Thế giới

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau như hám lợi, bị bóc lột quá mức...nhưng những người tưởng chừng là thân cận và được tin tưởng nhất lại gây ra những nỗi đau không bao giờ lành đối với gia chủ.

Cơn ác mộng từ bảo mẫu gian dối

Khoảng 17h30 ngày 25/10/2012, Marina Krim đưa con gái Nessie, 3 tuổi, về căn hộ ở Manhattan sau buổi học bơi. Bà mẹ 36 tuổi về sớm hơn dự định vì lo lắng khi cô bảo mẫu Yoselyn Ortega, 50 tuổi, không đến lớp học ba lê của con gái đầu Lulu như đã hẹn.

Marina bất an hơn khi bước vào căn hộ tối, yên tĩnh và không thấy ai. Cô quay lại sảnh tòa nhà, hỏi nhân viên gác cửa và được biết Ortega cùng hai đứa trẻ đã về trước đó không lâu. Marina lại lên nhà, tìm kiếm xung quanh và phát hiện con trai Leo, 2 tuổi, và con gái Lulu, 6 tuổi, trong phòng tắm. Cả hai mặc nguyên quần áo nằm trong bồn tắm, trên người có nhiều vết đâm.

Marina và con gái Nessie nhìn thấy Ortega ngồi trên sàn nhà cạnh bồn tắm, đang tự đâm mình bằng con dao làm bếp. Bố con người quản lý chung cư cũng chứng kiến cảnh tượng này.

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc
Hình ảnh Lucia và Leo được treo tưởng niệm trước nhà sau vụ án mạng. Ảnh: Reuters.

Ortega gốc Cộng hòa Dominica, nhập tịch Mỹ từ 10 năm trước. Cô đang sống ở Manhattan cùng con trai 17 tuổi, chị gái và cháu gái. Vợ chồng Marina đã thuê Yoselyn Ortega làm bảo mẫu sau khi cô ta cung cấp bức thư giới thiệu giả mạo, được viết bởi cháu gái của Ortega. Trên thực tế, Ortega không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em ngoài việc giúp trông con cái của họ hàng trong thời gian ngắn.

Khi Ortega mới đến làm việc cho nhà Krim năm 2011, cô nói với bạn bè yêu thích công việc này. Cô gây dựng mối quan hệ thân thiết với vợ chồng Marina, được tặng áo khoác hàng hiệu và cùng về thăm gia đình ở Cộng hòa Dominica với nhà Krim. Ortega nhận lương 18 USD một giờ. Tiền lương bảo mẫu giúp cô thuê được căn hộ riêng sống cùng con trai.

Nhưng mọi thứ bắt đầu tồi tệ trong vài tháng trước án mạng. Ortega mất tiền, mất chỗ ở vì bị lừa, phải chuyển về sống chung với chị gái. Những người hàng xóm cho biết cô có vẻ khó chịu, thường xuyên phàn nàn phải làm việc quá sức.

Ortega sống sót sau những vết thương do chính mình gây ra. Hai ngày sau vụ án, Ortega đã khai nhận với cảnh sát và công tố viên tại bệnh viện ngay khi tỉnh lại. Cô gần như không thể nói chuyện sau cuộc phẫu thuật chữa trị những tổn thương ở cổ và cần sự trợ giúp của bảng chữ cái. Cô phàn nàn được thuê trông trẻ nhưng Marina yêu cầu làm công việc dọn dẹp 5 giờ một tuần. Cô nói mình bị tổn thương da vì các sản phẩm tẩy rửa.

Vài ngày sau, Ortega nói phát điên với nhà Krim vì làm việc rất chăm chỉ nhưng không kiếm đủ tiền. Ngày 2/11/2012, Ortega nói với vẻ đầy hối hận: "Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi vì những gì tôi đã làm". Cô khai với cảnh sát Lucia đã chống trả khi bị tấn công, còn Leo bị sát hại khi đang ngủ.

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc - 1
Yoselyn Ortega tại phiên tòa tuyên án, tháng 5/2018. Ảnh: Reuters

Qua hồ sơ y tế của Ortega và phỏng vấn 8 thành viên trong gia đình cũng như hàng xóm, Rosenbaum xác định Ortega đã gặp khủng hoảng tinh thần vào năm 2008 tại Cộng hòa Dominica, từ đó trở nên khép kín, ít giao tiếp đến mức gia đình lo lắng cô không được tỉnh táo.

Bốn năm sau, Ortega lại có dấu hiệu hoang tưởng khi ở Mỹ. Ba ngày trước khi gây án, Ortega nổi cáu, ném xoong nồi, sau đó nói không nhớ chuyện gì. Cùng ngày, Ortega gặp nhà tâm lý học Thomas Caffrey, nhưng cảnh sát không tìm thấy đơn thuốc hay dược phẩm điều trị bệnh tâm thần khi khám xét căn hộ của cô ta.

Ortega tiếp tục có hành vi kỳ lạ vào ngày xảy ra vụ án. Sáng sớm hôm đó, Ortega gõ cửa nhà hàng xóm và đề nghị đi vào làm bữa sáng. Sau đó, cô ta cầu xin một thiếu nữ ra khỏi phòng để ngồi cùng mình. "Tôi không thể ở một mình. Tôi sợ", Ortega nói.

Chiều cùng ngày, Ortega có hẹn với Marina đưa Leo và Lucia đến lớp học múa nhưng đã không đến. Sau đó, cô ta nói với cảnh sát đã đưa bọn trẻ đến công viên, mua kem cho chúng. Một người hàng xóm nhìn thấy họ quay trở lại căn hộ vào khoảng 17h. Hai đứa trẻ rất vui vẻ, nhưng Ortega thì ủ rũ. Nửa giờ sau, án mạng xảy ra.

Trong 5 năm, Ortega phải ra tòa khoảng 90 lần, nhiều lần trải qua các cuộc kiểm tra và giám định tâm thần bởi các chuyên gia pháp y của cả hai bên.

Ngày 18/4/2018, Ortega bị kết tội giết người cấp độ một và giết người cấp độ hai. Ngày 14/5/2018, cô bị kết án tù chung thân không ân xá. Trong phán quyết, thẩm phán chỉ trích Ortega và gia đình vì đã không tìm cách điều trị y tế cho chứng trầm cảm và lo âu của Ortega, che giấu tình trạng của cô ta với nhà Krim.

Tội ác điên loạn của chị em nhà Papin

Hai chị em Christine Papin và Léa Papin được sinh ra từ cuộc hôn nhân giữa người mẹ Clémence và người cha nghiện ngập Gustave. Hai chị em không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ. Clémence chia tay chồng sau khi bà phát hiện ông ta đã hiếp dâm con gái Émilia là chị cả của Christine và Léa khi cô bé mới 10 tuổi. Cuộc ly dị diễn ra nhanh chóng sau đó mà không hề đề cập mảy may tới việc loạn luân trong gia đình. Sau cuộc ly dị, Émilia đã bị người mẹ trừng phạt như thể mọi tội lỗi là của cô bé vậy.

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc - 2
Hai chị em nhà Papin.

Hai chị em Christine và Léa đều không nhận được sự nuôi nấng và dạy dỗ từ mẹ. Cả hai chị em đều bị mẹ bắt đi giúp việc cho các gia đình quanh đó để kiếm tiền. Suốt cả tuổi thơ và thời thiếu nữ, hai chị em đều nhất nhất làm theo ý của người mẹ hám tiền. Bà cho làm việc ở nhà nào thì họ làm việc ở nhà đó cho tới khi hai người đến ở tại nhà Lancelin.

Clémence gửi Christine vào gia đình Lancelin lúc cô 22 tuổi. Sau đó 2 tháng, Léa cũng được đưa tới gia đình này. Các quy tắc nghiêm khắc của nhà Lancelin được đặt ra cho hai chị em ngay khi họ bước chân đến đây và người hầu chỉ được giao tiếp với bà chủ. Với hai chị em Papin, bà chủ chỉ truyền đạt yêu cầu cho Christine, sau đó Christine nói lại với Léa.

Vào ngày 2/2/1933, tại hiện trường vụ án là xác hai người phụ nữ xấu số bị móc mắt, bị đập bằng búa và chém bằng dao, rồi bị cắt thành từng phần. Đó là những gì cảnh sát thành phố Mans phát hiện thấy chỉ ít lâu trước khi hai chị em nhà Papin không hề do dự thừa nhận chính họ đã gây ra cái chết cho hai người chủ nhà.

Hai nạn nhân thiệt mạng được xác định là bà Lancelin và cô con gái. Vào buổi chiều định mệnh hôm đó, hai mẹ con Lancelin đi vắng. Ở nhà, cô chị Christine Papin đang là quần áo còn cô em Léa Papin thì dọn dẹp nhà cửa. Sau đó ít phút, chiếc bàn là bỗng nhiên bị cháy, điện trong căn nhà do đó tắt theo. Sau khi Christine thông báo với bà chủ về việc chiếc bàn là bị hỏng, một cuộc cãi vã đã nổ ra giữa cô và hai mẹ con chủ nhà.

Cuộc cãi vã nhanh chóng biến thành một cuộc tàn sát: Christine và Léa lao vào dùng tay móc mắt của mẹ con bà Lancelin. Mặc cho các nạn nhân kêu gào thảm thiết, hai kẻ cuồng sát đánh họ tới tấp. Cô chị nói với cô em rằng sẽ giết chết nạn nhân bằng búa và dao. Có hung khí trong tay, Christine kéo váy cô con gái lên và bắt đầu cầm búa nện rồi lấy dao cắt chân cô gái, nhưng vì dao cùn nên không thể cắt được. Christine sai Léa xuống bếp lấy con dao khác rồi tiếp tục thực hiện tội ác.

Hai nạn nhân đã chết sau khi liên tiếp chịu đựng những nhát búa và dao của hai chị em nhà Papin. Sau khi sát hại họ, hai kẻ giết người cọ rửa hung khí và tắm gội sạch sẽ, sau đó lên giường ngủ. Khi được hỏi thì họ nói rằng họ phải tự vệ vì bị chủ nhà tấn công.

Hai chị em nhà Papin đã giết các nạn nhân giống hệt như hướng dẫn cách làm món thịt thỏ trong cuốn sách làm bếp: đập chết, cắt tiết, lột da, móc mắt và tiến hành cắt nhỏ thành từng miếng rồi cuối cùng rửa sạch mọi thứ. Christine và Léa đã “làm thịt” hai mẹ con bà Lancelin như đang chuẩn bị nấu một món ăn vậy.

Trong 6 năm hai chị em nhà Papin chung sống cùng gia đình nhà Lancelin có 3 sự kiện đã xảy ra, có thể làm sáng tỏ đôi chút vụ án: Thứ nhất, vào năm 1929, bà chủ Lancelin đã có những hành động tốt với hai chị em Papin khi bà đã tới gặp Clémence và nói chuyện về vấn đề tiền lương của hai người. Sau đó, Christine và Léa đã được giữ trọn vẹn tiền công của họ. Hành động này gây ấn tượng mạnh với hai chị em.

Với họ, bà không đơn giản chỉ là bà chủ mà còn là người phụ nữ luôn nghĩ cách làm sao để cho cuộc sống của người hầu tốt đẹp hơn. Mối quan hệ giữa hai chị em nhà Papin và bà chủ Lancelin bước sang mối quan hệ mới, không còn là chủ và tớ nữa. Trong thâm tâm hai chị em, họ đã coi bà như mẹ của mình.

Sự kiện thứ hai là việc Léa và Christine tuyệt giao với mẹ đẻ Clémence của họ vào năm 1929. Việc cắt đứt liên lạc diễn ra rất đột ngột và dứt khoát mà không có lý do rõ ràng, cũng chẳng có cuộc cãi vã nào giữa họ. Khi được hỏi về việc này, bà Clémence cũng không biết lý do tại sao các con bà không muốn nhìn mặt mẹ nữa. Về phần Léa và Christine, họ cho hay rằng đó là điều mà bà Clémence đáng phải nhận sau những gì bà đã gây ra cho họ.

Sự kiện thứ ba diễn ra vào năm 1931, hôm đó gia đình Lancelin đi nghỉ và hai chị em Christine tỏ ra căng thẳng khi ông thị trưởng đột nhiên tới gia đình. Léa thì im lặng, còn Christine buông những lời nói không thể hiểu nổi. Cô nói với ông thị trưởng rằng họ bị gia đình Lancelin giam hãm và rằng ông Thị trưởng không làm gì để bảo vệ họ. Thị trưởng đã yêu cầu hai chị em tới Hội đồng nhân dân để làm rõ sự việc. Sau lần đó, ông Thị trưởng và Tổng thư ký thị trưởng ở Mans đã nổi đóa và coi hai chị em nhà Papin là những kẻ “điên rồ” .

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc - 3
Bồi thẩm đoàn xem xét các tình tiết trong vụ án hai chị em giúp việc.

Vụ án chị em nhà Papin được mọi người nhìn nhận tại phiên tòa ở phương diện sự thiếu giáo dục của hai chị em Papin và xét xem liệu họ có mắc bệnh tâm thần hay không. Mặc dù có yêu cầu giám định tâm thần hai chị em Papin một lần nữa của bác sĩ Logre khi ông không đồng ý với ý kiến của các đồng nghiệp thì tòa vẫn tán thành quan điểm của các chuyên gia tâm lý Schützenberger, Truelle và Baruk. Họ nhận định rằng hành động giết hại hai mẹ con Lancelin là của những người có thần kinh hoàn toàn bình thường.

Trong phiên xử, tòa án cũng không quan tâm tới tiền sử gia đình của hai chị em cũng như cuộc sống lập dị của họ. Vụ rắc rối của ông Thị trưởng với hai chị em cũng không được tòa đề cập. Sự tàn bạo trên thân xác các nạn nhân không được các công tố tại tòa coi là hành vi của những người điên. Họ coi hai chị em Papin là những kẻ máu lạnh khi hai chị em còn chùi rửa công cụ gây án và tắm gội sạch sẽ. Yêu cầu dựng lại hiện trường vụ án một lần nữa cũng không được tiến hành.

Trong trại giam, Christine bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng, bị mắc chứng ảo giác, mất trí nhớ, nói nhiều câu khó hiểu và mê sảng. Các lời khai của bạn tù và những giám trại viên về vấn đề này cũng ít được quan tâm vì Christine thừa nhận cô đã đóng kịch. Phán quyết của tòa đã được đưa ra. Christine cúi đầu nhận tội và phải nhận bản án cao nhất là tử hình. Léa phải chịu bản án 10 năm tù khổ sai.

Sau này, Christine được đặc xá khỏi án tử hình nhưng phải lao động khổ sai đến hết đời. Cô được chuyển tới nhà tù trung tâm ở Rennes. Tại đó, cô đã tuyệt thực và dần rơi vào trạng thái trầm uất. Cô đã được đưa tới nhà thương điên tại Rennes và mất năm 1937 vì bị suy nhược ở tuổi 32. Còn Léa qua đời ở Nantes năm 2001, thọ 90 tuổi.

Tranh cãi bản án dành cho vú em giết con của chủ gây chấn động Mỹ

Theo Washington Post, vụ án về Louise Woodward đã thu hút sự chú ý cực lớn từ cả hai bờ Đại Tây Dương và làm bùng lên một cuộc tranh cãi ở Mỹ về việc liệu phụ nữ có nên ở nhà trông con hay không, nếu họ có đủ điều kiện làm việc đó.

Năm 1996, Louise Woodward ở Elton, Anh đã được vợ chồng Sunil và Deborah Eappen ở Newton, Massachusetts, Mỹ thuê để trông nom hai con nhỏ của họ. Ngày 4/2/1997, cô trông trẻ Woodward, 18 tuổi, gọi cho 911 báo rằng cậu bé 8 tháng tuổi Matthew Eappen đang khó thở.

Khi các bác sĩ tới nhà Eappen, họ phát hiện đứa trẻ bị tổn thương ở đầu, mắt bị lồi, có vẻ như là dấu hiệu của "hội chứng trẻ bị rung lắc". Sau bốn ngày được chăm sóc đặc biệt, Matthew qua đời vì chấn thương ở đầu. Cảnh sát cho hay Woodward đã thừa nhận mạnh tay với Matthew và bắt giữ cô gái này.

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc - 4
Louise và bé Matthew

Phiên tòa kéo dài của Louise thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Có nhiều tranh cãi giữa những người theo dõi vụ án về việc liệu Louise có tội hay không. Louise không nhận tội hành hung trẻ em, nhưng bên công tố coi cô là "kẻ nói dối". Giới truyền thông gán cho Louise biệt danh "Bảo mẫu sát thủ".

Trong các phiên tòa sau đó, các công tố viên cho rằng Woodward đã lắc Matthew và ném cậu bé xuống bề mặt cứng vì tức giận, do Matthew khóc cũng như do cha mẹ bé cố áp dụng "giờ giới nghiêm" với cô. Tại tòa, Công tố viên Gerard Leone, Jr. mô tả Woodward là người chỉ thích các hoạt động giải trí vào ban đêm ở Newton thay vì quan tâm tới hai đứa trẻ nhà Eappen, bé Brendan 2 tuổi và Matthew 8 tháng.

Tuy nhiên, luật sư biện hộ đã mời các chuyên gia y tế ra làm chứng về việc bé Matthew có thể chết do một chấn thương ở đầu từ vài tuần trước mà không được phát hiện.

Ngày 30/10/1997, sau khi thảo luận suốt 27h, bồi thẩm đoàn tuyên bố Woodward phạm tội giết người cấp độ 2 và bị kết án chung thân. Nhiều người theo dõi vụ việc này cho rằng, mức án trên là quá nặng và Woodward hành động như vậy do thiếu kinh nghiệm, không cố ý giết người.

Khi nghe thẩm phán đọc bản án, cô bật khóc: "Tôi không làm gì cả. Tôi không làm hại Matthew. Tại sao họ lại làm thế với tôi?!".

Sát hại trẻ em, móc mắt, phân xác gia chủ và những vụ án rúng động được thực hiện dưới bàn tay kẻ mang tên: Người giúp việc - 5
Louise Woodward bật khóc sau khi bị kết tội giết người cấp độ hai vào tháng 10/1997. Ảnh: PA

Vụ án này cũng châm ngòi cho làn sóng phản ứng mạnh từ giới truyền thông đối với cha mẹ Matthew - cả hai đều là bác sĩ, rằng họ đã để một người trẻ tuổi trông hai con nhỏ.

Bên bào chữa kháng cáo, yêu cầu thay đổi bản án sau khi biết bồi thẩm đoàn cũng không thống nhất về tội danh giết người của Louise. Một thành viên của bồi thẩm đoàn sau đó nói rằng không ai trong số họ nghĩ rằng Louise cố ý giết đứa trẻ.

Ngày 10/11/1997, thẩm phán Hiller Zobel, chủ tọa phiên tòa, giảm tội Giết người cấp độ hai của Louise thành tội Ngộ sát và kết án tù theo thời gian đã thi hành.

Theo phán quyết, vụ việc xảy ra do Louise lúng túng, sợ hãi, thiếu kinh nghiệm, có phán đoán tồi tệ hơn là thịnh nộ và ác ý phạm tội. Quyết định của thẩm phán nêu rõ: "Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng và bình tĩnh, về mặt đạo đức, tôi chắc chắn rằng việc cho phép bị cáo dựa trên bằng chứng này tiếp tục bị kết tội giết người cấp độ hai sẽ là một sự sơ suất của công lý".

Những người ủng hộ Louise bên ngoài tòa án và ở Anh ăn mừng việc cô được giảm án. Trong khi đó, Deborah nói với tạp chí TIME: "Louise lấy đi Matthew, và thẩm phán lấy đi công lý".

Louise đã trải qua 279 ngày chờ xét xử, và chỉ 10 ngày sau khi nhận bản án chung thân ban đầu, cô được trả tự do.

Mặc dù vậy, bên công tố sau đó đã đệ đơn kháng cáo để khôi phục bản án ban đầu hoặc phải kết án lại, hy vọng cô phải ngồi tù từ 15 đến 20 năm.

Ngày 16/6/1998, Tòa án Tối cao Massachusetts giữ nguyên tội danh ngộ sát của Louise và bản án 279 ngày, với tỷ lệ bỏ phiếu 4-3.

Phán quyết nhấn mạnh rằng Louise không được coi là vô tội. "Cô ấy có tội gây ra cái chết cho một đứa trẻ sơ sinh. Kết quả của phiên tòa hình sự này chắc chắn không phải là trắng án".

Sau khi được tự do, Woodward trở lại Anh, lấy bằng luật và trở thành giáo viên dạy nhảy.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/sat-hai-tre-em-moc-mat-phan-xac-gia-chu-va-nhung-vu-an-rung-dong-duoc-thuc-hien-duoi-ban-tay-ke-mang-ten-nguoi-giup-viec-d183715.html