Thế giới

Người di cư hối hả tới Mỹ trước ngày Trump nhậm chức

Một số lượng lớn người di cư đã rời bỏ quê hương sau chiến thắng bất ngờ của Trump với hy vọng tới được nước Mỹ trước khi ông nhậm chức vào đầu năm sau.

Một số lượng lớn người di cư đã rời bỏ quê hương sau chiến thắng bất ngờ của Trump với hy vọng tới được nước Mỹ trước khi ông nhậm chức vào đầu năm sau.


Các nước Trung Mỹ cho biết một số lượng lớn người dân đã rời bỏ nhà cửa để đến Mỹ sau khi Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11.

Nhiều người lựa chọn đẩy nhanh kế hoạch di cư về phía bắc trước khi Trump nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Họ lo ngại đường lối nhập cư cứng rắn của ông Trump, bao gồm việc trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và xây tường dọc biên giới Mexico.

Trong năm nay, Mỹ đã bắt giữ gần 410.000 người dọc biên giới Tây Nam với Mexico, bằng khoảng 1/4 so với năm trước. Đa số đến từ Guatemala, El Salvador và Honduras.

Nguoi di cu hoi ha toi My truoc ngay Trump nham chuc hinh anh 1
Người di cư từ Trung Mỹ gần một trạm tuần tra biên giới của Mỹ ở Roma, Texas, ngày 17/8. Ảnh: Getty.

Kể từ chiến thắng của Trump, số lượng người đổ về phía bắc đã tăng lên, góp phần làm cho thực trạng bế tắc dọc biên giới phía nam của Mỹ thêm tồi tệ, các quan chức Trung Mỹ cho biết. 

"Chúng tôi lo lắng khi thấy dòng người di cư rời bỏ đất nước tăng lên, họ bị những kẻ vô lại xúi giục phải đến được Mỹ trước khi Trump nhậm chức", Maria Andrea Matamoros, thứ trưởng ngoại giao Honduras nói với Reuters về thủ đoạn của những kẻ buôn người.

Carlos Raul Morales, bộ trưởng ngoại giao Guatemala, cho biết có không ít người Guatemala cũng đang rời khỏi nước này trước khi ông Trump trở thành tổng thống. 

"Bọn buôn người làm cho người dân nợ nần, rồi lấy tài sản của họ làm chi phí cho chuyến đi", ông nói.

Vài tuần trước, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã mở một cơ sở tạm cho 500 người gần biên giới Texas và Mexico nhằm đối phó với hoạt động vượt biên trái phép gia tăng đáng kể.

Đầu tháng 11, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nói rằng số người mà sở di trú giữ lại cao hơn bình thường khoảng 10.000 người sau sự gia tăng đột biến của người di cư trong tháng 10. Họ bao gồm các gia đình, trẻ em không có người lớn đi kèm và người tị nạn.

Thất nghiệp, chán ngán trước tình trạng thiếu thốn và bạo lực tràn lan, Carlos Garcia, 25 tuổi, cho biết anh đã tìm cách nhập cảnh vào Mỹ trước khi Trump tiếp nhận quyền lực. Garcia sống trong một khu phố nghèo ở thị trấn San Marcos, phía nam thủ đô San Salvador của El Salvador. "Có một điều tôi biết rất rõ", anh nói. "Tôi muốn rời khỏi chỗ này".

Guatemala Fares Revolorio, 27 tuổi, đến thành phố giáp biên Tijuana, tây bắc Mexico sau hành trình gần 4.200 km, kéo dài một tuần di chuyển bằng xe buýt. Cô đang mong đợi vào được Mỹ và xin được tị nạn.

Cùng chồng và 3 đứa con, cô rời bỏ Guatemala vì nơi này theo cô đã trở nên quá nguy hiểm. Em trai của chồng cô bị giết 2 tháng trước và con trai cô cũng bị giết bởi các băng nhóm địa phương. 

"Họ nói với chúng tôi là tổng thống mới không thích những người nhập cư bất hợp pháp nhưng chúng ta vẫn phải tận dụng cơ hội", cô nói trong khi cố kìm nén những giọt nước mắt. "Không ai muốn chết theo cách kinh khủng, chúng tôi không thể sống ở nơi cũ được nữa. Các con tôi đang lớn lên trong sợ hãi".

Trong suốt chiến dịch, Trump đã lập kế hoạch ngăn hàng tỷ USD kiều hối để Mexico phải chi trả cho bức tường mà ông đề xuất dọc biên giới phía nam nước Mỹ. Tuy nhiên, liệu ông có quyết định gắn chặt với kế hoạch này hay không vẫn là điều chưa rõ ràng.

Humberto Roque Villanueva, Thứ trưởng Nội vụ Mexico về di cư, cho biết Mexico sẵn sàng vận động Quốc hội Mỹ và sử dụng tất cả biện pháp pháp lý để chống lại kế hoạch của Trump trong việc ngăn chặn dòng kiều hối.

Victoria Cordova, người bị trục xuất khỏi Mỹ vào năm 2014, nói rằng chiến thắng của Trump đã gieo rắc sợ hãi lên khu ổ chuột nghèo của cô ở thủ đô Tegucigalpa. "Mọi người đang rất lo lắng vì nhiều người trong số họ có người nhà ở bên kia, tại Mỹ và họ sống bằng các khoản tiền người nhà gửi về", cô nói.

Theo Tuyết Mai (Zing.vn)