Thế giới

Vì sao nhiều người Pháp quyên tiền cho gia đình viên cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi?

Sau khi một cảnh sát Pháp bắn chết thiếu niên 17 tuổi Nahel Merzouk vì lỗi giao thông ở ngoại ô Paris tuần trước, hai quỹ ủng hộ được lập ra, một dành cho mẹ của thiếu niên gốc Phi, một dành cho gia đình viên cảnh sát.

Đến sáng 5/7, quỹ dành cho viên cảnh sát nhận được hơn 1,6 triệu euro (1,7 triệu USD), còn quỹ dành cho Nahel được 400.000 euro (450.000 USD). Hơn 85.000 người quyên tiền cho gia đình cảnh sát, trong khi có hơn 21.000 người ủng hộ tiền cho Nahel.

Điều này nói lên điều gì về chính trị Pháp?

Quỹ ủng hộ viên cảnh sát là do cựu chính trị gia Jean Messiha, người từng làm trong lĩnh vực truyền thông, lập ra.

Từng là một ứng viên của đảng Tập hợp quốc gia (National Rally) do chính trị gia cực hữu Marine Le Pen đứng đầu, Messiha sau đó trở thành người phát ngôn của Eric Zemmour, một ứng viên cực hữu khác trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, với những tư tưởng và chủ trương cực đoan hơn cả bà Le Pen.

Vì sao nhiều người Pháp quyên tiền cho gia đình viên cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi?
Một đợt biểu tình bạo lực xảy ra trên nhiều thành phố của Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên gốc Algeria. (Ảnh: Reuters)

Các nghị sĩ Pháp chỉ trích người gây quỹ và chất vấn động cơ của người đứng sau.

“Ai cũng có thể bày tỏ cảm xúc và đóng góp cho quỹ… Nhưng tôi nghĩ trong trường hợp này, nó không nhằm mục đích an ủi”, Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti nói trong cuộc trả lời phỏng vấn France Inter ngày 3/7.

Bất chấp chỉ trích, trang chủ GoFundMe từ chối xóa bỏ phong trào.

“Hiện tại, quỹ này tuân thủ các điều khoản của chúng tôi và số tiền quyên góp được sẽ được chuyển cho gia đình”, phát ngôn viên của nền tảng GoFundMe nói với BFMTV.

Tối 4/7, Messiha thông báo trên Twitter rằng quỹ này sẽ đóng từ nửa đêm (giờ địa phương), nhưng kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục “động lực” mà phong trào đã tạo ra.

Vụ bắn chết Nahel và đợt bạo loạn sau đó đã châm ngòi cho phản ứng “cực hữu điển hình”, ông Philippe Marliere, một giáo sư về chính trị Pháp tại ĐH College London, nhận xét.

Nhiều người ủng hộ tư tưởng cực hữu cho rằng đợt biểu tình bạo loạn vừa qua là bằng chứng cho thấy những người này “không tôn trọng Pháp. Họ thù ghét, họ không muốn hòa nhập, họ đê tiện”, và là một ví dụ nữa cho thấy “chủ nghĩa đa văn hóa của Pháp đã thất bại”, GS Marliere nói với CNN.

Tuy nhiên, người vận động gây quỹ sử dụng ngôn ngữ chừng mực hơn.

“Hỗ trợ gia đình cảnh sát Nanterre Florian.M, người đã làm công việc của anh ấy và giờ đang phải trả giá đắt. Hãy ủng hộ anh ấy và lực lượng cảnh sát của chúng ta!” lời kêu gọi viết.

Theo GS Marliere, lời kêu gọi này “được thiết kế để hướng đến nhiều đối tượng hơn chứ không chỉ những cử tri cực hữu điển hình”. Từ đó, người gây quỹ sẽ có thể đưa chính trị của phe cực hữu vào dòng chính.

Bà Le Pen cũng sử dụng ngôn ngữ chừng mực khi nói về cuộc khủng hoảng vừa qua. GS cho rằng điều này là nỗ lực nhằm thuyết phục những cử tri chưa quyết định đứng về phe nào.

Theo GS Marliere, cách sử dụng ngôn ngữ kiềm chế của bà Le Pen là một phần trong “chiến lược dài hạn nhằm từ bỏ hình ảnh một chính trị gia cực hữu, để có thể trở thành người thay thế (Tổng thống Emmanuel) Macron”.

Theo Tú Linh (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-phap-quyen-tien-cho-gia-dinh-vien-canh-sat-ban-chet-thieu-nien-17-tuoi-post1548908.tpo