Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Phương Tây ồ ạt gửi vũ khí cho Ukraine, liệu có làm nên sự khác biệt?

Hứng chịu chỉ trích vì những nỗ lực bị coi là tượng trưng để hỗ trợ quân đội Ukraine, phương Tây cuối cùng đã bắt đầu có động thái gửi trang thiết bị quân sự cho nước này.

Đức cách đây vài ngày bị chỉ trích vì gửi 5.000 mũ bảo hộ cho Ukraine, một động thái mà thị trưởng Kiev Vitali Klitschko nói rằng đã khiến ông "cạn lời".

"Họ định gửi gì tiếp theo đây? Gối chăng?", ông đặt câu hỏi trên tờ Bild.

Pháp và các nước phương Tây được cho là không muốn gửi vũ khí, bởi lo ngại động thái như vậy sẽ khiêu khích tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao vẫn được tăng tốc.

Tuy vậy, tổng thống Putin hôm 24/02 tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến mọi thứ thay đổi.

Phương Tây ồ ạt gửi vũ khí cho Ukraine, liệu có làm nên sự khác biệt?
Lính Ukraine kiểm tra tên lửa chống tăng (Ảnh: AFP)

Hôm 26/02, Đức tuyên bố quân đội nước này sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine, trong một động thái trái ngược hoàn toàn với chính sách cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực xung đột.

Pháp cũng đã gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine, theo quân đội nước này. Đại sứ Ukraine tại Pháp cho biết Kiev đã yêu cầu vũ khí phòng không.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/02 cho biết các "đối tác" đã gửi vũ khí giúp Kiev chống lại chiến dịch quân sự của Nga, bổ sung thêm rằng ông đã điện đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

"Vũ khí và trang thiết bị đang từ các đối tác của chúng ta tới Ukraine. Liên minh chống chiến tranh đang hoạt động!," ông Zelensky viết trên Twitter.

Sau khi Đức thông báo gửi vũ khí, ông viết thêm: "Tiếp tục nhé!"

Hôm 26/02,  Bỉ thông báo hỗ trợ 2.000 súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu cho quân đội Ukraine.

Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết đã gửi súng bắn tỉa và mũ bảo hộ, trong khi 200 tên lửa Stinger sẽ được gửi đi "sớm nhất có thể".

CH Séc gửi 30.000 súng ngắn, 7.000 súng trường, 3.000 súng máy, hàng chục súng bắn tỉa và một triệu hộp đạn.

Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Ukraine 350 triệu USD trang thiết bị quân sự, theo thông báo của Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 26/02. Anh cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ thêm cho Ukraine, gồm cả vũ khí phòng thủ hạng nặng.

Tuy vậy, các chuyên gia quân sự cho rằng Moscow vẫn chưa sử dụng tới một nửa trong số khoảng 180.000 quân tập trung ở gần biên giới với Ukraine. Chưa rõ việc ồ ạt gửi hỗ trợ như trên có tạo ra khác biệt hay không.

Vấn đề nằm ở chỗ ban đầu ít người tin rằng Nga sẽ mở chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine, "ngay cả ông Zelensy cũng vậy", tướng Vincent Desportes, cựu giám đốc học viện đào tạo sĩ quan Ecole de guerre của Pháp nêu ý kiến.

Hiện các nước phương Tây đang "làm những gì họ có thể", nhưng không ai dư thừa vũ khí. "Quân đội các nước châu Âu đều thiếu trang thiết bị," tướng Desportes nói với AFP.

"Khi bạn gửi 2.000 súng máy, bạn phải lấy ra từ kho vũ khí của chính bạn. Quân đội các nước châu Âu đều thiếu thốn," tướng Desportes cho hay.

Ngay cả sau khi đã đồng ý sẽ gửi cho Ukraine những gì, vấn đề vẫn còn tồn tại là gửi vũ khí tới nước này như thế nào và phân phối ra sao.

Một quan chức giấu tên của Pháp cho rằng Paris hy vọng sự kháng cự của Ukraine cộng với các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sẽ dẫn tới ngừng bắn.

Hứa hẹn hỗ trợ là một chuyện, thử thách thực sự là gửi vũ khí tới cho các lực lượng Ukraine sớm nhất có thể mới là thử thách thực sự, Financial Times dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết.

"Việc gửi hỗ trợ cho trên thực tế rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi đầu tư hạ tầng pháp lý và chính trị để duy trì, cũng như chuỗi cung ứng hậu cần để lực lượng tiếp nhận có thể sử dụng," John Raine, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho biết.

Thử thách đầu tiên là đảm bảo rằng các loại vũ khí hỗ trợ dễ sử dụng, yêu cầu huấn luyện càng ít càng tốt.

"Những thiết bị đơn giản sẽ hiệu quả nhất. Đó là các thiết bị truyền phát an toàn, thiết bị nhìn đêm, tên lửa chống tăng và phòng không vác vai, và tất nhiên cả đạn dược nữa," một nguồn tin quân sự cấp cao nói với Financial Times

Việc gửi các trang thiết bị cho Ukraine cũng là một thách thức lớn. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước này, các đồng minh NATO có thể gửi trang thiết bị bằng đường không hoặc đường bộ. Tuy vậy, chiến đấu cơ Nga đã xuất hiện tại Ukraine, trong khi nhiều sân bay ở nước này cũng chưa thể sử dụng được do trúng tên lửa.

Hôm 26/02, một số thông tin cho rằng lực lượng không quân Nga đã nhảy dù xuống miền Tây Ukraine, có thể sẽ làm mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/phuong-tay-o-at-gui-vu-khi-cho-ukraine-lieu-co-lam-nen-su-khac-biet-tintuc811908