Thế giới

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra ba loại vaccine giảm hiệu quả bảo vệ đáng kể theo thời gian

Cả ba loại vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng trong các chương trình tiêm chủng ở Mỹ, do Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sản xuất đều giảm hiệu quả bảo vệ theo thời gian, theo một nghiên cứu mới.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của gần 800.000 cựu binh Mỹ từ tháng 03, kết quả cho thấy ban đầu ba loại vaccine ngang nhau về khả năng bảo vệ trước Covid-19.

Tuy vậy trong sáu tháng tiếp theo, hiệu quản này giảm sút tương đối rõ rệt.

Tới cuối tháng 09, vaccine ngừa Covid-19 hai liều của Moderna, vốn có hiệu quả ban đầu là 89%, nay chỉ còn hiệu quả 58%.

Vaccine hai liều do Pfizer/BioNTech phát triển cũng giảm hiệu quả từ 87% xuống còn 45% sau sáu tháng.

Trong khi đó, hiệu quả bảo vệ của vaccine một liều do Johnson & Johnson phát triển giảm từ 86% xuống chỉ còn 13%.

Các kết quả kể trên được công bố trên tuần san Science.

Nghiên cứu Mỹ chỉ ra ba loại vaccine giảm hiệu quả bảo vệ đáng kể theo thời gian
Ảnh minh họa: Times of Israel

Hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ tử vong vì Covid-19 của cả ba loại vaccine suy giảm ít hơn sau bốn tháng, tuy vậy vẫn rất đáng chú ý. Trong số các cựu binh từ 65 tuổi trở lên được xem xét dữ liệu, những người tiêm vaccine Moderna nhưng vẫn nhiễm bệnh có khả năng tử vong vì Covid-19 ít hơn 76% so với các cựu binh không được tiêm vaccine ở cùng độ tuổi.

Các cựu binh được tiêm vaccine của  Pfizer-BioNTech nhưng vẫn mắc Covid-19 có khả năng tử vong vì căn bệnh ít hơn 70% so với người cùng độ tuôi không được tiêm bất kỳ loại vaccine nào.

Trong khi đó, người được tiêm vaccine của Johnson & Johnson rồi sau đó nhiễm bệnh có khả năng tử vong ít hơn 52% so với người không tiêm bất kỳ loại vaccine nào.

Trong khi đó, ở nhóm dưới 65 tuổi, vaccine của Pfizer-BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa tử vong được đánh giá ở mức 84%, còn hiệu quả của vaccine của Moderna là 82% và của Johnson & Johnson là 73%.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến nghị tiêm bổ sung đối với những người đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson trước đó ít nhất hai tháng.

Người dân Mỹ, cụ thể là người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19, nhân viên y tế và người có công việc nguy cơ tiếp xúc cao cũng được khuyến khích tiêm bổ sung ở thời điểm sáu tháng sau khi tiêm vaccine của Moderna hoặc Pfizer.

Trong khi đó, người mắc chứng suy giảm miễn dịch được khuyến nghị tiêm bổ sung ở thời điểm ít nhất 28 ngày kể từ khi vaccine có tác dụng trọn vẹn.

Nghiên cứu kể trên được thực hiện trên gần 800.000 cựu binh của các lực lượng quân đội Mỹ từ 01/02 tới 09/10. Trong số này gần 500.000 người đã được tiêm vaccine, số còn lại chưa tiêm.

Các cựu binh được xem xét dữ liệu trong nghiên cứu đều được Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ theo dõi sức khỏe. Số lượng cựu binh nam trong số này gấp sáu lần cựu binh nữ, 48% từ 65 tuổi trở lên, 29% trong độ tuổi 50-64 và 24% từ 50 tuổi trở xuống.

Các cựu binh lớn tuổi có khả năng tử vong cao hơn những người trẻ tuổi, nhưng nhìn chung khả năng bảo vệ trước nguy cơ tử vong vì Covid-19 của vaccine đều giảm ở các nhóm cao tuổi và trẻ tuổi.

Nghiên cứu được thực hiện bởi đội ngũ các nhà khoa học thuộc Viện Sức khỏe Cộng đồng ở Oakland (Mỹ), Trung tâm Y tế Các vấn đề Cựu chiến binh ở San Francisco và Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Texas.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/nghien-cuu-my-chi-ra-ba-loai-vaccine-giam-hieu-qua-bao-ve-dang-ke-theo-thoi-gian-tintuc796174