Xã hội

Hà Nội đề xuất mở bến xe sau 0h

Hà Nội đang nghiên cứu mở thêm các tuyến xe khách chạy ban đêm với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc, tối đa hoá hiệu quả khai thác các bến xe.

Trong bối cảnh các bến xe khách tại Hà Nội đang ngày càng trở nên quá tải do lưu lượng xe ra vào bến quá đông, đặc biệt là thường tập trung vào những thời điểm nhạy cảm, ý tưởng mở thêm các tuyến xe khách chạy đêm đã được Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện tính đến trong quá trình kiểm tra công tác phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Nhận thấy đây là một giải pháp có tính khả thi rất cao, người đứng đầu ngành Giao thông của Hà Nội đã lập tức chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất để báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT phê duyệt ngay trong năm 2020.

“Để làm được việc này, thay vì đợi các doanh nghiệp vận tải đề xuất nhu cầu, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động rà soát lại quy hoạch luồng tuyến, từ đó đưa ra danh mục tuyến nhằm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động”, ông Viện cho hay.

Hà Nội đề xuất mở bến xe sau 0h
Xe khách đón khách tại Bến xe Giáp Bát.

Đồng tình với đề xuất này, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Giảng viên trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết: “Việc mở tuyến xe chạy đêm cũng giúp cho khách hàng có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, các nhà xe đăng ký hoạt động ban đêm phải cam kết tuân thủ đúng luồng tuyến, biểu đồ chạy xe...".

Về phía doanh nghiệp vận tải, hiện vẫn đang có những ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Anh Bão, Giám đốc Công ty CP Đại Phát, doanh nghiệp có tuyến xe khách chạy đêm đi Đà Nẵng ở Bến xe Giáp Bát cho rằng, chạy xe đêm sẽ thuận lợi hơn cho cả hành khách, nhà xe. Ban đêm đường phố thưa vắng, không ùn tắc, ngủ qua một đêm là đến nơi, rất tiện cho hành khách.

Tuy nhiên, Hiệp hội vận tải Hà Nội lại không đồng tình với đề xuất này. Hiệp hội cũng đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội nêu 5 vấn đề bất cập.

Thứ nhất, theo Phó chủ tịch Bùi Danh Liên, tại các bến xe của Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường lập trung vào các đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng” nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đã giảm hẳn. Có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch.

Thứ hai, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải tại Quyết định 2288 đã ấn định tần suất của 2 đầu bến. Việc kéo dài “đóng bến” sau 24h sẽ đảo lộn quy hoạch, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất TTATGT.

Thứ ba, tăng thêm giờ hoạt động trong khi lượng khách giảm, chi phí hành chính của bến xe tăng lên và các lực lượng quản lý xe khách như TTGT, Công an phải tăng theo, chi phi xã hội tăng bất hợp lý.

Thứ tư, tăng thêm giờ hoạt động nhưng phải đảm bảo đầu xe không tăng theo quy hoạch, đồng thời phải tuân thủ quy hoạch, với Hà Nội phải thực hiện theo hướng tuyến: Bắc - Bắc, Nam - Nam.

Cuối cùng, theo ông Liên, trường hợp quyết định tăng xe chạy sau 24h đêm, thành phố cần cho xe buýt chạy 24h/ngày để phục vụ nhân dân đi lại.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)