Xã hội

Đối thoại với người dân mang quan tài chặn cao tốc

Sau khi người dân mang quan tài lên cao tốc phản ứng, chính quyền đã tổ chức đối thoại. Do quan điểm của 2 bên khác nhau nên sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi người dân mang quan tài lên cao tốc phản ứng, chính quyền đã tổ chức đối thoại. Do quan điểm của 2 bên khác nhau nên sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Chiều 11/11, UBND TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng nam) đối thoại với khoảng 100 người dân ở xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ), liên quan đến việc giải tỏa đền bù triển khai dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
 
Trước đó, ngày 10/11, bức xúc vì không nhận được tiền đền bù thỏa đáng, những người dân nói trên đã góp tiền mua quan tài khiêng lên cao tốc để phản ứng chính quyền địa phương.
 

UBND TP Tam Kỳ và đại diện các đơn vị liên quan đối thoại với dân. Ảnh: Nguyên Vũ.

 
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa bàn xã Tam Ngọc dài 2,3 km, có 245 hộ bị ảnh hưởng nhà ở, đất đai và cây trồng, với tổng số tiền bồi thường gần 50 tỷ đồng.
 
Bà Võ Thị Xuân (67 tuổi) bức xúc, gia đình bà có diện tích 2.000 m2 đất nông nghiệp. Diện tích trên phải giải tỏa để triển khai dự án nên gia đình được chính quyền địa phương thông báo đền bù 84.000 đồng/m2.
 
"Thực tế, tôi chỉ nhận được được 1/2 số tiền trên. Khi hỏi về số còn lại, lãnh đạo xã và TP Tam Kỳ đều không giải thích được", bà Xuân nói.
 
Là người mặc áo tang để phản ứng chính quyền địa phương, anh Đoàn Văn Tịnh (41 tuổi, ngụ thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) kể gia đình có 2.015 m2 đất trồng cây lâu năm.
 
Năm 2011, lãnh đạo TP Tam Kỳ và UBND xã Tam Ngọc đến đo đạc, kiểm kê cây cối để làm cơ sở bồi thường. ​Đã 4 năm ​qua, ​anh vẫn không được nhận tiền đền bù. "Toàn bộ diện tích đất đã bị san ủi. Từ đó đến nay, chúng tôi không có bất cứ thu hoạch gì trên diện tích này. Thiệt hại này ai chịu?", anh Tịnh nói.
 

Người dân đối thoại với chính quyền. Ảnh: Nguyên Vũ.

 
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, sở dĩ có nhiều hộ dân phản ứng là do họ không chấp nhận giá bồi thường 44.000/m2 đất mà đòi 84.000 đồng.
 
Theo quyết định bồi thường của UBND TP Tam Kỳ, giá đất thay thế tại xã Tam Ngọc là 84.000 đồng/m2 đối với vườn ao, đất nông thôn. Còn đối với đất nông nghiệp thì chỉ ở mức từ 34.000 đồng đến 58.000 đồng/m2 (tùy theo loại cây trồng).
 
"Căn cứ vào bảng giá được phê duyệt, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ áp dụng mức giá 44.000 đồng/m2 là đúng. Việc người dân yêu cầu bồi thường với mức giá 84.000 đồng là không thể giải quyết được", ông Nam cho hay.
 
Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ cho biết, anh Tịnh đã được bồi thường cây trồng trên diện tích thu hồi hơn 1.000 m2. Trung tâm chưa bồi thường tiền đất cho hộ này là do đang có tranh chấp.
 
Những giải thích trên của lãnh đạo khiến hầu hết người dân không đồng tình. Bởi theo họ, bản niêm ý giá đền bù đã rõ, nhưng thực tế khi họ nhận tiền không đúng như vậy.
 

Ngày 10/11, hàng trăm người dân đã mang quan tài lên cao tốc vì bức xúc đền bù. Ảnh: Nguyên Vũ.

 
Hơn 18h cùng ngày, nhiều người dân vẫn tiếp tục xin phát biểu. Tuy nhiên, do đã muộn nên buổi đối thoại tạm dừng. Ông Nam hứa sẽ xem xét lại từng trường hợp cụ thể để giải quyết thỏa đáng.
 
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng ​- Quảng Ngãi cho biết, trên lý thuyết, chính quyền địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư từ cuối năm 2013.
 
Tuy nhiên, khi nhà thầu đến thi công thì mới biết vẫn còn một số vướng mắc khiến người dân bức xúc. Đỉnh điểm của sự việc là họ đưa quan tài đặt lên cao tốc để phản đối chính quyền, ngăn cản đơn vị thi công. Sự việc trên ảnh hưởng đến tiến độ dự án và gây thiệt hại lớn ​cho nhà thầu.
 
>> "Phong tỏa" đường cao tốc bằng quan tài: Chính quyền khẳng định làm đúng khâu đền bù
>> Không được đền bù đất đai, người dân mang quan tài đặt giữa đường
 
Theo Nguyên Vũ (Zing.vn)