Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Bệnh nhân 91 chỉ còn 10% phổi hoạt động

Hai phổi của bệnh nhân 91 đã xơ hoá, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Nam phi công phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (tim phổi nhân tạo).

Sáng 13/5, thông tin về sức khỏe của BN19 – phi công người Anh mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 cho biết, hiện bệnh nhân vẫn rất nguy kịch.

Chiều qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì buổi hội chẩn 3 miền Bắc – Trung – Nam bàn về khả năng ghép phổi cho bệnh nhân này.

Các chuyên gia cho rằng, hiện phổi của phi công người Anh tổn thương nặng, khả năng phục hồi kém. Do vậy, ghép phổi cho người bệnh là cần thiết.

Bệnh nhân 91 chỉ còn 10% phổi hoạt động
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, điều kiện để ghép phổi là tìm được người hiến tặng có yếu tố hòa hợp (về miễn dịch, kích thước, sinh hóa) và bệnh nhân phải điều trị được nhiễm khuẩn. Từng có một người tình nguyện hiến phổi, nhưng do có vấn đề về nhiễm trùng nên không thể dùng phổi của người này để ghép cho phi công Anh.

Bộ Y tế cho biết cơ quan chức năng của Anh đã tìm được một người thân của BN91. Người này cũng khẳng định sẵn sàng phổi hợp với ngành y tế để quyết định một số vấn đề trong công tác chữa trị cho người nhà.

Toàn bộ chi phí điều trị cho nam bệnh nhân này sau 55 ngày điều trị và 36 ngày can thiệp ECMO do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả. Đến nay, chi phí khoảng 3 tỷ đồng. Chi phí ghép tạng dự kiến khoảng 1-1,5 tỷ đồng. Với tình trạng phổi hiện tại, bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng ECMO thêm vài tuần đến vài tháng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn - cho hay nam phi công đang trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Do vậy, việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, nguy cơ phổi trở thành “ổ vi khuẩn”.

Đánh giá về hy vọng đối với trường hợp này, một bác sĩ chuyên về hồi sức tích cực cho biết ECMO chỉ là can thiệp để duy trì sự sống cho người bệnh trong thời gian chờ phổi phục hồi. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân này rất xấu, các cơ quan khác cũng tổn thương, khả năng ghép phổi và tỷ lệ thành công rất khó nói.

“Nếu ghép thành công, cơ thể thích nghi tốt, bệnh nhân có thể uống thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép trong vòng 3-4 năm. Nếu có dấu hiệu đào thải, người bệnh phải uống thuốc này gần như suốt đời”, chuyên gia cho biết..

Bệnh nhân 91 là ca mắc Covid-19 nặng nhất hiện nay, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ và không bệnh nền. Phổi bệnh nhân đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính nCoV trở lại.

Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.

Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, ngụ ở TP HCM và từng tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.

HP (Nguoiduatin.vn)