Thế giới

Vũ khí laser - 'hàng nóng' tối thượng của quân đội Mỹ

Vũ khí laser được đánh giá là ít tốn chi phí cho mỗi lần bắn, nhưng có đủ khả năng để phòng thủ, bảo vệ tàu chiến hiệu quả trước mối đe dọa từ tên lửa hoặc máy bay không người lái (UAV).

Nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Israel, Pháp, Đức và Nga chạy đua phát triển loại vũ khí này từ lâu.
Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) công bố cuối tháng 8, quân đội Mỹ phát triển laser từ thập niên 1960, dẫn đầu trong việc phát triển loại vũ khí này.

Thời gian gần đây, Lầu Năm Góc đã bí mật thử nghiệm một hệ thống vũ khí laser dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu trong khuôn khổ Chương trình mang tên "Next-Generation Air Dominance - NGAD" (tạm dịch Thế hệ mới thống lĩnh bầu trời). Máy bay tương lai này được cho là sở hữu những tính năng tối tân nhất, trong đó phải kể đến trí trí tuệ nhân tạo, radar quang tử và vũ khí laser.

Vũ khí laser - 'hàng nóng' tối thượng của quân đội Mỹ

Tuy nhiên, máy bay chiến đấu thế hệ mới dự kiến sẽ mất thời gian dài để phát triển và hoàn thiện, vì thế không quân Mỹ đã chuyển hướng sang trang bị cho máy bay chiến đấu hiện tại của họ những tính năng của thế hệ thứ 6, trong đó có vũ khí laser.

Các máy bay chiến đấu hiện nay, phần lớn chỉ dừng lại ở việc sở hữu khả năng phòng thủ bị động trước một tên lửa đang chuẩn bị lao tới. Phi công có thể điều khiển máy bay tránh quỹ đạo của lên lửa, phóng pháo sáng để đánh lạc hướng chúng, hoặc rải các đám mây kim loại khiến tên lửa dẫn đường bằng radar không thể phát hiện mục tiêu. Sóng điện từ của radar đối phương khi gặp các đám mây kim loại sẽ phản xạ gây ra các chấm trắng nhỏ li ti nhấp nháy trên màn hình của radar đối phương làm che lấp và lẫn tín hiệu mục tiêu thực.

Tia laser sẽ là phương tiện phòng thủ chống tên lửa thực sự và đầu tiên của máy bay chiến đấu trong một cuộc không chiến, giúp chúng bắn hạ tên lửa dễ dàng. Vũ khí laser tạo ra những hiệu ứng khác biệt mà các loại vũ khí động năng hay vũ khí hóa học không thể có được. Vũ khí laser sử dụng các xung ánh sáng tập trung để truyền năng lượng đến mục tiêu, nhanh chóng đốt nóng và phá hủy nó.

“Không có tiếng động, không có tiếng ồn, không ai biết điều gì xảy ra. Đối phương không biết thiết bị của họ bị làm hỏng cho đến khi họ cố gắng kích hoạt nó”, Đại tá Tom Palenske chỉ huy Nhóm tác chiến số 1 của Không quân Mỹ giải thích.

Năm 2018, hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch trang bị hệ thống vũ khí laser thể rắn năng lượng cao LWSD cho ít nhất 8 tàu chiến, theo trang The Drive. LWSD là loại vũ khí laser mới có công suất cao (150 kilowatt), được dùng để thay thế hệ cũ 30 kilowatt vốn từng được trang bị cho tàu vận tải đổ bộ USS Ponce vào năm 2014.

Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí laser để trang bị cho các tàu hải quân và chiến đấu cơ. Vào cuối tháng 7.2020, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin quân đội đã trang bị hệ thống phát điện tiên tiến trên các chiến hạm để sẵn sàng cung cấp năng lượng cho vũ khí laser. Tuy CCTV không tiết lộ loại tàu chiến nào, nhưng giới chuyên gia dự đoán là những tàu khu trục tối tân của Trung Quốc, chẳng hạn như khu trục hạm lớp Nam Xương.

Đức Minh (nguoiduatin.com)