Xã hội

Cô giáo 19 năm cắm bản bật khóc vì nhớ con

19 năm gắn bó với vùng cao, thương học trò như con, cô Thêu thi thoảng vẫn bật khóc vì thấy mình có lỗi khi không ở bên cạnh chăm sóc các con.

19 năm gắn bó với vùng cao, thương học trò như con, cô Thêu thi thoảng vẫn bật khóc vì thấy mình có lỗi khi không ở bên cạnh chăm sóc các con.

Cô Nguyễn Thị Thêu có 19 năm cắm bản tại các trường tiểu học ở Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Hoàng Phương.

Đêm 12/11, hàng trăm người có mặt trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô (tổ chức tại Hà Nội) lặng người xúc động khi nghe câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thêu (45 tuổi) cắm bản 19 năm, gắn bó với các lớp học từ Lũng Thầu đến Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang).

Cô giáo quê Ninh Bình, ra trường năm 1995 rồi về dạy ở Trường tiểu học Lũng Thầu. Ngày ngày, con đường đi dạy của cô là men qua khe núi. Lớp học là mái lá dột nát, tứ phía trống hoang. Mùa đông gió bấc, sách vở ướt mèm, đôi chân học trò co ro vì sương lạnh. Sáng cô đi dạy, chiều xuống bản cùng bà con, vận động các em không bỏ lớp.

Gắn bó với Lũng Thầu 11 năm, cô chuyển đến Trường tiểu học Phố Cáo, dạy học ở điểm lẻ Sảng Pả, giáp đường biên giới Việt - Trung. Nơi đây, dân cư nhiều nhưng học sinh không quen đến lớp. Cô lại đến nhà từng học trò vận động đi học. Dần dần, lớp của cô còn có học sinh giỏi, tiên tiến, lên lớp đều đều. Nhiều người đi học đại học, lại trở về làm cán bộ vùng cao.

Nhiều năm cắm bản, cô Thêu bén duyên với đồng nghiệp. Hai vợ chồng đều dạy học ở Đồng Văn. Khi cô Thêu sinh con trai đầu lòng, cuộc sống quá vất vả khiến cậu bé bị suy dinh dưỡng bào thai, phải tiêm nhiều lần nên bị teo cả hai chân.

Cô chia sẻ, vùng cao nào cũng khó khăn nên các thầy cô giáo quen rồi, nhưng thấy thương và có lỗi nhất lại chính là con cái của mình. Nhìn hai con phải sống thiếu thốn, lạc lõng giữa bạn bè nói toàn tiếng dân tộc, phong tục sống cũng khác, cô lại đau lòng. Vợ chồng cô quyết định gửi con về quê nhờ ông bà nuôi. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng thế, bố mẹ ở dưới xuôi không còn thì gửi người thân.

"Thương con nhưng khi bước lên bục giảng, chúng tôi lại gác việc riêng để tiếp tục dạy học trò, hoàn thành nhiệm vụ. Không bao giờ chúng tôi bù đắp được những năm tháng các con thiếu thốn tình cảm khi không có cha mẹ ở bên. Lúc nào, tôi cũng thấy mình là người có lỗi với con", cô bật khóc nói.

Chia sẻ của cô Thêu khiến nhiều cô giáo trẻ trong hội trường khóc theo. Cô Phùng Thị Hiền (25 tuổi), giáo viên Trường mầm non Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên) cho biết đã kết hôn được hơn 4 năm, cũng phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc.

"Xuống Hà Nội mấy ngày nhưng em chỉ tranh thủ gặp và ngủ với con được một đêm. Lúc chia tay không dám nhìn con vì sợ không đi nổi. Mỗi ngày xa con chỉ biết khóc, nhìn các con ở lớp lại nhớ đến con mình", nói rồi cô Hiền khóc thành tiếng.
 

Nhiều thầy cô giáo có mặt trong đêm chia sẻ lặng đi vì xúc động khi nghe đồng nghiệp kể chuyện. Ảnh: Hoàng Phương.

Những khó khăn mà nhiều người không tưởng tượng được, các thầy cô kể ra bình thường như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Thầy Nguyễn Hồng Hiệp năm nay 36 tuổi, khuôn mặt còn rất trẻ nhưng có 15 năm gắn bó với các điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An). "Nơi đây không đường, không điện, không sóng điện thoại, chỉ có 41 thầy giáo cắm bản. Nhiều người vẫn đùa rằng trường chúng tôi là ngôi trường chỉ có thầy, không cô", thầy Hiệp cười nói.

Từ trung tâm thị trấn vào trường Tri Lễ 4 khoảng 40 km, chỉ có 10 km đường nhựa. Quãng còn lại là đường đất, không có lối đi. Nhiều năm dạy học, dựa vào con đường mòn đi nương, đi rẫy của dân bản, các thầy cũng lách được bánh xe máy mà vào trường. Thầy tâm sự, quãng thời gian dài đằng đẵng, có những lúc quá vất vả cũng khiến thầy nản lòng. Nhưng nhìn lũ trẻ thiếu ăn, thiếu mặc, mùa đông thiếu từng đôi dép tổ ong để đi nhưng vẫn đến lớp khiến thầy thấy khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp cùng 40 thầy giáo khác cắm bản ở trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An). Ảnh: Hoàng Phương.

Công việc của cô Thêu, cô Hiền, thầy Hiệp... cùng hàng nghìn giáo viên cắm bản trên khắp đất nước vẫn là sáng lên lớp, chiều đến nhà dân, động viên các em chưa đến lớp đi học, đêm đêm soạn giáo án trong ánh sáng le lói của đèn dầu. Đối với thầy cô cắm bản, điện, đường, sóng điện thoại là những điều bình thường ở thành phố lại trở thành xa xỉ.

Nói về sóng điện thoại, cô Lò Thị Chiển, dạy học ở trường xã Nậm Khăn (Nậm Pồ, Điện Biên) cười kể, cạnh điểm trường mầm non Nậm Khăn có cây cao. Các cô giáo mắc một sợi dây và treo điện thoại lên để hứng sóng. Nhiều khi hai chị em nhường nhau treo điện thoại để được nói chuyện với gia đình.

Chia sẻ cùng thầy cô, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn nhấn mạnh, giáo dục vùng cao có được sự thành công phải kể đến đóng góp của các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên cắm bản. "Nói đến những Mù Cang Chải, Mường Nhé, Đồng Văn, Mèo Vạc... đôi chân nhiều người còn ngại đi. Huống chi hàng nghìn thầy cô hy sinh cả tuổi thanh xuân, gắn bó hàng chục năm ròng với các điểm trường lẻ, với học sinh vùng cao. Chúng tôi xin nghiêng mình cảm phục sự hy sinh đó", anh Long nói.

Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Liên hiệp thanh niên tổ chức. 64 giáo viên (20 thầy, 44 cô) được tuyên dương đang công tác tại 64 huyện nghèo trên cả nước, có thời gian cắm bản ít nhất 3 năm. Lớn tuổi nhất là thầy Lò Văn Xuân (58 tuổi), dân tộc Thái, giáo viên trường Tiểu học Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) có 35 năm cắm bản. Trẻ nhất là cô giáo Đàm Thị Thu Thủy (25 tuổi), dân tộc Kinh, dạy trường mầm non Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lao Cai) có 4 năm gắn bó với vùng cao.
 

Video: Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô

 
Theo Hoàng Phương (VnExpress.net)