Ăn - Chơi

Đặc sắc Di sản nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp ở tỉnh Điện Biên

Người Thái quan niệm rằng bánh khẩu xén là món ăn dâng lên tổ tiên, thần linh để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Đặc sắc Di sản nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp ở tỉnh Điện Biên
Bánh khẩu xén sau khi dát mỏng được mang đi phơi khô vừa phải rồi cắt. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Giống như như bánh chưng của người Kinh, bánh chưng gù của đồng bào dân tộc Thái đen hay bánh dày của đồng bào Mông, khẩu xén và bánh chí chọp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Thái trắng ở Điện Biên.

Mới đây, nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Xưa nay, đồng bào Thái trắng ở thị xã Mường Lay vốn nổi tiếng về sự khéo léo trong chế biến ẩm thực. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, đồng bào Thái trắng lại rộn rã làm các loại bánh cổ truyền để đãi khách hoặc làm quà biếu người thân và bạn bè.

Đặc sắc Di sản nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp ở tỉnh Điện Biên - 1
Những chiếc bánh khẩu xén nhiều màu sắc. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Bánh khẩu xén có nguồn gốc từ xa xưa, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Thái trắng. Người Thái quan niệm rằng bánh khẩu xén là món ăn dâng lên tổ tiên, thần linh để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Bánh khẩu xén được làm từ gạo nếp hoặc sắn. Sau khi xay gạo thành bột, người Thái trắng ngâm ủ vài tiếng cho bột mềm rồi đưa vào chõ đồ. Khi xôi chín, bà con cho thêm vừng, trứng gà ta, đường hoặc muối rồi đưa vào cối giã nhuyễn.

Tiếp đó, những người phụ nữ khéo tay sẽ dùng con lăn dàn bánh thành miếng mỏng, để bánh se lại rồi cắt theo hình thù tùy theo ý thích. Bánh khẩu xén sau đó được đem hong gió hoặc phơi nắng nhẹ, vì khi khô, bánh khẩu xén rất giòn, dễ bị gãy nát.

Trong khi đó, bánh chí chọp được làm từ thứ gạo nếp ngon nhất, dẻo nhất trong vùng. Gạo ngâm qua đêm để ráo nước rồi cho vào chõ đồ thành xôi. Khi xôi nguội, bà con cán mỏng, phơi khô, sau đó cho vào rán.

Theo người dân địa phương, bánh chí chọp có 3 màu chính là trắng, tím và cam, đây là màu sắc của gấc và lá nếp nên luôn đảm bảo an toàn.

Đặc sắc Di sản nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp ở tỉnh Điện Biên - 2
Những chiếc bánh chí chọp nhiều màu sắc được phơi đến khi giòn. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Bánh khẩu xén, bánh chí chọp là một phần trong văn hóa ẩm thực đặc sắc của thị xã Mường Lay nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.

Không chỉ là món ăn trong những ngày lễ Tết, bánh khẩu xén, bánh chí chọp đã trở thành sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, bánh được làm quanh năm và bán rộng rãi trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ngoài nghề làm bánh khẩu xén và bánh chí chọp, trong dịp này, tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào ở huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cũng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.

Như vậy, đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 20 Di sản Văn hóa Phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Với 19 cộng đồng dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc của Điện Biên có một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng, tập quán đậm sắc thái bản địa, tạo nên sự đa dạng, đa sắc của văn hóa địa phương./.

Tám di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia lần này gồm:

1. Tri thức dân gian Nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

2. Tri thức dân gian Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

3. Lễ hội truyền thống Hội làng Văn Giang-Nam Dương, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức và xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

4. Nghề thủ công truyền thống Nghề may Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

5. Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Quang Trung ở Lạch Bạng và Cù Lao Biện (Biện Sơn) phường Hải Thanh và xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

6. Nghề thủ công truyền thống Nghề chằm nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

7. Nghề thủ công truyền thống Nghề thêu-ren Ninh Hải, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

8. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường, tỉnh Ninh Bình.

Theo VietNam+




https://www.vietnamplus.vn/dac-sac-di-san-nghe-lam-banh-khau-xen-banh-chi-chop-o-tinh-dien-bien-post940114.vnp