Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

WHO: Chưa có bằng chứng bệnh nhân Covid-19 phục hồi không bị tái nhiễm

WHO cảnh báo về việc các nước phát "hộ chiếu miễn dịch", nói rằng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhân phục hồi Covid-19 miễn nhiễm với virus.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 25/04 cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhân phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 có kháng thể ngăn chặn hiện tượng tái nhiễm, đồng thời cảnh báo về ý tưởng phát "hộ chiếu miễn dịch".

Ý tưởng về "hộ chiếu miễn dịch" được một số nước đưa ra như một chứng nhận rằng bệnh nhân đã phục hồi Covid-19 và không thể bị tái nhiễm, tạo điều kiện cho họ trở lại làm việc.

Tuy vậy, trong thông cáo báo chí hôm 25/04, WHO cho biết hiện vẫn cần phải nghiên cứu thêm về vấn đề này.

"Tới thời điểm này của đại dịch, chưa đủ bằng chứng về tính hiệu quả của miễn dịch dựa trên kháng thể đủ để đưa ra 'hộ chiếu miễn dịch' hay 'chứng nhận không có nguy cơ'."

WHO: Chưa có bằng chứng bệnh nhân Covid-19 phục hồi không bị tái nhiễm
Ảnh minh họa: Yonhap

WHO cho rằng những người nghĩ họ sẽ không bị tái nhiễm thường có xu hướng bỏ qua khuyến nghị của các cơ quan y tế, do đó việc cấp chứng nhận sẽ làm tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan.

WHO cũng bổ sung thêm rằng quá trình xét nghiệm kháng thể chủng virus corona mới cũng cần "đánh giá rộng hơn để xác định độ chính xác và tin cậy".

"Chúng tôi chưa có câu trả lời cho vấn đề đó, hiện đó vẫn là điều chưa biết," Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO cho biết trong một cuộc họp báo khi được hỏi về việc bệnh nhân Covid-19 sẽ miễn dịch trong bao lâu.

"Chúng tôi cho rằng người phục hồi sẽ được bảo vệ trong một thời gian, tuy vậy rất khó nói về vấn đề này đối với một virus mới. Chúng tôi chỉ có thể suy đoán dựa trên các chủng virus corona khác, nhưng những dữ liệu đó cũng có giới hạn," ông Ryan cho hay.

Một nghiên cứu chưa được bình xét mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc cho biết những cá thể khỉ rezut sau khi bình phục Covid-19 đã không bị tái nhiễm.

"Tuy vậy điều đó không nói lên điều gì," nhà nghiên cứu Frederic Tangy thuộc Viện Pasteur ở Paris (Pháp) cho biết, lưu ý rằng thí nghiệm trên chỉ kéo dài trong một tháng.

Tại Hàn Quốc, nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi phục hồi đã cho kết quả dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học cho biết có nhiều giả thuyết để lý giải điều này.

Việc bệnh nhân bị nhiễm bệnh lần thứ hai không phải không thể xảy ra, nhưng tới nay cũng chưa có nhiều bằng chứng về hiện tượng này.

Theo ông Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền tại Đại học London, một giả thuyết hợp lý hơn là là virus chưa biết mất hoàn toàn khỏi cơ thể bệnh nhân, thay vào đó vẫn còn lại, dù không hoạt động và không gây ra triệu chứng, giống như hiện tượng "nhiễm bệnh mãn tính".

Một giả thuyết khác là các bệnh nhân này có thể bị "xét nghiệm âm tính sai", do việc xét nghiệm virus và kháng thể vẫn chưa phải là hoàn hảo.

"Điều này cho thấy nhiều người nhiễm bệnh trong thời gian khá dài, tới vài tuần," Balloux nói.

Một nghiên cứu trên 175 bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi tại Thượng Hải cho thấy mức độ kháng thể được sản sinh ra 10 tới 15 ngày sau khi nhiễm bệnh là khác nhau.

"Nhưng liệu phản ứng kháng thể đó có phải là miễn dịch hay không lại là một vấn đề khác," Maria Van Kerhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của chương trình khẩn cấp tại WHO cho hay.

"Đây là vấn đề chúng ta cần hiểu rõ hơn: Phản ứng kháng thể đó là như thế nào về mặt miễn dịch".

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)