Xã hội

Sân bay "Nội Bài 2": Từng dự định chuyển xuống Hải Dương

“Tôi tin tưởng dự án mở rộng sân bay Nội Bài sẽ giúp hệ thống sân bay được hoàn thiện một cách hiện đại nhất, phục vụ tốt nhất”, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh nói.

 
“Tôi tin tưởng dự án mở rộng sân bay Nội Bài sẽ giúp hệ thống sân bay được hoàn thiện một cách hiện đại nhất, phục vụ tốt nhất”, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh nói.
Sân bay ‘Nội Bài 2’: Từng dự định chuyển xuống Hải Dương - Ảnh 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh tin tưởng vào hiệu quả của dự án sân bay Nội Bài mở rộng.

PV đã có trao đổi với nguyên lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải – Thứ trưởng Phạm Thế Minh đưa ý kiến về vấn đề này.

“Ở góc độ kỹ thuật, tôi chưa được xem cụ thể dự án như thế nào. Nhưng trên tinh thần nghe thông tin về dự án mở rộng sân bay như vậy, tôi thấy là tốt.

Trước đây, tôi nhớ rằng đã từng có ý tưởng di chuyển sân bay xuống Hải Dương, nhưng về sau thực tế không phù hợp nên lại thôi.

Tôi thấy vị trí ở Nội Bài hiện nay là đắc địa về nhiều mặt. Có thể nhận thấy ngay là hệ thống đường bộ ở khu vực này khá hoàn thiện. Đường cao tốc từ nhiều tình thành nối Hà Nội cũng đã hoàn thiện. Những con đường nối Sân Bay với trung tâm Thủ đô được mở rộng và đầu tư hoàn chỉnh.

Với sân bay hiện tại, tôi nghĩ là chưa đủ đất, diện tích để máy bay đỗ còn hẹp. Do đó, nếu chuyển được kho hậu cần, dịch vụ sang một khu riêng biệt thì cũng là tốt”, nguyên Thứ trưởng Phạm Thế Minh đưa ý kiến.

Từng nhiều năm làm lãnh đạo ngành giao thông, ông Phạm Thế Minh phân tích thêm: “Tôi tin tưởng dự án mở rộng này sẽ giúp cho hệ thống sân bay được hoàn thiện một cách hiện đại nhất, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu hàng không ngày càng tăng cao.

Theo tôi được biết, hiện nay, tất cả các sân bay của ta đều chỉ thiết kế đường băng mà không thiết kế sân đỗ cho phù hợp. Một máy bay lớn, độ sải cánh của nó lên đến 50-60m. Như vậy, chỗ đỗ máy bay cũng chiếm khá nhiều diện tích. Nếu mở rộng được sân đỗ sẽ tăng năng lực cho máy bay chứ không chỉ là chuyện cất/ hạ cánh.

Việc mở rộng sân bay là cần thiết, tăng năng lực sân bay là sẽ hạn chế được tối ưu vấn đề đầu tư. Tận dụng cái cũ, phát triển cái mới là điều nên làm sớm.

Một đường băng nếu tốt thì cứ 3 phút có thể cất/hạ cánh một lần. Như thế, trong một giờ sẽ tăng được nhiều máy bay.

Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình xây dựng thì cần cân đối giữa các khâu trong sân bay và phải đầu tư cả các thiết bị mặt đất để tăng cường hiệu quả”.

Trước đó, thông tin mới nhất theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, nâng cấp thành cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hoá/năm.

Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ trở thành cảng hàng không cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hoá/năm.

Mới đây khi chia sẻ trên báo Chính phủ, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, việc nâng cấp sân bay Nội Bài theo dự án này sẽ là dự án Long Thành thứ hai và thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với dự án xây dựng cảng hàng không Long Thành do mật độ dân cư ở khu vực dự án rất cao, khó trong việc giải phóng mặt bằng.

Thực hiện đúng theo Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc mở rộng sẽ được xây dựng đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay (lật qua đại lộ Võ Nguyên Giáp) với diện tích 720 ha thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn.

Chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015). Chi phí xây dựng các hạng mục chính của “Nội Bài 2” (đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng…) khoảng 78.000 tỷ đồng và sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa (Theo Baochinhphu.vn).

Theo Dương Thu (Nguoiduatin.vn)