Xã hội

BV Xanh Pôn phủ nhận việc trộn máu và ăn bớt vật tư, bẻ que xét nghiệm 'chỉ là thử nghiệm'

Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, việc khoa Vi sinh cắt đôi bộ dụng cụ xét nghiệm HIV và viêm gan B chỉ mang tính chất thử nghiệm.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện đang sử dụng 2 hình thức test xét nghiệm HIV và viêm gan B.

Loại thứ nhất xét nghiệm theo hình thức đấu thầu của bệnh viện, loại thứ 2 là test xét nghiệm của công ty Lục Tỉnh cung cấp.

Theo ông Hưng, video ghi lại cảnh nhân viên của khoa vi sinh cắt đôi que thử xét nghiệm là mẫu test tặng của công ty Lục Tỉnh. Đây chỉ là thử nghiệm riêng của khoa, độc lập và không phải test xét nghiệm thường quy cho bệnh nhân.

Khoa vi phạm do nhận mẫu test tặng của hãng nhưng không báo cáo bệnh viện, sau đó khoa cắt đôi test để làm thử nghiệm cũng không báo cáo. Đây là thử nghiệm không được phép”, ông Hưng nói.

Bước đầu, theo báo cáo của khoa Vi sinh, hành vi cắt đôi các bộ dụng cụ xét nghiệm HIV và viêm gan B mới được thử nghiệm 3 tháng nay với tổng số 40 que, cắt đôi được 80 thanh.

Khoa cũng báo cáo chỉ được tặng 2 hộp test kit để thử nghiệm và chỉ test thử với những trường hợp đã test chuẩn nhưng vẫn còn dư huyết thanh.

Về thông tin có tình trạng trộn nhiều mẫu máu của bệnh nhân làm một trước khi xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) ông Hưng khẳng định: “Không có việc này”.

“Việc trộn như vậy chẳng giải quyết được việc gì cả. Trộn chung như vậy cũng không tiết kiệm được hoá chất mà chất đó cũng không bán được cho ai, tư nhân họ cũng không dùng nên nếu nói trộn vì mục đích tiết kiệm rồi bán ra ngoài là không có”, ông Hưng giải thích.

BV Xanh Pôn phủ nhận việc trộn máu và ăn bớt vật tư, bẻ que xét nghiệm 'chỉ là thử nghiệm'
Nhân viên khoa Vi sinh, BV đa khoa Xanh Pôn cắt đôi que thử xét nghiệm để dùng cho 2 bệnh nhân (Ảnh VietNamNet)

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối ngày 9-12, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay cán bộ Sở Y tế đã làm việc tại Bệnh viện Xanh Pôn đến tận tối muộn để đánh giá số que thử xét nghiệm nhập vào, số người bệnh sử dụng và xem số que thử xét nghiệm bị gian lận, cắt đôi là bao nhiêu.

"Giải trình ban đầu của bệnh viện là bệnh viện vẫn sử dụng que thử đấu thầu tập trung như thông thường để xét nghiệm và trả cho người bệnh, loại xét nghiệm bị cắt đôi này là hàng được tài trợ, chỉ dùng để thử nghiệm, không trả cho người bệnh. Tuy nhiên chúng tôi chưa chấp nhận giải trình này và yêu cầu phải làm rõ, xử lý nghiêm khắc" - bà Hà cho biết.

Trong 3 cán bộ có liên quan tới vụ việc vừa bị đình chỉ công việc, bà Hà cho biết có phó trưởng khoa phụ trách khoa, kỹ thuật viên trưởng và cán bộ trực tiếp làm xét nghiệm, tuy nhiên Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu xem xét cả lãnh đạo bệnh viện ở vai trò quản lý chung.

Trước đó, Đài truyền hình Việt Nam (VTV24) phản ánh thông tin rằng, để test nhanh HIV, viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau khi các y tá lấy mẫu máu của vài chục bệnh nhân, họ sẽ chuyển sang khu xét nghiệm của bệnh viện để tiến hành phân tích.

Tại đây, các kỹ thuật viên đã thao tác cắt đôi bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B do Nhật Bản sản xuất, thao tác này khác hẳn với hướng dẫn sử dụng.

Theo phản ánh, sau khi bóc lớp giấy bảo vệ ra khỏi que thử, nhân viên dùng kéo cắt que thử ra làm đôi, vệt kéo cắt vào giữa vị trí của vạch hóa chất xét nghiệm. Như vậy, 1 que thử dành cho 1 bệnh nhân đã được tách làm 2.

Theo các chuyên gia lĩnh vực hóa sinh, đây là hành vi này có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh.

Không chỉ gian lận trong phương pháp test nhanh HIV và viêm gan B, mà một phương pháp phức tạp hơn là xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA), cũng được các kỹ thuật viên tại phòng miễn dịch Bệnh viện Xanh Pôn làm theo cách riêng là trộn 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân khác nhau vào chung trong một ống nghiệm thủy tinh, sau đó hút ra, cho vào từng giếng chứa hóa chất. Nguyên tắc là 1 giếng chứa 1 mẫu máu, nhưng ở đây, 1 giếng chứa 4 mẫu.

Nếu kết quả âm tính sẽ là kết quả chung cho cả 4 bệnh nhân, còn nếu dương tính sẽ yêu cầu cả 4 bệnh nhân xét nghiệm lại.

Chuyên gia nhận định, phương pháp này không thể có được kết quả xét nghiệm chính xác.

HP (Nguoiduatin.vn)