Thế giới
03/04/2020 09:04Đại sứ Trung Quốc lý giải hàng nghìn lọ tro cốt ở Vũ Hán
"Nhà tang lễ ở Vũ Hán mở cửa trở lại hôm 23/3. Bạn thấy nhiều người xếp hàng chờ nhận tro cốt vì Vũ Hán đã bị phong tỏa hơn hai tháng", Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã trả lời kênh truyền hình BFM của Pháp hôm 1/4. "Ngoài hơn 2.500 người chết ở thành phố này vì Covid-19, khoảng 10.000 người chết vì những nguyên nhân khác. Chúng tôi không che giấu số người chết và các số liệu là chính xác".
Theo ông Lô, lệnh phong tỏa được áp đặt tại Vũ Hán từ 23/1 khiến nhiều người không thể đến nhận tro cốt người thân, dẫn đến tình trạng xếp hàng dài tại nhà tang lễ Vũ Hán sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ tuần trước. Ông cho biết ước tính 51.200 người đã chết ở Vũ Hán năm 2019, hoặc trung bình hơn 4.000 người mỗi tháng. Số liệu cho tháng 1 và 2 thường cao hơn so với phần còn lại của năm vì thời tiết lạnh.

Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 3.300 ca tử vong do nCoV, trong đó Vũ Hán chiếm gần 2.600 ca. Đại sứ Lô Sa Dã nói rằng sau khoảng hai tháng kiểm soát chặt chẽ việc đi lại trong nước, Trung Quốc đã kiểm soát được Covid-19. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo các nhiễm ngoại nhập làm tăng mối lo ngại về đợt bùng phát thứ hai.
Bình luận của ông Lô được đưa ra sau khi Caixin, tạp chí về tài chính, kinh doanh có trụ sở ở Bắc Kinh, tuần trước dẫn lời một tài xế xe tải nói rằng ông đã chở khoảng 5.000 lọ tro cốt trong hai ngày 25-26/3 đến một nhà tang lễ ở quận Hán Khẩu, một trong 8 nhà tang lễ ở Vũ Hán. Caixin cũng đăng hình ảnh khoảng 3.500 chiếc lọ xếp chồng lên nhau trong nhà tang lễ, dù không rõ bao nhiêu bình đã đựng tro cốt. Tạp chí mô tả dòng người xếp hàng dài khoảng 200 mét chờ đợi bên ngoài nhà tang lễ.
Hồi tháng 2, Caixin đưa tin một số bệnh nhân qua đời mà không được tính là nạn nhân Covid-19 vì họ không có cơ hội được xét nghiệm. Giấy chứng tử của họ thường ghi nguyên nhân cái chết là "viêm phổi nặng" hoặc "viêm phổi nặng do tiếp xúc cộng đồng".
Khi Covid-19 lần đầu được báo cáo cuối tháng 12/2019, chỉ những người có kết quả xét nghiệm dương tính mới được coi là ca nhiễm nCoV. Trung Quốc thiếu nghiêm trọng dụng cụ xét nghiệm vào thời điểm đó và phải đến giữa tháng 2, nước này mới nới lỏng tiêu chuẩn chẩn đoán, đưa những người có triệu chứng vào danh sách bệnh nhân nhiễm nCoV. Nhân viên y tế cũng cho biết nhiều bệnh nhân bị từ chối nhập viện trong giai đoạn đầu của dịch do hệ thống bệnh viện ở Vũ Hán bị quá tải.
Bloomberg hôm 1/4 dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên nói rằng tình báo Mỹ gửi báo cáo mật cho Nhà Trắng tuần trước, kết luận Trung Quốc cố tình báo cáo ca nhiễm và ca tử vong do nCoV thấp hơn thực tế. Trung Quốc sau đó chỉ trích quan chức Mỹ "không biết xấu hổ", "phi đạo đức" và yêu cầu Mỹ từ bỏ việc chính trị hóa các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Theo Huyền Lê (VnExpress.net)
Tin cùng chuyên mục








-
Vợ chuyển khoản cho "đạo sĩ online" suốt 5 năm, chồng bật khóc khi biết số tiền (19/07)
-
Cường Đô La đi khắp thế giới, sống đời vương giả, cuối cùng chỉ để nhận ra giá trị khổng lồ của 1 thứ cực kỳ cơ bản (19/07)
-
Đăng clip TikTok khoe điểm, thủ khoa xinh nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gây bão mạng với lượng view còn hơn cả KOL nổi tiếng (19/07)
-
Đặc trưng của cơn bão Wipha khi vào Biển Đông, miền Bắc có thể mưa lớn 600mm/đợt (19/07)
-
Hiệu trưởng bị tuyên 7 năm tù vì tham ô 10 triệu đồng: Đồng nghiệp nói lời thật lòng (19/07)
-
Bộ ba quyền lực Trump - Putin - Tập có thể gặp nhau tại Trung Quốc (19/07)
-
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển năm 2025 (19/07)
-
Nam tài xế ở Hà Nội vi phạm nồng độ cồn vì người yêu hỏi: "Anh có yêu em không?" (19/07)
-
Nhóm 10 khách Hà Nội đi Ninh Bình 2 ngày 1 đêm, ăn thoải mái hết hơn 1 triệu (19/07)
-
Sau loạt tiếng nổ vang trời, kho xưởng ở Hà Nội bốc cháy ngùn ngụt (19/07)
Bài đọc nhiều



