Thế giới

Người Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vọng, tức giận vì nỗ lực cứu hộ chậm chạp

Lực lượng cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của động đất hôm 06/02 do đường xá bị phá hủy, thời tiết xấu, thiếu tài nguyên và thiết bị nặng, đồng thời bị những người sống sót giận giữ trách mắng.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo 12.000 nhân viên tìm kiếm cứu hộ và 9.000 binh lính đã được triển khai tới các khu vực bị ảnh hưởng. Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi ban hành tình trạng khẩn cấp hôm 07/02 để đẩy mạnh các biện pháp phản ứng.

Tuy vậy, thách thức lớn nhất là quy mô của thảm họa trên một khu vực rộng lớn tạo ra yêu cầu huy động nguồn lực khổng lồ để tìm kiếm người sống sót. Tại nhiều nơi, thông tin được lan truyền làm dấy lên lo ngại về mức độ thiệt hại mà giới chức chưa thể phát hiện.

Một ngày sau động đất, không có nhiều sự giúp đỡ, người dân địa phương phải tự đào bới những đồng đổ nát, đôi lúc bằng các công cụ cơ bản, để tìm kiếm người sống sót mắc kẹt dưới các tòa nhà đã bị đổ sập.

Người Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vọng, tức giận vì nỗ lực cứu hộ chậm chạp

Người dân thành phố Antakya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ phải mượn mũ, búa, những thanh sắt hay dây thừng của nhau để tự đào bới các đống đổ nát khi chờ lực lượng cứu viện tới.

Sự tuyệt vọng cùng cực gây ra cãi vã giữa dân chúng và lực lượng cứu hộ, khi người dân cầu xin cứu hộ giải cứu người thân của họ. Tại khu vực Kavasli ở Antakya, một người phụ nữ 54 tuổi được giải cứu khỏi tòa nhà 8 tầng, 32 giờ sau khi động đất xảy ra.

"Cha tôi ở căn phòng ngay sau phòng bà ấy. Làm ơn hãy cứu ông ấy," một người phụ nữ ngay lập tức nói. Lính cứu hộ giải thích họ không thể tiếp cận căn phòng từ phía trước mà cần máy xúc loại bỏ bức tường trước.

Video từ máy bay không người lái cho thấy một người đàn ông đứng trên ngôi nhà đã đổ sập, vung búa đập mạnh vào đống đổ nát xung quanh.

"Tôi thấy người dân phàn nàn nỗ lực cứu hộ là không đủ, nhưng có lẽ bởi 10 thành phố khác cũng chịu ảnh hưởng của động đất và cần thêm rất nhiều đội cứu hộ khác," Reuters dẫn lời một nhân viên cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để cứu người", anh nói.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 13,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất trong khu vực khoảng 450km từ Adana ở miền Tây tới Diyarbakir ở miền Đông, và 300km từ Malatya ở miền Bắc tới Hatay ở miền Nam. Giới chức Syria báo cáo các trường hợp tử vong ở Hama, cách tâm chấn khoảng 100km.

"Khu vực bị ảnh hưởng rất rộng, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như vậy," Johannes Gust, nhân viên của dịch vụ cứu hộ, cứu hỏa Đức nói.

Phó phát ngôn viên của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phối hợp Các Vấn đề Nhân đạo Jens Laerke cho biết một thử thách khác là tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng bằng đường bộ.

"Đó là một khu vực thảm họa. Tất nhiên, tiếp cận bằng đường bộ là thử thách lớn. Hiện đang thiếu xe tải để chở các đội cứu hộ quốc tế tới hiện trường, Laerke nói.

Một quan chức của Liên đoàn Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liền Đỏ Quốc tế cho rằng tiếp cận các khu vực hẻo lánh, nông thôn ở Syria đặc biệt khó khăn.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng sân bay ở Adana làm cơ sở logistic. Tuy vậy, sân bay hiện đang bị quá tải. Reuters dẫn lời nhân viên cứu hộ cho biết hiện có 14 khu vực khác nhau ở Adana mà họ đang tìm cách giải cứu người sống sót khỏi đống đổ nát.

Emrah Delinkanli, một người bán quần áo nữ giới đứng trước sân của một tòa nhà bị sập ở Adana nhìn chiếc cần cẩu xúc dần những khối bê tông lớn ra khỏi đống đổ nát.

"Đồng nghiệp Ibrahim của tôi vẫn còn ở dưới đó. Anh ấy sống ở tầng 2 và phía trên có 12 tầng. Các anh có nghĩ Ibrahim còn sống không? Không thể nào", Delinkanli nói, thêm rằng anh tin Ibrahim đang bị mắc kẹt cùng hai con gái.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-tho-nhi-ky-tuyet-vong-tuc-gian-vi-no-luc-cuu-ho-cham-chap-a368282.html