Thế giới

Indonesia phạt tù quan chức bóng đá trong thảm họa dẫm đạp khiến 135 người chết

Một nhà tổ chức CLB bóng đá và người đứng đầu bộ phận an ninh của CLB này bị tòa án Indonesia phạt tù vì vô trách nhiệm dẫn tới cái chết của 135 người trong vụ dẫm đạp trong sân vận động Kanjuruhan hồi tháng 10/2022.

Indonesia phạt tù quan chức bóng đá trong thảm họa dẫm đạp khiến 135 người chết

Thảm họa dẫm đạp xảy ra tại SVĐ Kanjuruhan ở thành phố Malang, Đông Java, được coi là một trong những thảm kịch chết chóc nhất trong lịch sử thể thao thế giới.

Nhóm ba thẩm phán tại Tòa án Khu vực Surabaya đã kết tội Abdul Haris, chủ tịch ủy ban tổ chức của Arema FC, và Suko Sutrisno, người đứng đầu bộ phận an ninh của CLB này, với các tội danh vô trách nhiệm gây ra chết người và thương tích sau phiên tòa kéo dài gần hai tháng. Khoảng 140 nhân chứng được triệu tập để lấy lời khai.

Haris bị tuyên án 18 tháng tù và Sutrisno lãnh án 12 tháng, thấp hơn nhiều so với mức án sáu năm tù mà cơ quan công tố đề xuất.

Thẩm phán chủ tọa Abu Achmad Sidqi Amsya cho rằng các bị cáo đã không kiểm tra an toàn cho SVĐ từ năm 2020, và "không chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp".

Đám đông trong SVĐ hoảng loạn bỏ chạy sau khi đạn hơi cay được bắn ra đã tạo nên các vụ dẫm đạp ở sáu cửa thoát, khiến nhiều người thiệt mạng.

"Sai sót của bị cáo gây ra nỗi đau lớn cho gia đình các nạn nhân, đồng thời tạo ra hình ảnh tiêu cực về bóng đá Indonesia trong mắt cộng đồng quốc tế," thẩm phán Amsya nói.

Các thẩm phán cho biết họ đã xem xét nhiều yếu tố giảm nhẹ, bao gồm việc Haris từ lâu đã có nhiều đóng góp cho bóng đá Indonesia. Hai bị cáo và cơ quan công tố cho biết họ sẽ kháng án.

Hôm 01/10/2022, sau trận thua của chủ nhà Arema FC trước đối thủ Persebaya Surabaya, các CĐV tràn xuống sân khiến cảnh sát bắn hơi cay gây ra tình trạng dẫm đạp tại nhiều cửa thoát.

Ba cảnh sát cho phép hoặc yêu cầu những người khác dùng hơi cay đang bị xét xử tại Tòa án Khu vực Surabaya vì các tội danh vô trách nhiệm gây ra chết người hoặc thương tích. Cơ quan công tố đề nghị mức án ba năm cho những cảnh sát này, và tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong những tuần tới.

Ít nhất 11 cảnh sát đã bắn hơi cay. Tám quả lựu đạn hơi cay được bắn lên khán đài và ba quả được bắn vào sân. Cảnh sát mô tả vụ việc là "bạo động" và cho biết hai sĩ quan đã thiệt mạng, trong khi người sống sót cáo buộc họ phản ứng quá đà.

Sau khi vụ việc xảy ra, Cảnh sát trưởng Quốc gia Indonesia Listyo Sigit Prabowo đã cách chức cảnh sát trưởng tỉnh Đông Java và quận Malang, đồng thời đình chỉ công tác 20 người khác vì vi phạm đạo  đức nghề nghiệp.

Cuộc điều tra do tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu tiến hành đã kết luận rằng hơi cay là nguyên nhân chính khiến đám đông hoảng loạn. Ủy ban điều tra xác định cảnh sát làm nhiệm vụ trong sân không biết có quy định cấm sử dụng hơi cay trong sân vận động, và đã bắn hơi cay "bừa bãi", khiến hơn 42.000 người hoảng loạn chạy về các cửa thoát.

Ủy ban điều tra cũng kết luận Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) từ lâu đã bỏ qua các quy định về an toàn, an ninh. Chủ tịch và Ủy ban Điều hành của PSSI đều đã bị thay thế, và hiện tại người đứng đầu cơ quan này là Erick Thohir, cựu chủ tịch CLB Inter Milan.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)