Thế giới

Siêu dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện

Đập Tam Hiệp nằm ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, mang lại khả năng kiểm soát lũ hằng năm trên sông Dương Tử và nguồn lợi kinh tế lớn cho Trung Quốc. Trung Quốc ngày 1-11 tuyên bố hoàn thành việc xây dựng đập Tam Hiệp, khẳng định siêu dự án này an toàn và vận hành trơn tru trong mùa mưa lũ.

Là dự án thủy điện quy mô lớn nhất hành tinh, đập Tam Hiệp đã trải qua hàng chục năm từ khi được lên ý tưởng tới khi hoàn thành.

Ý tưởng về một con đập khổng lồ chịu trách nhiệm chính trong việc điều tiết lũ sông Dương Tử đã có từ thời nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn. Năm 1994, trải qua nhiều lần khảo sát, đập Tam Hiệp đi vào xây dựng và chính thức hoàn thiện vào năm 2009.

Siêu dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện

Đập Tam Hiệp hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, đặc biệt là trong việc kiểm soát dòng lũ hằng năm được đánh giá là rất thất thường của sông Dương Tử.

Thời Báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh tỏ ra hoan hỉ trước công bố ngày 1-11 của Bộ Tài nguyên nước và Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc.

"Đập chắn và hồ chứa đang vận hành trơn tru, hiệu quả trong việc kiểm soát lũ, sản xuất điện, hỗ trợ giao thông thủy nội địa và phân chia nguồn nước. Đây là câu trả lời của Trung Quốc với những lo ngại và chỉ trích cường điệu của phương Tây rằng đập Tam Hiệp có nguy cơ bị vỡ và gây hại cho môi trường", Thời báo Hoàn Cầu đặt vấn đề.

Các trận mưa lớn như trút nước hồi tháng 7 và tháng 8-2020 khiến đập Tam Hiệp trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong và ngoài Trung Quốc. Lưu lượng nước đổ về đây có lúc gần đạt tới giới hạn cực đại làm dấy lên lo ngại vỡ đập chắn.

Đáp lại các nghi ngờ và chỉ trích, truyền thông Nhà nước Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn. Một số chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nếu không có hồ chứa của Tam Hiệp, tình hình lũ lụt có thể đã tồi tệ hơn. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, tổng cộng Tam Hiệp đã giúp trữ được khoảng 180 tỉ m3 nước lũ.

Siêu dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện - 1

Đập Tam Hiệp nằm trên dòng Trường Giang, một trong những con sông dài nhất thế giới. Dự án đập Tam Hiệp được khởi công năm 1994 tại tỉnh Hồ Bắc. Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Để hỗ trợ việc di chuyển qua lại của tàu thuyền trên Trường Giang, các kỹ sư Trung Quốc đã thiết kế hệ thống "thang máy" đặc biệt cho tàu bè, hoạt động như hệ thống nâng tàu của kênh đào Panama.

Tính đến cuối tháng 8-2020, đã có khoảng 1.490 tỉ tấn hàng hóa được chuyển qua hệ thống âu tàu của đập Tam Hiệp.

"Khoảng 1,3 triệu cư dân đã được di dời trong quá trình xây dựng dự án, với những cải thiện điều kiện sống của họ. Môi trường địa chất của khu tái định cư cũng như hồ chứa nói chung là an toàn.

Đập Tam Hiệp cũng có đóng góp quan trọng trong sản xuất điện năng, thủy lợi, tưới tiêu, giao thông vận tải đường sông và phát triển du lịch ở Trung Quốc.

Siêu dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện - 2

Tuy nhiên, xét về yếu tố môi trường sinh thái, đập Tam Hiệp được đánh giá là lợi bất cập hại

Năm 2009, sau khi hoàn thiện xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã cho thả 10.000 con cá giống các loại vào hồ chứa nước của đập. Những con cá giống được thả vào đập đều được tuyển chọn rất kỹ về chất lượng, sức chống chịu.

Một trong những tác hại nghiêm trọng của đập Tam Hiệp là ngăn cản sự di chuyển tự nhiên của các loài cá trên sông Dương Tử. Môi trường sông Dương Tử cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc xây dựng con đập.

Năm 2011, Trung Quốc cam kết chi hơn 140 tỷ USD cho đến năm 2020 để khắc phục các hệ quả do việc xây dựng đập Tam Hiệp gây ra. Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến cuối năm 2019, một nửa số tiền nói trên vẫn chưa được giải ngân.

Một số chuyên gia cho rằng, kể cả Trung Quốc có chi nhiều tiền hơn nữa thì cũng rất khó để giải quyết vấn đề môi trường sông Dương Tử. Chừng nào đập Tam Hiệp còn tồn tại, môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sinh sông Dương Tử vẫn bị ảnh hưởng và khó phục hồi, kèm theo đó là việc đánh bắt, khai thác quá mức.

Siêu dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc đã chính thức hoàn thiện - 3

Về công năng, Thời Báo Hoàn Cầu khẳng định: "Nguồn điện sạch chất lượng cao do Nhà máy điện Tam Hiệp tạo ra sẽ tương đương việc tiết kiệm 430 triệu tấn than tiêu chuẩn và 1,169 tỉ tấn khí thải carbon dioxide, mang lại lợi ích đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải"

Thông báo chính thức cho rằng dự án này sẽ tiêu tốn trong phạm vi 25 tỷ USD tiền ngân sách và cho rằng dự án có thể tự trang trải nhờ phát điện. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng dự án này chi phí nhiều hơn tất cả các dự án xây dựng khác trong lịch sử, với ước tính không chính thức là 75 tỷ USD hoặc cao hơn.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)