Thể thao

Nước Pháp và mối lo EURO 2016 mất đi không khí ngày hội

Nên hay không nên tước quyền đăng cai vòng chung kết EURO 2016 của Pháp? Một câu hỏi sẽ tạo ra rất nhiều tranh luận lúc này sau sự kiện ngày đẫm máu ở Paris.

Nên hay không nên tước quyền đăng cai vòng chung kết EURO 2016 của Pháp? Một câu hỏi sẽ tạo ra rất nhiều tranh luận lúc này sau sự kiện ngày đẫm máu ở Paris.

EURO 2016 phải diễn ra tại Pháp

Trả lời phỏng vấn với báo chí, trưởng ban tổ chức EURO 2016, Jacques Lambert khẳng định vòng chung kết EURO 2016 sẽ vẫn diễn ra theo như kế hoạch, bất chấp những lo ngại về an ninh sau khi thủ đô Paris hứng chịu vụ khủng bố kinh hoàng diễn ra đêm 13/11 làm 129 người chết và 353 người bị thương. "Mức độ nguy hiểm đã tăng một bậc vào tháng 1. Nhưng lúc này, mức độ cảnh báo nguy hiểm lại còn tăng cao hơn. Chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định cuối cùng để đảm bảo cho vòng chung kết EURO 2016 được diễn ra trong điều kiện an ninh tốt nhất.
 

Nước Pháp đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ khủng bố tối 13/11.

 
An ninh trong sân không có gì phải bàn cãi cả. Rủi ro chỉ xuất hiện trên đường và ở những khu tự phát. Hủy bỏ EURO 2016 đồng nghĩa chúng ta thừa nhận thua cuộc trong cuộc chiến với bọn khủng bố," ông Jacques Lambert nói với đài phát thanh RTL.

Đồng quan điểm với Trưởng ban tổ chức Euro 2016 Jacques Lambert, cây bút Lluís Miguelsanz của báo Sport (Tây Ban Nha) phân tích, người Pháp nói riêng và thế giới nói chung không được chùn bước. Theo đó, bất kỳ quyết định thiếu dũng cảm nào cũng khiến khủng bố đắc chí vì chúng sẽ xem đây là một chiến thắng. Được biết, trong bài phát biểu sau khi hay tin nước Pháp rung chuyển vì khủng bố, tổng thống Mỹ Barrack Obama đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia trên khắp thế giới. Ông nói: "Vụ tấn công này không chỉ nhắm vào Paris, mà cả những quốc gia khác, nếu không muốn nói là toàn cầu."

Cũng theo Lluís Miguelsanz, bọn khủng bố đã thành công khi gieo rắc nỗi kinh hoàng và sự sợ hãi lên người dân Pháp khi thảm sát những người vô tội trong các vụ tấn công diễn ra tối 13/11, tuy nhiên điều quan trọng lúc này là tất cả phải cùng nhau đoàn kết và chống lại thế lực đen tối. Hình ảnh lực lượng an ninh ngăn chặn thành công một trong những kẻ đánh bom tự sát khi cố gắng tiến vào sân Stade de France cho thấy rõ câu nói của Jacques Lambert không hề sai: "Bộ máy an ninh trong sân đang hoạt động rất hiệu quả".

Ở bất kỳ giải đấu nào, vấn đề an ninh luôn trở thành tiêu chí hàng đầu được nhà tổ chức quan tâm. Ngày 13/11 là thảm họa với nước Pháp. Tuy nhiên, họ giờ đã được cảnh báo và mọi biện pháp an ninh lúc này đều được xiết chặt. Hiển nhiên, người Pháp không hề muốn vụ việc tương tự sẽ lại tái diễn. "Đã có những lo ngại về an ninh ở EURO 2016. Và lúc này, lo ngại đó được đặt ở mức cao hơn," Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Noel Le Graet cho biết. Thực chất, việc người Pháp không thể cấm bạn bè thế giới và các ĐTQG khác lo ngại về tình hình an ninh sau những gì xảy ra, nhưng tước quyền EURO 2016 không chừng là ý tưởng tồi tệ hơn.
 

Hình ảnh từ sân Stade de France khi người hâm mộ được yêu cầu nán lại để giữ an toàn.

 
Đặt trường hợp Pháp không thể đăng cai EURO 2016, vậy quốc gia nào có đủ điều kiện tổ chức sự kiện này. Nên nhớ, người Pháp đã mất rất nhiều năm để tiến hành cải tổ sân vận động hòng tạo ra một vòng chung kết EURO 2016 hoàn hảo nhất, nơi đánh dấu cột mốc lần đầu tiên có 24 đội tham dự. Vậy nếu Pháp không thể đăng cai EURO 2016, cái tên nào sẽ tổ chức sự kiện này? Ý, Thổ Nhĩ Kỳ hay liên minh Thụy Điển-Nauy? Bất kỳ một quyết định nào cũng tạo ra sự xáo trộn với EURO 2016. Ngoài ra, thời gian 7 tháng liệu có đủ để các ứng viên còn lại tu sửa mọi thứ?

Một EURO 2016 rất khác

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, Rio Ferdinand, cựu hậu vệ tuyển Anh đồng thời là bình luận viên bóng đá sẽ có mặt tại Pháp để tác nghiệp vào năm sau, tin rằng vụ khủng bố kinh hoàng mới đây sẽ tạo ra những cung bậc cảm xúc trái ngược cho những tín đồ bóng đá. Theo đó, tâm trạng họ mang theo tới đất nước hình lục lăng sẽ không còn là sự hồ hởi và phấn khích như các sự kiện thể thao lớn của thế giới trước đây nữa. Ngược lại, người ta chắc chắn cảm thấy sợ hãi và lo âu vì những gì diễn ra hôm 13/11 thật sự là cơn ác mộng dù chỉ với những ai theo dõi tin tức qua truyền hình.

Thậm chí, HLV Joachim Loew của tuyển Đức cũng phải thốt lên: "Các học trò của tôi run rẩy và sợ hãi", sau khi nhiều cầu thủ theo dõi bản tin cập nhật vụ khủng bố trong giờ nghỉ. Trong khi đó, HLV Antonio Conte cùng hậu vệ Leonardo Bonucci cũng công khai bày tỏ sự lo ngại về tình hình an tinh ở Pháp khi EURO 2016 sắp diễn ra. Gần nhất, trung vệ David Luiz từ Brazil không giấu được vẻ mặt thất thần. Anh cùng Edinson Cavani tỏ ra rất ngao ngán và bóng gió chuyện không muốn trở lại Paris sau khi chứng kiến ngày đẫm máu tại thủ đô nước Pháp, nơi họ phục vụ Paris Saint Germain.

Theo Rio Ferdinand, anh tin vụ khủng bố hôm 13/11 sẽ tạo ra tác động lớn làm thay đổi EURO 2016. "Đó sẽ là vòng chung kết EURO rất khác. An ninh sẽ được xiết chặt trên mức cần thiết và điều lấy đi sự tự do và niềm vui vốn có của những sự kiện này mang đến," Rio Ferdinand viết trên báo The Sun.
 

Người Pháp cần đoàn kết và không thể chùn trước trong cuộc chiến chống khủng bố.

 
"Chúng ta sẽ không phải là con người nếu chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, tôi tin chắc nhiều gia đình sẽ có một sự hoài nghi và cân nhắc không biết có nên mang theo những đứa trẻ tới một quốc gia đã trở thành mục tiêu tính toán trước của bọn khủng bố. Dĩ nhiên, bóng đá vẫn sẽ ra diễn ra theo quy luật của nó, nhưng các trận đấu lớn giờ mang sắc thái hoàn toàn khác."
 
Vào thứ hai tới (giờ Pháp), Liên đoàn bóng đá Pháp sẽ tiến hành nhóm họp về tình hình an ninh với các nhà tổ chức EURO 2016.
 
>> HLV Deschamps và Loew đã biết vụ khủng bố ở Paris trong giờ nghỉ giữa hiệp

Theo Nguyễn Trí (Zing.vn)