Thế giới

Hai virus đường hô hấp hợp nhất thành chủng lai lẩn tránh được hệ miễn dịch

Hai virus hô hấp thường gặp có thể hợp nhất thành virus lai lẩn tránh được hệ miễn dịch của con người và xâm nhập tế bào phổi, The Guardian đưa tin.

Hai virus đường hô hấp hợp nhất thành chủng lai lẩn tránh được hệ miễn dịch
Ảnh minh họa: PA

Giới nghiên cứu tin rằng phát hiện kể trên sẽ giúp giải thích vì sao tình trạng đồng nhiễm có thể khiến một số bệnh nhân bị bệnh nặng hơn đáng kể, bao gồm viêm phổi virus khó điều trị.

Mỗi năm, khoảng 5 triệu người trên thế giới nhập viện vì cúm A, trong khi virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới viêm đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi, và có thể gây bệnh nặng ở một số trẻ em và cả người lớn.

Dù hiện tượng đồng nghiễm, nghĩa là một người mắc hai loại virus cùng lúc, được cho là khá phổ biến, trước đây giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ các chủng virus này sẽ phản ứng như thế nào nếu phát hiện nhau trong cùng một tế bào.

"Virus hô hấp tồn tại trong một cộng đồng nhiều chủng virus cùng nhắm mục tiêu vào một phần của cơ thể," tiến sĩ Joanne Haney tại Trung tâm Nghiên cứu Virus thuộc Đại học Glasgow, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

"Chúng ta cần hiểu được việc lây nhiễm diễn ra như thế nào, trong bối cảnh đó để hiểu bức tranh toàn cảnh về mỗi chủng virus," bà Haney nói thêm.

Để tìm hiểu vấn đề này, tiến sĩ Haney và các cộng sự cố tình lây nhiễm hai chủng virus vào tế bào phổi người và phát hiện thay vì cạnh tranh nhau như một số chủng virus khác, hai chủng virus kể trên hợp nhất thành một virus lai có hình dạng giống như cây cọ.

"Chủng virus lai đó trước đây chưa từng được mô tả. Chúng ta đang nói tới các loại virus từ hai họ hoàn toàn khác nhau, nhưng kết hợp với nhau bằng bộ gen và các protein bên ngoài của cả hai loại virus. Nó là một loại virus gây bệnh mới," giáo sư Pablo Murcia, người giám sát nghiên cứu cho biết.

Một khi hình thành, virus lai có thể lây nhiễm các tế bào lân cận, ngay cả khi có sự hiện diện của kháng thể chống cúm thông thường có thể ngăn cản lây nhiễm. Dù kháng thể vẫn bám vào protein cúm trên bề mặt virus lai, virus này sử dụng protein RSV để xâm nhập vào tế bào phổi. Murica so sánh rằng "Virus cúm đã sử dụng các hạt virus lai ghép như một con ngựa thành Troy".

Ngoài việc giúp virus né tránh hệ miễn dịch, việc hợp nhất có thể đã giúp chúng tiếp cận nhiều tế bào phổi hơn. Virus cúm thường xâm nhập tế bào ở mũi, họng và khí quản, trong khi RSV xâm nhập tế bào khí quản và phổi.

Điều này có thể làm tăng khả năng cúm gây ra viêm phổi virus, một chứng viêm phổi nặng có thể gây tử vong, theo tiến sĩ Stephen Griffin tại Đại học Leeds. Tuy vậy, ông lưu ý rằng cần nghiên cứu thêm để chứng minh virus lai có thể gây bệnh ở người. "RSV thường đi sâu và phổi hơn so với virus cúm mùa, chúng ta có thể mắc bệnh nặng hơn nếu virus lây nhiễm xuống thấp hơn".

Nhóm nghiên cứu cũng cho thấy các virus lai có thể lây nhiễm sang các lớp tế bào được nuôi cấy, cũng như các tế bào hô hấp riêng lẻ.

"Điều này là quan trọng, bởi các tế bào thực sự dính với nhau, các hạt virus sẽ phải xâm nhập và thoát ra theo đúng trình tự," Griffin giải thích.

Bước tiếp theo trong nghiên cứu này là nhằm xác định liệu virus lai có thể hình thành ở những bệnh nhân mắc bệnh đồng nhiễm hay không, và nếu có thì đó là những virus nào.

"Chúng ta cần biết liệu điều này chỉ xảy ra với cúm và RSV, hay còn ở những tổ hợp virus khác? Tôi đoán rằng điều này có thể xảy ra ở những tổ hợp virus khác, và có thể cả virus động vật. Đây chỉ là khởi đầu của một hành trình dài," Murcia nói.

Ngọc Hoa (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hai-virus-uong-ho-hap-hop-nhat-thanh-chung-lai-lan-tranh-uoc-he-mien-dich-a362112.html