Thế giới

'Cô giáo xinh đẹp nhất Trung Quốc' bị tố kiếm tiền bất chính từ thiện

Một cô giáo nổi tiếng trên mạng ở Trung Quốc bị tố cáo nhận tiền tài trợ để làm từ thiện dù không có giấy phép.

'Cô giáo xinh đẹp nhất Trung Quốc' bị tố kiếm tiền bất chính từ thiện
Long Jingjing (trái) (Ảnh: Weibo)

Gina Long Jingjing được coi là "cô giáo nông thông xin đẹp nhất Trung Quốc", với tấm bằng tốt nghiệp Đại học Columbia ở New York (Mỹ).

Hồi đầu tháng, một người đàn ông họ Xu tố cáo với chính quyền một thành phố ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) rằng công ty của Long Jingjing tổ chức quyên góp từ công chúng để làm từ thiện nhưng không có giấy phép, theo The Paper.

Hình ảnh trong sáng của Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ việc. Nhiều người tố cáo cô lợi dụng trẻ em khuyết tật để mưu lợi cá nhân.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Weibo hôm 25/09, Long thừa nhận vi phạm pháp luật khi đăng mã QR trên mạng internet để nhận tiền quyên góp, nhưng lập luận rằng cô không biết bản thân phạm pháp.

Cô cho biết số tiền quyên góp sẽ dùng để hỗ trợ giáo dục vùng nông thôn ở Trung Quốc, không có ý định biển thủ cho mục đích khác. Cô cũng cho biết các kiểm toán viên đang xem xét kỹ lưỡng số tiền này.

Giới chức thành phố nơi Long sinh sống cho biết đang điều tra vụ án, theo SCMP.

"Thay đổi thế giới không phải là lời nói khoác lác. Đối với tôi, đó là một cam kết nghiêm túc. 10 năm qua tôi đã hỗ trợ 1.500 người, quyên góp số tiền 1,93 triệu nhân dân tệ và tổ chức 112.025 lớp học cho trẻ em," Long nói trong một đoạn video clip đăng tải trên ứng dụng Douyin hồi tháng trước.

Theo video mà Long đăng tải trên Douyin, cô quê quán ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), ra nước ngoài học trung học từ năm 16 tuổi. Năm 2011, cô trở về Trung Quốc trong kỳ nghỉ hè để giảng dạy tại các ngôi làng hẻo lánh. Cô cho biết ở Mỹ cũng đã quyên góp tiền hỗ trợ trẻ em nghèo tại vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc.

Cô tốt nghiệp Đại học Columbia năm 2018, thành lập tổ chức phi lợi nhuậ King Force để đưa giáo viên tới giảng dạy ở các vùng nông thôn ngắn hạn và dài hạn. Cô cũng có một công ty khác tham gia các hoạt động văn hóa, marketing.

Một vụ việc tranh cãi khác liên quan tới Long là dự án cô khởi xướng vào tháng 04, thu 5.000 nhân dân tệ của mỗi thành viên tới thăm các vùng quê ở tỉnh Hồ Nam.

Trong chuyến đi năm ngày đó, tổ chức phi chính phủ của Long đưa các thành viên tới dạy cho trẻ em nông thôn trong hai ngày, và đi tới các huyện lân cận trong ba ngày. Tổ chức của Long không yêu cầu bằng cấp giáo dục đối với các thành viên.

Trên Weibo, Long cho biết cô tổ chức các chuyến đi nhằm mục đích phát triển kinh tế tại khu vực.

Tình trạng thiếu giáo viên là một trong những thách thức lớn của hệ thống giáo dục nông thôn tại Trung Quốc. Trong 20 năm qua, giới chức nước này đã điều động giáo viên từ các thành phố về giảng dạy ở các vùng nông thôn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Bộ Giáo dục Trung Quốc năm ngoái công bố sẽ điều động hơn 22.000 giáo viên về giảng dạy ở các vùng quê nghèo trong năm học 2020-21. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng cử tình nguyện viên tới dạy học ở các vùng nông thôn.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)