Thế giới

Mỹ phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự đến đá Chữ Thập

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18/4 phản đối việc Trung Quốc đưa máy bay tuần tra - vận tải ra sân bay phi pháp mà nước này xây trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18/4 phản đối việc Trung Quốc đưa máy bay tuần tra - vận tải ra sân bay phi pháp mà nước này xây trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cho biết Mỹ đã biết về thông tin máy bay quân sự Trung Quốc đáp ở đá Chữ Thập của Việt Nam vào ngày 17/4. "Họ thông báo mục đích là một hoạt động nhân đạo, do máy bay sẽ chở 3 công nhân bị bệnh rời khỏi đây".
 
Tuy nhiên, ông Davis chất vấn sự mập mờ trong hoạt động của Trung Quốc. "Vì sao họ lại sử dụng một máy bay quân sự chứ không phải máy bay dân sự"?
 
Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói Mỹ thúc giục Trung Quốc "tái khẳng định rằng nước này không có kế hoạch triển khai máy bay quân sự, hoặc luân phiên đưa máy bay đến các đồn điền quân sự" mà nước này xây trái phép ở Biển Đông. Điều này nhằm giữ lời hứa so với "những trấn an trước đó của Bắc Kinh".
 
Ông Davis cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép, qua đó thách thức tuyên bố chủ quyền tham vọng của nước này.
 

Trung Quốc ngụy biện việc đáp máy bay xuống Chữ Thập nhằm phục vụ mục đích nhân đạo. Ảnh: 81.cn

 
Trước đó, vào sáng 17/4, báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa tin một máy bay tuần tra của Hải quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay trên đá Chữ Thập. Trước đó, Bắc Kinh từng hạ cánh phi cơ dân sự xuống đường băng trên đảo.
 
Theo phía Trung Quốc, máy bay quân sự đáp xuống Chữ Thập nhằm cấp cứu công nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa. Bệnh nhân được đưa về điều trị tại bệnh viện ở Tam Á, đảo Hải Nam.
 
Phía Trung Quốc cho rằng, vận tải bằng máy bay sẽ giúp bệnh nhân an toàn và nhanh chóng hơn so với đi lại bằng tàu thuyền.
 
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đáp phi cơ quân sự xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập.
 
Ngày 2/1, Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay tới thử nghiệm đường băng phi pháp. 4 ngày sau, Trung Quốc cho thêm 2 máy bay dân sự hạ cánh xuống đảo kèm theo tuyên bố hành động của họ nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong khu vực.
 

Vị trí đá Chữ thập trên bản đồ. Đồ họa: WSJ

 
Trong khi đó, Wall Street Journal đưa tin, Mỹ phát hiện một loạt chuyến bay đến và đi từ đá Chữ Thập trong ngày 15/4, thời điểm mà truyền thông Trung Quốc nhắc tới chuyến thăm Biển Đông của Tướng Phạm Trường Long, một trong các phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
 
Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên đá này từ năm 1988. Đến năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đợt cải tạo quy mô trái phép đá này thành thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa.
 
Đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 3.000 m, có khả năng đảm bảo hoạt động của mọi loại máy bay, bao gồm phi cơ ném bom chiến lược tầm xa của Trung Quốc.
 
Đây là một trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô chiếm đóng của Việt Nam. Sân bay trên đá Chữ thập là sân bay đầu tiên được sử dụng trong khu vực.
 
>> Phi cơ quân sự Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập
>> Mưu đồ Trung Quốc bay thử nghiệm trên đảo đá Chữ Thập
>> Trung Quốc điều thêm máy bay tới đá Chữ Thập
>> Anh bất ngờ lên tiếng cứng rắn quanh vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò"
 
Theo Minh Anh (Zing.vn)