Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Biến chủng D164G của virus corona đang phổ biến ở Đông Nam Á gây lo ngại như thế nào?

Một biến chủng của virus SARS-CoV-2 tên là D614G, được cho là lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu ở Vũ Hán, đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều nước ở châu Á, trong đó có Philippines và Malaysia.

Trong bài đăng trên Facebook hôm 16/08, bác sĩ Noor Hisham Abdullah, tổng giám đốc Bộ Y tế Malaysia cho biết "Biến chủng virus này được xác định lây lan nhanh gấp 10 lần và dễ dàng lan truyền bởi các cá nhân siêu lây nhiễm."

Theo báo Today Online (Singapore), D614G là một biến chủng của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019.

Từ khi được phát hiện, SARS-CoV-2 đã đột biến nhiều lần. Nghiên cứu được Đại học Bologna công bố tháng trước cho biết có ít nhất sáu biến thể của SARS-CoV-2 hiện đang lây lan trên thế giới.

Biến chủng đầu tên là "S" đã xuất hiện hồi đầu năm. Biến chủng "G" xuất hiện hồi giữa tháng 01, nhưng hiện là biến chủng phổ biến nhất của virus gây bệnh Covid-19. Theo thống kê, khoảng 70% trong số 50.000 bộ gen của virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học chia sẻ trên hệ thống dữ liệu chung có mang biến thể này.

Biến thể "G" thường được tìm thấy ở Mỹ và châu Âu, tuy vậy từ tháng 03 nó đã xuất hiện nhiều hơn tại châu Á, theo Today Online.

Biến chủng D164G của virus corona đang phổ biến ở Đông Nam Á gây lo ngại như thế nào?

Giáo sư Gavin Smith thuộc Chương trình Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm mới của trường y khoa Duke-NUS (Singapore) cho biết tất cả các virus sau khi xâm nhập cơ thể người đều tự nhân bản. Virus corona hay các virus cúm thường mắc lỗi trong quá trình nhân bản này, và tạo ra đột biến.

Đối với chủng D614G, đột biến xảy ra khi amino acid tại vị trí 614 chuyển từ D (aspartic acid) thành G (glycine), kết quả là chủng D614 ban đầu ở Vũ Hán trở thành D614G.

Một số nghiên cứu cho thấy D614G lây lan nhanh hơn các biến chủng khác của SARS-CoV-2. Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tuần san khoa học Cell, bác sĩ Bette Korber, một nhà sinh học thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ) xét nghiệm các mẫu lấy từ bệnh nhân ở châu Âu và Mỹ.

Bà Korber và nhóm nghiên cứu phát hiện rằng dù D614G rất hiếm bên ngoài châu Âu hồi đầu tháng 03, nhưng nó đã nhanh chóng phổ biến toàn cầu vào cuối tháng.

"Trên toàn thế giới, ngay cả tại những địa phương đã ghi nhận nhiều ca nhiễm biến chủng ban đầu, rất nhanh sau khi D614G xuất hiện nó sẽ trở thành chủng phổ biến nhất," bà Korber viết trong báo cáo.

Nghiên cứu cho thấy đột biến xuất hiện trên protein gai của virus, phần cấu tạo giúp virus xâm nhập tế bào con người. Biến chủng D164G thậm chí còn lây lan nhanh hơn D614 ở tế bào nuôi cấy trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Cũng theo nhóm của bà Korber, các bệnh nhân nhiễm biến chủng D614G mang trong mình nhiều virus hơn so với bệnh nhân nhiễm D614, đây có thể là lý do vì sao chủng này lây lan dễ dàng hơn.

Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) hồi tháng 06 cho thấy D614G lây lan nhanh gấp 10 lần chủng ban đầu, do protein gai của nó khó bị phá vỡ hơn. Nghiên cứu này được đăng tải trên trang web BioRxiv nhưng hiện chưa được bình xét.

Giáo sư Smith cho rằng những nghiên cứu này chưa chắc đã trùng với thực tế những gì xảy ra đối với con người. Các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các nghiên cứu này mới chỉ cho thấy, chưa chứng minh được D614G lây lan nhanh hơn.

Nghiên cứu của bà Korber cũng cho thấy bệnh gây ra bởi chủng D614G không nguy hiểm hơn những chủng khác. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nhìn chung vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố khác, chẳng hạn độ tuổi và giới tính.

Giáo sư Smith nói với tờ Today Online rằng tới nay chưa có bằng chứng cho thấy D614G gây tử vong cao hơn so với các chủng khác. Ông nói biến chủng này có thể phổ biến hơn bởi nó lây lan nhanh ở các nước chưa kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ông cũng cho rằng các loại vaccine Covid-19 đang được phát triển vẫn sẽ hiệu quả đối với biến chủng D614G, bởi chúng không nhắm vào phần bị ảnh hưởng bởi đột biến trên bộ gene virus.

Protein gai có phần "thân" và phần "đầu". Kháng thể từ vaccine bám vào "đầu" protein gai để ngăn virus xâm nhập tế bào người, trong khi đột biến của D614G xảy ra ở phần "thân", do đó không ảnh hưởng tới mức độ hiệu quả của vaccine, theo ông Smith.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)