Xã hội

Nhầm chân phanh với chân ga gây tai nạn liên hoàn, cần xem lại công tác đào tạo?

Nhiều vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện nhầm chân phanh với chân ga đã xảy ra. Dư luận đặt ra câu hỏi, căn nguyên của việc này do công tác đào tạo?

Chiều 5/4, vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra tại ngã tư Võ Chí Công- Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ). Xe ô tô BKS 29A-083.12 do ông Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) mất lái, húc bay hàng loạt xe máy đang lưu thông tại ngã tư này.

Vụ va chạm liên hoàn khiến 17 xe máy nằm la liệt trên đường, 18 người bị thương phải đi cấp cứu. Tại cơ quan công an, tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh cho biết, bản thân đã nhầm chân phanh với chân ga dẫn đến mất kiểm soát tốc độ gây tai nạn.

Đây không phải trường hợp đầu tiên 'ô tô điên' gây tai nạn giao thông trên phố do nhầm chân phanh với chân ga.

Nhầm chân phanh với chân ga gây tai nạn liên hoàn, cần xem lại công tác đào tạo?
Vụ tai nạn kinh hoàng diễn ra vào chiều 5/4 (Ảnh: Đình Hiếu) 

Trước đó vào chiều 1/4, 1 ô tô màu trắng chở theo 3 người đang đi trên đường ven hồ Tây bỗng lao xuống hồ. Rất may, không có người bị thương.

Người điều khiển chiếc xe này là phụ nữ. Theo công an, nguyên nhân do tài xế xế đạp nhầm chân ga khiến ô tô mất lái.

Trước việc nhiều "xe điên" gây tai nạn trên đường phố, nhiều người hoài nghi về chất lượng của công tác đào tạo sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nên giới hạn độ tuổi cầm vô lăng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc nhầm chân ga với chân phanh là lỗi của tài xế.

Tuy nhiên, để kết luận việc nhiều lái xe đạp nhầm chân ga với chân phanh có phải do công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng lái hay không thì cần phải thêm dữ liệu.

Trong đó, phải xác định tài xế học lái xe đã lâu chưa?. Những tài xế này có giấy phép lái xe nhưng có thường xuyên điều khiển phương tiện hay không?

“Nếu tài xế có giấy phép lái xe nhưng đã lâu chưa lái, không có thời gian làm quen, không tiếp xúc với xe ở trên bãi, không kiểm tra độ phản xạ đặc biệt, không có người có kinh nghiệm kèm thì dễ gặp rủi ro”, ông Quyền cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, lái xe dù đã học từ lâu nhưng không đồng nghĩa lái thành thạo. 

“Vấn đề này phải lưu tâm, đặc biệt với những người học lái đã lâu nhưng thời gian sử dụng phương tiện còn ít, những kỹ năng được hình thành trong quá trình học chưa vững chắc. Để gián đoạn thời gian dài các kỹ năng này sẽ mai một đi.

Trong khi đó, bản thân người lái xe lại chủ quan, không ý thức được sự mai một kỹ năng. Từ đó, dẫn đến việc luống cuống khi gặp sự cố. Việc đạp nhầm chân phanh với chân ga tất yếu sẽ xảy ra.

Đây là điều đáng tiếc và rất nguy hiểm. Do đó, trong công tác đào tạo lái xe và truyền thông tôi nghĩ cần lưu ý vấn đề này”, ông Quyền nói.

Trước đề xuất nên giới hạn độ tuổi cho người cầm lái, ông Quyền cho rằng, ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới nhiều nam giới ở độ tuổi 60-70 vẫn điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, những người này trước khi cầm lái cần phải có kỹ năng nhuần nhuyễn, làm chủ được tay lái và quan trọng nhất là phải thường xuyên ôm vô lăng. 

Theo N.Huyền (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nham-chan-phanh-voi-chan-ga-gay-tai-nan-lien-hoan-can-xem-lai-cong-tac-dao-tao-2129421.html