong cái lạnh 3 độ C, sự cô độc cùng cơn mê man, anh thấy trong đầu cảnh tượng mình bị cụt cánh tay phải, chơi đùa với một đứa trẻ gọi anh là bố. Khi tỉnh dậy vào sáng ngày thứ 6, anh tin chắc chắn đó là tương lai, điều này lại thôi thúc anh cần phải hành động ngay lập tức, thời gian hết rồi.

Quyết định sống còn của Aron là sẽ tự cắt đứt cánh tay phải bị kẹt để giải thoát mình. Anh lấy dây thừng buộc chặt phần trên khuỷu tay để cầm máu, rồi dùng con dao cùn cắt bỏ phần da chết dưới khuỷu tay. Vì tay đã hoại tử từ mấy hôm nên anh chẳng cảm thấy gì. Da, thịt, cơ và gân đều không vấn đề gì nhưng xương vẫn dính với nhau nên chẳng giải quyết được vấn đề. Lúc này, Aron quyết định tự bẻ gãy xương tay để thoát thân dù vô cùng đau đớn nhưng đó là cái giá tất yếu anh phải trả để đổi lại mạng sống!

4. Kiểm soát tâm lý và quyết tâm để định hướng tìm lối thoát:

Ngày 13/10/1972, một chiếc máy bay của Không quân Uruguay chở theo 19 thành viên của đội bóng bầu dục Old Christians cùng người thân và cổ động viên của họ từ đi từ thủ đô Montevideo của Uruguay đến Santiago, Chile để tham gia một trận đấu bóng bầu dục.

Ngoài 40 người trên máy bay còn có 5 thành viên phi hành đoàn. Chiếc máy bay một động cơ, tuabin đôi mới được đưa vào sử dụng chỉ 4 năm. Khi những đám mây che khuất đỉnh núi Andes, phi công thiếu kinh nghiệm nghĩ rằng chiếc máy bay đang tiếp cận thành phố Curico của Chile nhưng thực tế thì nó còn cách xa tới 70km.

4 đứa trẻ tự chăm sóc nhau ở Amazon hơn 5 tuần và những kỹ năng sinh tồn cần phải biết khi bị lạc nơi rừng rậm - 3
Các cầu thủ bóng bầu dục đứng gần thân máy bay F-227 vào tháng 12/1972.

Vì vậy, phi công đã cho máy bay chuẩn bị hạ cánh, đến lúc anh ta nhận ra phía trước mặt là một ngọn núi chứ không phải đường băng hạ cánh như "tưởng tượng" thì đã quá muộn. Sau khi lộn vòng trên không, chiếc máy bay bị gãy làm đôi, phần đuôi vỡ hẳn ra khiến 5 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn bị hút ra ngoài.

Cuối cùng nó đâm vào đỉnh núi và trượt xuống với tốc độ chóng mặt - khoảng 350km/h - trước khi đâm vào một bãi tuyết lớn. Phi công tử nạn. Giữa đống đổ nát của chiếc máy bay bị vỡ vụn, trên một dòng sông băng cách tuyến đường bay theo kế hoạch 80km về phía đông, 33 hành khách bằng cách nào đó vẫn bảo toàn mạng sống.

Sau khi ăn hết số thực phẩm dự trữ trên máy bay, những người sống sót đã phải giằng xé tâm lý giữa việc ăn thịt những người đã chết hay tự mình chìm dần trong tuyệt vọng để mặc cho số mệnh. 

Một người phụ nữ không chịu ăn cuối cùng đã chết vào ngày thứ 60 ở trên đỉnh núi, cô đã gầy đến mức chỉ nặng khoảng 25kg. Một đêm nọ, trận tuyết lở nhấn chìm thân máy bay khi mọi người đang ngủ bên trong, 8 người chết. 16 người sống sót đã bị mắc kẹt trong thân máy bay đầy tuyết, bị chôn vùi trong tuyết ngập đến tận cổ, phải 3 ngày sau họ mới thoát ra được.

Những người sống sót đã thảo luận về việc leo qua những ngọn núi và tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng những nỗ lực của họ đã thất bại do cái lạnh thấu xương, suy dinh dưỡng và độ cao. Họ cũng không biết chính xác vị trí của mình.

2 tháng sau vụ tai nạn, ngày 12/12/1972, Canessa và Nando quyết định đi về phía Tây. Họ không có bản đồ hoặc kinh nghiệm leo núi nhưng vẫn bất chấp tất cả để di chuyển trong địa hình khó khăn. Mặc thêm quần áo lấy từ những người đã chết, mang theo tất chứa thịt người đông lạnh, họ bắt đầu cuộc hành trình xuống núi mà không có bất kỳ kinh nghiệm leo núi nào.

Vào ngày thứ 9, sau khi họ thay đổi hướng đi và xuống một thung lũng, 2 người đàn ông kiệt sức nằm bẹp dưới đất đã thu hút sự chú ý của một số người đàn ông cưỡi ngựa qua sông. Cũng từ đây, toàn bộ những người còn lại đã được cứu thoát sau chuỗi ngày kinh hoàng cùng những ký ức ám ảnh trên đỉnh núi tuyết.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/4-dua-tre-tu-cham-soc-nhau-o-amazon-hon-5-tuan-va-nhung-ky-nang-sinh-ton-can-phai-biet-khi-bi-lac-noi-rung-ram-d166313.html