Thế giới

Cơn bão tăng cấp cực nhanh khiến giới khí tượng Mỹ hoang mang

Cơn bão Lee trên Đại Tây Dương đang khiến các chuyên gia ngạc nhiên về tốc độ phát triển thành cơn bão cấp 5 khổng lồ.

AP dẫn lời các chuyên gia cho biết cơn bão Lee đã giảm sức mạnh xuống cấp 3 nhưng vẫn được đánh giá là nguy hiểm. Nó duy trì sức mạnh đó hôm 9-9. 

Sự xuất hiện của cơn bão này làm cho các quy tắc khí tượng học cũ bị phá vỡ. Các chuyên gia cảnh báo cơn bão Lee có thể báo hiệu nhiều cơn bão quái vật hơn.

Giám đốc chương trình khoa học khí quyển của Trường ĐH Georgia và là cựu chủ tịch của Hiệp hội Khí tượng Mỹ, Marshall Shepherd, cho biết: "Những cơn bão đang ngày càng mạnh hơn ở độ cao cao hơn. Nếu xu hướng đó tiếp tục, nó sẽ tác động đến những nơi như thủ đô Washington, D.C., New York và Boston".

Cơn bão tăng cấp cực nhanh khiến giới khí tượng Mỹ hoang mang
Cơn bão Lee (phải) ở Đại Tây Dương hôm 8-9. Ảnh: AP

Vào tối 7-9, cơn bão Lee phá vỡ tiêu chuẩn mà các nhà khí tượng học gọi là tăng cường sức mạnh nhanh chóng (nghĩa là sức gió duy trì của một cơn bão tăng thêm 56 km/giờ trong vòng 24 giờ).

Theo giám đốc Shepherd, sức giờ tăng thêm của cơn bão Lee đạt mức 129 km/giờ, gấp đôi con số tiêu chuẩn 56 km/giờ kể trên.            

Giáo sư Kerry Emanuel tại Viện Công nghệ Massachusetts giải thích nhiệt độ đại dương siêu ấm và gió đứt khí quyển thấp đã giúp cơn bão Lee tăng cường sức mạnh nhanh chóng. 

Ngoài ra, việc một cơn bão ở Đại Tây Dương đạt cấp 5 (duy trì sức gió tối thiểu 253 km/giờ) như cơn bão Lee là khá hiếm. Nhà khoa học kiêm nhà nghiên cứu bão Brian McNoldy tại Trường ĐH Miami cho biết chỉ có khoảng 4,5% số cơn bão được đặt tên ở Đại Tây Dương đạt cấp 5 trong thập kỷ qua.

Những cơn bão lớn dữ dội hơn cũng đang đe dọa các cộng đồng ở xa hơn trong đất liền vì những cơn bão quái vật có thể phát triển mạnh đến mức chúng vẫn là những cơn bão nguy hiểm dù cách xa đất liền.

"Vì những cơn bão này mạnh, sắp đổ bộ nên trong một số trường hợp, chúng di chuyển đủ nhanh nên vẫn là bão trong đất liền" - giám đốc Shepherd nói. 

Cơn bão Idalia là ví dụ mới nhất. Nó đổ bộ vào vùng Florida Panhandle hồi tháng trước và vẫn là một cơn bão khi đi vào miền Nam bang Georgia - Mỹ, tấn công TP Valdosta cách nơi đổ bộ hơn 116 km. Ít nhất 80 ngôi nhà ở khu vực Valdosta bị phá hủy và hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hại.

Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/con-bao-tang-cap-cuc-nhanh-khien-gioi-khi-tuong-my-hoang-mang-20230910204638617.htm