Xã hội

Trình Bộ Chính trị đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tháng 3

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3.

Trong kết luận của Thường trực Chính phủ về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành nêu rõ, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị.

Thường trực Chính phủ cho biết nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến TP.HCM - Cần Thơ.

Về kịch bản đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất. Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, còn hàng hóa chủ yếu vận tải bằng đường biển (cảng biển, bến thủy nội địa) và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có.

Về hướng tuyến, Bộ GTVT nghiên cứu, rà soát kỹ hướng tuyến để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.

Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng; Bộ trưởng GTVT làm Tổ phó; đại diện lãnh đạo một số bộ làm thành viên. Tổ công tác có quy chế làm việc, dự kiến 1 tháng họp 1 lần để kịp thời xử lý, thúc đẩy công tác chuẩn bị, thực hiện dự án.

Thường trực Chính phủ lưu ý, Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt.

Thường trực Chính phủ giao Bộ KH&ĐT với vai trò Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước, tiếp tục triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; cân đối bố trí kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính chủ trì tính toán tác động của việc đầu tư dự án đến nợ công; ưu tiên phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm để phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đường sắt...

Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài để kêu gọi đầu tư chuyển giao công nghệ xây dựng dự án.

Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thỏa thuận với Bộ GTVT để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai dự án. Ưu tiên bố trí quỹ đất quanh khu vực ga để phát triển các khu đô thị, khu chức năng theo mô hình TOD.

Đầu tư một số tuyến đường sắt quốc gia khác

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).

Cần sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - TP.HCM chủ yếu là hành khách. Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025)...

Sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Theo Trần Thường (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/trinh-bo-chinh-tri-de-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-trong-thang-3-2250612.html