Xã hội

Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm tại các tỉnh giá bao nhiêu?

Có địa phương mua theo giá cao và nói rằng mua "đúng theo giá được Bộ Y tế công bố", trong khi cũng có địa phương đàm phán và mua được giá thấp hơn.

Ngày 20/12, ngành y tế nhiều tỉnh miền Tây và miền Trung tiếp tục rà soát việc mua kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) do ông Phan Quốc Việt (41 tuổi) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ông Việt là một trong 7 người vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong vụ nâng khống giá bán kit xét nghiệm SARS-CoV-2 hôm 17/12.

Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm tại các tỉnh giá bao nhiêu?
Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á, tháng 3/2020

Ông Huỳnh Hữu Dũng - giám đốc CDC Long An - cho hay đơn vị này mua 10.000 kit xét nghiệm của Công ty Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin trên cổng thông tin của bộ. "Ban đầu hơn 400.000 đồng, sau đó có thời điểm lên hơn 500.000 đồng. Nói chung lúc đó kit xét nghiệm này gần như độc quyền, lại cần gấp, mà bộ đã đưa ra thông tin vậy thì CDC Long An mua theo đúng quy định thôi. Sau này có đơn vị cung cấp kit xét nghiệm giá rẻ hơn thì chúng tôi không còn mua của Việt Á nữa" - ông Dũng nói thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An - cũng khẳng định bệnh viện làm đúng quy trình về chỉ định thầu, mua vật tư y tế với mức giá "lúc đó Bộ Y tế đưa ra sao thì mình tham khảo mua như vậy".

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang cho hay các đơn vị thuộc sở không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Trong khi đó, theo thông tin của Tuổi Trẻ, CDC Cần Thơ có một hợp đồng mua bộ trang thiết bị chẩn đoán SARS-CoV-2 của Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) vào tháng 10-2021, giá chỉ định thầu là 367.500 đồng/test, tổng khối lượng mua 19.968 bộ. Trong phần xuất xứ, nhãn mác sản phẩm của phụ lục hợp đồng ghi tên xuất xứ: Việt Á - Việt Nam.

Riêng Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có mua và sử dụng kit xét nghệm của Công ty Việt Á. Theo thông tin từ bệnh viện, đơn vị này mua 15 bộ (mỗi bộ 96 test) của Việt Á. Thời điểm ký kết hợp đồng mua là tháng 9-2021, với giá 367.500 đồng/test (tương đương 35.280.000 đồng/bộ 96 test).

Ông Hà Văn Phúc - giám đốc Sở Y tế Kiên Giang - cho hay sở có mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với trị giá hơn 50 tỉ đồng. Theo ông Phúc, giá kit xét nghiệm của Việt Á được Bộ Y tế công bố tháng 7-2021 hơn 500.000 đồng/kit, tháng 8-2021 là 470.000 đồng/kit. "Nhưng chúng tôi đàm phán, ký hợp đồng mua của Việt Á chỉ 365.000 đồng/kit, rẻ hơn giá bộ công bố là 105.000 đồng" - ông Phúc nói.

Ông Trương Văn Dũng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Trà Vinh, cho biết đơn vị này sử dụng kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á từ năm 2020 đến nay. Khoảng một tuần qua, Việt Á ngưng cung cấp sinh phẩm vì ông Việt bị bắt.

“Chúng tôi sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á từ trước đến nay. Công ty này ngưng cung cấp kit khoảng một tuần nên CDC không có hóa chất để xét nghiệm. Chúng tôi kiếm hóa chất của đơn vị khác để chạy trên máy của Việt Á nhưng gặp trục trặc. Còn giá kit bao nhiêu CDC không biết vì Sở Y tế đấu thầu”, ông Dũng nói.

Tại Bạc Liêu, Giám đốc CDC Trần Vĩnh An cho biết đơn vị từng sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á trong năm 2020. Khi đó, CDC Bạc Liêu mua máy xét nghiệm của Việt Á nên sử dụng sinh phẩm của doanh nghiệp này trong vài tuần.

“CDC Bạc Liêu sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á trong thời gian ngắn rồi Sở Y tế chuyển sang mua của đơn vị khác. Giá mỗi kit xét nghiệm của Công Việt Á trên 350.000 đồng và tỉnh đã chi hơn 2 tỷ đồng để mua theo hình thức chỉ định thầu. Việc mua sắm này chúng tôi làm rất chặt chẽ, chọn giá thấp nhất để mua”, bác sĩ An chia sẻ.

Nói với Tri Thức Trực Tuyến, bác sĩ Phạm Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, cho biết năm 2020 đơn vị này có sử dụng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, do giá mua sinh phẩm trên 800.000 đồng một kit nên Bệnh viện Thanh Vũ ngưng sử dụng sau vài tháng lỗ chi phí xét nghiệm.

“Giá kit xét nghiệm của Việt Á bán cho chúng tôi 800.000-900.000 đồng. Lúc đó chúng tôi lệ thuộc kit này vì mượn máy xét nghiệm của Công ty Việt Á. Sau khi bệnh viện đấu thầu mua máy xét nghiệm, chúng tôi không sử dụng kit của doanh nghiệp này nữa”, bác sĩ Vũ nói.

Tại Sóc Trăng, Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Dũng cho biết tỉnh sử dụng sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với giá hơn 350.000 đồng mỗi kit. Tuy nhiên, CDC Sóc Trăng không trực tiếp mua của Việt Á mà thông qua đơn vị thứ 3.

Theo ông Dũng, ngành y tế tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa có chi phí để trả cho các hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 nên còn nợ đối tác.

Tại Đà Nẵng, theo thông tin từ hệ thống đấu thầu quốc gia, Công ty Việt Á đã trúng một số gói thầu tại CDC Đà Nẵng. Cụ thể, gói thầu mua sắm sinh phẩm để triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 công bố ngày 19/11/2020, có giá hơn 1,6 tỷ đồng, gồm 50 bộ/50 test, giá 26,25 triệu; 12 bộ/50 test khác hơn 25,4 triệu đồng mỗi bộ.

Ngày 24/4, CDC Đà Nẵng công bố gói thầu mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm virus corona (Covid-19) với hình thức đấu thầu rộng rãi, dự thầu qua mạng. Giá gói thầu gần 30 tỷ đồng, Công ty Việt Á trúng thầu với giá hơn 29 tỷ đồng (90.000 kit).

Tại Nghệ An, Giám đốc CDC Nguyễn Văn Định cho biết địa phương có 4 gói thầu (2 gói chỉ định, 2 gói đấu thầu rộng rãi) mua vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á, trị giá khoảng 28 tỷ đồng. Theo ông Định, CDC Nghệ An xây dựng gói thầu xuất phát từ nhu cầu rồi trình UBND tỉnh chủ trương, mua với giá thấp nhất.

"Ngay từ đầu, quan điểm ở Nghệ An là mua sắm đúng quy trình. Tất cả phải tuân thủ theo quy trình, xây dựng gói thầu xuất phát từ nhu cầu, trình UBND tỉnh phê duyệt. Lấy các báo giá, thẩm định giá rồi trình lên lại Sở Y tế, Sở Tài Chính thành lập hội đồng thẩm định giá của tỉnh, thẩm định giá sát nhất tại các thời điểm.

So với giá mặt bằng chung của cả nước thì giá mà tỉnh Nghệ An mua luôn thấp nhất so với thị trường tại thời điểm đó.

Ví dụ có gói thầu duyệt giá ở thời điểm đầu là 509 nghìn 250 đồng 1 bộ thì sau mình thương thảo được và chỉ mua với giá 470 nghìn đồng.

Thời điểm đó giá đang cao. Sau này các địa bàn trên cả nước mua với giá 470 nghìn đồng thì tỉnh Nghệ An mua được với giá 367 nghìn đồng.

Việc triển khai mua luôn đảm bảo và có giá thấp nhất, mục đích đảm bảo được việc cung ứng cho phòng chống dịch", ông Nguyễn Văn Định nói.

Giám đốc CDC Nghệ An cũng cho biết, quá trình triển khai đấu thầu mua sắm thì không có bất kỳ kết nối, trao đổi nào với công ty Việt Á, với các nhà thầu cung ứng hàng hóa.

"Về mặt đơn vị trực tiếp tham gia triển khai mua sắm gói thầu này thì không có liên lạc nào với các đơn vị cung ứng. Quá trình triển khai đáp ứng được về các mặt quy trình, quy định về đấu thầu, quy trình, xây dựng giá, cách thức đảm bảo. Tôi chưa bao giờ gặp anh Việt (Phan Quốc Việt - Tổng GĐ Công ty Việt Á - PV), thậm chí chưa biết mặt", Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định với PV.

Còn Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Văn Đức cho biết thời điểm dịch mới bùng phát, CDC tỉnh có mua kit xét nghiệm của Việt Á thông qua Công ty cổ phần thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế. Trong quá trình mua sắm, đơn vị thông qua các quy định Nhà nước gồm thẩm định giá, tổ chức đấu thầu.

Đầu năm 2020, kit xét nghiệm của Công ty Việt Á được công bố trên cổng Bộ Y tế là 470.000 đồng, gồm kit định tính và kit tách chiết, hiện giá giảm còn 367.000 đồng. Tuy nhiên, giá công bố này khác với giá đầu thầu, khi tham gia đấu thầu sẽ giảm giá.

"Giá trên cổng Bộ Y tế chủ yếu dựa vào để xây dựng kế hoạch, còn khi tổ chức đấu thầu thì giá tham gia có thể mềm hơn, bớt giá để có tính cạnh tranh giữa các nhà thầu. Hiện, CDC tỉnh mua kit xét nghiệm tách chiết của hãng ABT với giá 42.000 đồng/kit”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, năm 2020, Công ty Việt Á cho CDC mượn một máy xét nghiệm Covid-19. Vị này khẳng định không dính đến chuyện thổi giá kit xét nghiệm.

Tại Quảng Nam, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho biết đơn vị không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà mua của Công ty TNHH Medvision Việt Nam.

Năm 2020, Quảng Nam được tài trợ hơn 40.000 kit test, số sinh phẩm này được dùng từ tháng 7/2020 đến tháng 7 năm nay. Sau khi sử dụng hết số sinh phẩm được tài trợ địa phương bắt đầu mua sinh phẩm, kit test xét nghiệm dựa trên công bố của Bộ Y tế.

"Chúng tôi dựa vào bảng công bố của Bộ Y tế, từng giai đoạn họ sẽ cập nhật số sinh phẩm được bộ thông qua. Họ đưa lên những danh mục về test nhanh, kit chạy sinh phẩm, kit chạy rRT-PCR, trong đó thông tin cả hãng sản xuất, thông số kỹ thuật, giá và đơn vị cung ứng”, đại diện Sở Y tế Quảng Nam nói.

Từ tháng 7/2021, Quảng Nam có 4 đợt mua kit test của Công ty TNHH Medvision Việt Nam với tổng số 85.000 kit, giá 50.000-225.000 đồng. Ngoài ra, đơn vị được công ty này tặng hơn 28.000 kit.

Tại Ninh Thuận, Ông Nguyễn Nhị Linh – Giám đốc CDC Ninh Thuận cho biết tỉnh đã sử dụng kit test của đơn vị Việt Á bắt đầu từ tháng 4/2021.

"Chúng tôi có sử dụng kit test của Việt Á nhưng số lượng không nhiều. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa làm thủ tục mua sắm, chỉ mượn hàng nên chưa thanh toán tiền. Liên quan đến những sai phạm của Công ty Việt Á, chúng tôi đã nhận được thông tin và đang rà soát lại quá trình mua sắm gồm: sử dụng bao nhiêu, có các loại nào...", ông Linh thông tin.

Cũng theo ông Linh, việc sử dụng kit test trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải đấu thầu theo đúng quy định. Đối với Công ty Việt Á, CDC Ninh Thuận thỏa thuận "mượn hàng", sẽ thanh toán theo giá được công bố là 367.500 đồng.

Hiện nay, ông Linh vẫn chưa nắm được trên địa bàn đã sử dụng kit test Việt Á với số lượng là bao nhiêu. "Thời gian qua, địa bàn tỉnh cũng có nhiều ca nhiễm cộng đồng, phải truy vết nên nhu cầu cũng gia tăng. Tỉnh hiện sử dụng kit test của nhiều đơn vị, không chỉ riêng Việt Á. Hiện tại, chúng tôi đang tổng hợp thông tin, làm báo cáo để gửi về UBND tỉnh Ninh Thuận", ông Linh nói.

Trước đó, Ninh Thuận được đánh giá dịch Covid-19 thuộc cấp độ 2; có 45 trong tổng số 65 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 1; 19 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2; 1 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 3; không có địa phương ở cấp độ 4; có 3 huyện thuộc cấp độ 1; 4 huyện, thành phố ở cấp độ 2; không có đơn vị ở cấp độ 3 và 4.

Chào mời "chi hoa hồng" cho bệnh viện tư

Lãnh đạo một bệnh viện tư tại Sóc Trăng cho biết Công ty Việt Á từng cử nhân viên gặp ông để chào mời mua kit xét nghiệm COVID-19. Vị này cho biết nhân viên Việt Á đưa ra giá bán ghi trong hợp đồng là 470.000 đồng/bộ, sau đó sẽ trích lại hoa hồng cho bên mua.

"Khi tôi yêu cầu ghi giá thực bán vào hợp đồng thì nhân viên Việt Á giải thích đây là khung giá chung đã được duyệt, sau đó sẽ trích lại hoa hồng thỏa đáng. Tôi là đơn vị tư nhân, tự bỏ tiền túi ra mua. Cách mua bán của Việt Á chẳng khác nào lấy tiền túi của tôi bên này bỏ qua túi bên kia của tôi. Ngay từ đầu, tôi thấy kiểu làm ăn không minh mạch, có mùi tanh nên thẳng thừng từ chối" - vị này kể.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/cong-ty-viet-a-ban-kit-xet-nghiem-tai-cac-tinh-gia-bao-nhieu-tintuc802059