Để nâng cao khả năng chiến đấu và giảm sát thương với dân thường, cả Mỹ và Thụy Điển đều đang phát triển loại lựu đạn thông minh thế hệ mới.
Để nâng cao khả năng chiến đấu và giảm sát thương với dân thường, cả Mỹ và Thụy Điển đều đang phát triển loại lựu đạn thông minh thế hệ mới.
Trang Army Times dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, trong mùa Hè 2015, Lục quân Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm loại lựu đạn mới có thể tiêu diệt đối phương đang trong nơi trú ẩn.
 
Việc phát triển dòng lựu đạn thông minh này được xuất phát từ thực tế binh sĩ ném hoặc bắn lựu đạn bằng súng phóng lựu thông thường thì hiệu quả sát thương không cao bởi quả đạn sẽ bay theo hình cầu vồng và rơi xa điểm mà đối phương đang ẩn nấp.
 
Vì vậy, chương trình vũ khí cỡ nhỏ (SAGM) của Trung tâm nghiên cứu phát triển vũ khí của Lục quân Mỹ (ARDEC) đã nghiên cứu và chế tạo loại lựu đạn tự nổ khi đang bay ngang qua đối phương mà không đợi rơi xuống đất.
 
Theo tiết lộ của ARDEC, loại lựu đạn được gắn các cảm biến tinh vi để khi được ném hoặc bắn đến vị trí của đối phương ẩn náu ở sau bức tường hay hàng rào chắn, chúng sẽ nhận diện và tự nổ mà không cần phải lập trình sẵn.
 
Dự án đang cải tiến loại lựu đạn 40mm dùng cho súng phóng lựu thông dụng như M203 hay M320 gắn kèm vào súng tiểu liên, nhưng không nhằm thay thế XM-25, dòng súng phóng lựu nằm trong danh sách những “vũ khí tương lai" của Lục quân Mỹ. Lựu đạn này có trọng lượng, kích thước và tầm bắn tương đương với loại đạn xuyên lõm - phá mảnh M433.
 
Theo ông Steven Gilbert, sĩ quan phụ trách chương trình trên, lựu đạn gắn cảm biến tự nổ này hứa hẹn sẽ giúp binh sĩ chiếm được thế thượng phong trong thực chiến ngay từ khi khai hỏa, thậm chí có thể tác chiến hiệu quả khi đối phương đang cố thủ trong một công trình chống bắn lia. (Trong bài: Ảnh minh họa)
 
Trước khi Mỹ chính thức thử nghiệm loại lựu đạn thông minh này, hồi đầu năm 2014, Thụy Điển cũng đã tiến hành thử nghiệm loại lựu đạn thế hệ mới - lựu đạn nhảy SHGR 07.
 
SHGR 07 là lựu đạn “nhảy” định hướng. Sau khi được ném đi và rơi xuống đất, lựu đạn nhảy lên độ cao 1,5-2 m tại khu vực mục tiêu nhờ một đạn hỏa thuật và nổ tung.
 
Khi nổ, nhờ lựu đạn được định hướng đặc biệt, các mảnh văng xuống phía dưới theo hình nón với bán kính gần 4-5 m, bảo đảm sự tập trung mảnh văng rất cao tại khu vực sát thương này, hơn nữa, các mảnh văng ở cự ly này dễ dàng xuyên qua áo giáp kevlar tiêu chuẩn của bộ binh.
 
Trong khi đó, mảnh văng sang các hướng khác được tối thiểu hóa nên cho phép tránh sát thương quân mình hay “những người vô can” (ví dụ như dân thường). Tại các cuộc thử nghiệm, khi nổ lựu đạn ở độ cao 1,5 m, có 98% mảnh văng nằm trong vùng sát thương hình nón chụp “xuống dưới” có bán kính 5 m, và chỉ có 2% mảnh văng bay sang các hướng khác (không xa hơn 10 m).
 

Một biện pháp bổ sung để tối thiểu hóa sát thương không mong muốn, các mảnh được thiết kế sao cho chúng mất nhanh sức xuyên trong quá trình bay xa. Được biết, ở cự ly 30 m, các mảnh này thậm chí bị quần áo thường cản lại (trong thử nghiệm, ở cự ly đó, các mảnh đã không xuyên qua được tấm nhôm dày 0,8 mm).

 
Theo Đất Việt