Chuyên gia người Mỹ cảnh báo, Trung Quốc cần phải đặt vấn đề này làm ưu tiên hàng đầu nếu không muốn nó trở thành thảm hoạ.

Chuyên gia người Mỹ cảnh báo, Trung Quốc cần phải đặt vấn đề này làm ưu tiên hàng đầu nếu không muốn nó trở thành thảm hoạ.

Phát biểu trước các sĩ quan mới tốt nghiệp thuộc Lực lượng bảo vệ Bờ biển Mỹ hồi tháng Năm năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc lại rằng, “chiến đấu và ứng phó với biến đổi khí hậu” là nhiệm vụ bắt buộc đối với an ninh quốc gia nước này.

Tuyên bố của ông Obama đồng nhất với các đánh giá của chuyên gia Bộ Quốc phòng Mỹ, trong thời điểm nước này, cùng Trung Quốc đang là 2 quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, theo thông tin từ tờ The Diplomat.

Nhà nghiên cứu người Mỹ Wilson VornDick ghi nhận, Trung Quốc đã từng có các Thông báo Quốc gia về Biến đổi khí hậu, cung cấp dữ liệu, gửi các nhà khoa học tới Uỷ ban Quốc tế LHQ về Biến đổi Khí hậu, phối hợp thực hiện hàng loạt các sáng kiến trong vấn đề này.
 

Tuy nhiên, trong một bài viết mới đây đăng tải trên tờ The Diplomat, ông này cho rằng Trung Quốc dường như vẫn chưa thực sự nhìn ra và thừa nhận mối đe doạ của biến đổi khí hậu đối với với an ninh quốc gia.

Năm 2008, các nhà hoạch định an ninh Trung Quốc lần đầu tiên đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu trong Sách Trắng Quốc phòng nước này.

Đây là điều đặc biệt đáng lưu tâm, bởi các trận bão tuyết nghiêm trọng tại miền nam Trung Quốc khi đó đã buộc các quan chức quân sự không thể ngồi yên.

Theo đó, giới chức Trung Quốc đã liệt thảm hoạ tự nhiên là một trong các mối đe doạ tới an ninh quốc gia và coi việc ứng phó với nó là một phần nhiệm vụ của quân đội.

Quân đội Trung Quốc khi đó cũng đã phải thiết lập một uỷ ban quân sự để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với vấn đề an ninh quân sự và quốc gia Trung Quốc.

Vấn đề biến đổi khí hậu tiếp tục xuất hiện lần thứ hai trong Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2010, song lại “biến mất” trong tài liệu này năm 2015.

Theo ông VornDick, với Trung Quốc, “dường như vấn đề này đã được phân loại là vấn đề an ninh phi truyền thống".

Tuy nhiên, nếu những dự đoán về biến đổi khí hậu là đúng, thì theo chuyên gia Mỹ này, “mối đe doạ phi truyền thống đó còn nguy hiểm hơn và gây chết người nhiều hơn tất cả các mối đe doạ truyền thống khác”.

"Vô hiệu hoá bãi phóng tên lửa"

Giáo sư Đại học Bắc Kinh Zheng Haibin, một nhà nghiên cứu hàng đầu về an ninh hoá biến đổi khí hậu ở Trung Quốc cũng cùng quan điểm này khi cho rằng, Trung Quốc nên làm nhiều hơn nữa.

Nghiên cứu của ông này cho thấy, tác động do biến đổi khí hậu gây ra sẽ đe doạ tới quốc phòng quốc gia, các dự án chiến lược, cơ sở hạ tầng quốc phòng quan trọng.

Cụ thể, nhiệt độ ở khu vực phía tây Trung Quốc ngày càng tăng lên sẽ làm tan băng, “bẻ cong hàng nghìn km đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng mới được xây dựng với trị giá hàng tỉ USD”, đe doạ tới sự an toàn và tính liên tục trong liên kết chiến lược với Tây Tạng.

The Diplomat cũng dẫn nghiên cứu này cho biết, điều kiện thời tiết ngày càng khắc nhiệt, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy... thường xuyên xảy ra hơn sẽ làm suy yếu và đe dọa một loạt các cơ sở hạ tầng quan trọng về an ninh trên khắp Trung Quốc.

Mưa nặng hạt ở vùng núi thậm chí có thể gây sạt lở đất, khiến hàng loạt các bãi phóng tên lửa của Quân đoàn Pháo binh số Hai - lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc, trở nên “vô dụng”.

Thêm vào đó, theo ông Zheng, tần suất bão gia tăng trong suốt một thập kỉ qua tại bờ biển Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại lớn, hạn chế hoạt động đào tạo và làm giảm hiệu quả chiến đấu của quân đội.

“Ngay cả đường ống dẫn dầu mới của Nga - Trung Quốc cũng có thể bị nguy hiểm do hình thái thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, mực nước biển dâng sẽ tác động trực tiếp tới hành lang năng lượng chiến lược, quyền hàng hải và thuỷ sản của nước này”.

Theo The Diplomat, quan điểm trên của ông Zheng cũng được không ít các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đồng tình.

Chuyên gia người Mỹ VornDick cảnh báo, Trung Quốc nên bắt đầu chuẩn bị theo dõi chặt chẽ hơn vấn đề này và ứng phó với nó theo khuôn khổ an ninh quốc gia rộng lớn hơn.

“Nếu Trung Quốc không hành động thì sẽ không thể chuẩn bị, phản ứng hay thích nghi với các tác động từ biến đổi khí hậu một cách hiệu quả”, và nó sẽ trở thành “thảm hoạ” đối với chính phủ và người dân Trung Quốc.
 
Nhà nghiên cứu người Mỹ - Wilson VornDick

Bộ Quốc phòng và quân đội Trung Quốc cần phải đặt vấn đề này làm ưu tiên hàng đầu bởi an ninh quốc gia Trung Quốc trong dài hạn đang bị đe doạ.
 
Theo My Lan (Soha.vn/Trí thức trẻ)