Thế giới

Nhà tang lễ đề nghị thay hũ tro cốt bị mất của người đã khuất khiến gia đình phẫn nộ

Đánh mất hũ tro cốt của người đàn ông, nhà tang lễ đã đề nghị thay thế một nơi an táng mới thế chỗ khiến gia đình của người này vô cùng phẫn nộ.

Nhà tang lễ đề nghị thay hũ tro cốt bị mất của người đã khuất khiến gia đình phẫn nộ
Một gia đình ở Trung Quốc đã bị tổn thương sau khi một nhà tang lễ đánh mất tro cốt của một người thân đã chết và đề nghị “thay thế” chúng bằng một bộ hài cốt khác. Ảnh: SCMP/Shutterstock/Weibo

Chia sẻ với Đài phát thanh và truyền hình Hà Nam, Trung Quốc, cô con gái họ Phan (Fan) của người đàn ông cho biết: “Gia đình vẫn chưa thể tìm thấy hài cốt bố tôi”.

Ngoài ra, cô con gái còn đưa ra nhiều bình luận tiêu cực về nhà tang lễ ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc nơi bảo quản thi hài bố cô từ năm 2013.

Trước đó, cô Phan cho biết, cô và gia đình có dự định mang hài cốt của cha cô về an táng cạnh mộ ông nội để cha cô có thể yên nghỉ theo như truyền thống quê hương.

Triệu Dương (Zhao Yang), người làm việc trong nhà tang lễ nói với chị Phan rằng rất có thể họ đã nhầm số ngăn của cha cô là 745 với số tủ 754 trong một lần chuyển cơ sở. Nhà tang lễ sau đó đề nghị với gia đình rằng họ sẽ đền bù một nơi yên nghỉ mới cho gia đình.

Chị Phan cho biết, lời đề nghị này của nhà tang lễ đã khiến cô mất ngủ trong khi mẹ của cô bị lên cơn đau tim.

Nhà tang lễ đề nghị thay hũ tro cốt bị mất của người đã khuất khiến gia đình phẫn nộ - 1
Chị Phan cho biết, sự nhầm lẫn của nhà tang lễ đã khiến gia đình cô vô cùng đau khổ. Ảnh: Weibo.

“Ước nguyện của gia đình không thể được thỏa mãn và cha tôi vẫn không được yên nghỉ”, cô Phan cho biết.

Báo SCMP đưa tin, theo phong tục tập quán, người Trung Quốc tin rằng, người quá cố chỉ có thể được yên nghỉ nếu được chôn cất theo đúng phong tục tập quán. Ngoài ra, việc quấy rầy nơi yên nghỉ của người đã khuất cũng bị coi là điều cấm kỵ.

Từ năm 1956, để tiết kiệm quỹ đất và bảo vệ môi trường, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích người dân nên hỏa táng người thân đã khuất thay vì chôn cất theo truyền thống.

Theo Hiệp hội Tang lễ Trung Quốc, tỷ lệ người dân thực hiện nghi thức hỏa táng đã tăng từ 26% lên gần 60% kể từ năm 2020 đến năm 2021.

Quay trở lại vụ việc, cô Phan cho biết, cô không thể chấp nhận lời giải thích của nhà tang lễ vì không chỉ hũ tro cốt đã biến mất mà ảnh của cha cô và một mảnh giấy có chữ viết tay của cô cũng bị biến mất. Ngoài ra, hai ngăn được cho là bị lẫn lộn cũng không hề nằm cùng một hàng, SCMP cho hay.

Để giải quyết tình hình, nhà tang lễ sau đó đưa ra một giải pháp đó là đối chiếu dấu vân tay của cô Fan và dấu vân tay trên những hũ tro cốt trong nhà tang lễ.

Sau khi được đăng tải, câu chuyện của gia đình chị Phan đã khiến cư dân mạng đại lục “dậy sóng”.

“Nhà tang lễ đó không phải cung cấp một hũ tro cốt mới mà là một người cha mới cho chị ta”, một người bình luận trên Douyin.

“Thật sự sốc khi các nhân viên tại nhà tang lễ này coi công việc như một trò chơi vậy”, người khác bình luận.

“Tro cốt của người đã khuất là nguồn sống tinh thần cho người đang sống. Việc để mất hoặc lẫn tro cốt sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho người thân của họ”, người thứ ba cho biết.

Nhà tang lễ đề nghị thay hũ tro cốt bị mất của người đã khuất khiến gia đình phẫn nộ - 2
Sổ tang lễ cho biết, hài cốt được bảo quản tại đây từ năm 2013. Ảnh: Weibo.

Trường hợp của gia đình chị Phan cũng không phải là lần đầu tiên một nhà tang lễ ở Trung Quốc để xảy ra sự cố với tro cốt của người đã khuất.

Vào tháng 8, một nhà tang lễ ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc đã trao tro cốt của một cụ ông cho người thân của một cụ già khác. Sự việc sau đó đã khiến các nhân viên phải đào lại hũ tro ra khỏi mộ để đưa người quá cố về đúng quê hương.

Các nhân viên đã cũng đã quỳ lạy ba lần để thể hiện sự tạ lỗi với linh hồn những người quá cố.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nha-tang-le-de-nghi-thay-hu-tro-cot-bi-mat-cua-nguoi-da-khuat-khien-gia-dinh-phan-no-d198787.html