Thế giới

Xuất hiện nghi vấn xây đập tràn lan gây ra lũ lụt lịch sử ở Hà Nam, chuyên gia Trung Quốc nói gì?

Giới chuyên gia Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng mưa lũ lịch sử ở tỉnh Hà Nam nước này là do "xây đập tràn lan", cho rằng đê đập đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thảm họa nước.

Xuất hiện nghi vấn xây đập tràn lan gây ra lũ lụt lịch sử ở Hà Nam, chuyên gia Trung Quốc nói gì?
Mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng tại Hà Nam (Trung Quốc) (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng bài học nên được rút ra từ những trận lũ lụt hiện nay là tầm quan trọng của việc điều chỉnh thiên nhiên cùng các phương tiện nhân tạo trong đối phó với các tình huống cực đoan.

Trong bối cảnh lũ lụt lịch sử xảy ra tại Hà Nam khiến 33 người thiệt mạng, hãng tin AFP hôm 20/07 đưa tin về vụ sập đê ở Lạc Dương, cho rằng nguy cơ lũ lụt xuất hiện ở Trung Quốc do xây dựng đê, đập, điều mà hãng tin này cho là "cắt đứt liên kết giữa sông và các hồ liền kề, làm gián đoạn các bãi bồi vốn giúp hấp thụ nước trong mùa Hè".

Global Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc xây dựng đập và "những nguy cơ ngày càng tệ hại" vốn không có liên quan trực tiếp tới nhau, đặc biệt là trong trường hợp tại Hà Nam, bởi đây chỉ là một hiện tượng thiên nhiên bất ngờ.

Fu Zongfu, giáo sư trường Bảo tồn nước và Kỹ thuật Thủy điện tại Đại học Hà Hải, cho rằng báo chí nước ngoài thổi phồng vấn đề, bởi xây dựng đập và hồ chứa sẽ giúp cải thiện công tác phòng chống và giảm thiểu thiên tai.

Hầu hết các nước đều xây dựng đập, qua đó cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát lũ lụt và giảm thiểu thiên tai. Không thể phủ nhận lợi ích của việc xây đập chỉ bởi một sự kiện thiên tai hiếm gặp, theo Fu.

Mưa lớn chưa từng thấy xảy ra tại Hà Nam đã khiến cục kiểm soát lũ lụt và hạn hán Trung Quốc phải cử đoàn công tác tới tỉnh này, đồng thời khởi động công tác cứu hộ cứu nạn khẩn cấp cấp độ 3. Khoảng 849 người đã được giải cứu.

Tỉnh Hà Nam nằm tại đồng bằng miền Trung Trung Quốc, trải rộng trên lưu vực bốn sông lớn là Hải Hà, Hoàng Hà, Hoài Hà và Dương Tử. Địa bàn tỉnh này có 1.030 dòng sông lớn nhỏ, mỗi sông có diện tích thoát nước tối thiểu là 50km2.

Giới chuyên gia cho rằng lũ lụt lịch sử xảy ra trong những ngày qua do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như yếu tố địa hình (Hà Nam nằm ở vùng thấp và dễ bị lũ lụt), tốc độ đô thị hóa nhanh khiến mặt đất dễ bị ngập nước. Tuy vậy, nguyên nhân quan trọng nhất là thời tiết cực đoan, bởi các hệ thống thoát nước không đáp ứng được với lượng mưa lớn bất thường.

Ma Jun, giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường cho rằng việc xây dựng đập sẽ có ảnh hưởng tới sinh thái bãi bồi, tuy vậy không liên quan gì tới lũ lụt.

Fu cũng cho biết thêm rằng các dự án đập tại Trung Quốc thường giữ mức xả nước không thấp hơn mức xả nước sinh thái thông thường, nghĩa là hầu như không có tác động đáng kể nào tới sinh thái.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)