Ăn - Chơi

Khách Việt bối rối khi đi ăn nhà hàng ở Trung Quốc: 'Vào không ai hỏi, lúc thanh toán ra về cũng không'

Nhóm du khách Việt vào một nhà hàng tại Trung Quốc và vô cùng bất ngờ khi không một ai trò chuyện với họ.

Nhắc tới những điểm đến du lịch nước ngoài hấp dẫn đối với riêng du khách Việt, không thể bỏ qua Trung Quốc. "Quốc gia tỷ dân" không chỉ sở hữu phong cảnh đẹp mà còn có nền văn hoá đa dạng và phong phú, đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, nhiều du khách cũng chia sẻ rằng khi đến du lịch Trung Quốc, họ đã gặp phải những "cú sốc văn hoá".

Câu chuyện sau đây của nhóm du khách 4 người trong chuyến du lịch Trung Quốc hồi cuối tháng 3 là một ví dụ. Cụ thể, nhóm du khách vô cùng bất ngờ và bối rối khi tới một cửa hàng cơm trưa tại Thượng Hải nhưng lại cảm thấy không được chào đón nồng nhiệt.

Đa phần mọi người trong quán ăn đều im lặng, từ nhân viên cho đến chủ cửa hàng. Khi nhóm khách ngồi vào bàn, cũng không có bất kỳ ai ra hỏi về nhu cầu dùng bữa của họ. Do không biết tiếng Trung Quốc nên lúc này, 1 trong 4 du khách phải dùng ứng dụng dịch thuật để hỏi một nhân viên trong cửa hàng.

Khách Việt bối rối khi đi ăn nhà hàng ở Trung Quốc: 'Vào không ai hỏi, lúc thanh toán ra về cũng không'
Nhóm du khách nhắc tới trong câu chuyện (Ảnh NVCC)

Sự thật là, người Trung Quốc nói chung hay đa phần các cửa hàng ở Trung Quốc nói riêng từ lâu hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp. Thay vào đó, mọi thao tác như xem thực đơn, gọi món cho đến thanh toán tiền, đều được thực hiện thông qua việc quét mã QR trên mỗi bàn. Du khách chỉ cần đưa máy ảnh của điện thoại lên mã QR, mã này tương ứng với từng bàn, người bán sẽ dựa trên số bàn và số món đã gọi để phục vụ.

L.H.Yến, 28 tuổi đến từ Hà Nội, 1 trong nhóm 4 du khách chia sẻ: "Lúc đầu, cả 4 chúng mình đều khá bối rối bởi vào quán không ai hỏi, ngồi vào bàn, xem xét, chỉ trỏ chán chê cũng không ai ngó. Sau đó ra hỏi nhân viên mới biết tất cả các khách chỉ cần quét mã QR ở góc bàn, gọi món và thanh toán xong sẽ có người bê ra tận nơi".

Sau khi đã dùng bữa và thanh toán xong trên ứng dụng điện thoại, tất nhiên du khách có thể rời đi trong im lặng mà không có bất kỳ sự hỏi han nào của nhân viên quán ăn.

Khách Việt bối rối khi đi ăn nhà hàng ở Trung Quốc: 'Vào không ai hỏi, lúc thanh toán ra về cũng không' - 1
Thực khách khi vào đa phần mọi nhà hàng, quán ăn ở Trung Quốc đều quét mã QR ở góc bàn để gọi món và thanh toán, không cần nhiều tới sự giao tiếp với nhân viên cửa hàng (Ảnh minh hoạ)

Với những người bản địa ở "đất nước tỷ dân" hay với những du khách đã từng có kinh nghiệm đi du lịch tại đây nhiều lần, trải nghiệm trên là rất bình thường. Nó đem lại sự tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng dù cho có sự bất đồng ngôn ngữ.Tuy nhiên với những du khách lần đầu tới Trung Quốc, đây thật sự có thể coi là một điều vô cùng lạ lẫm, khiến họ bối rối và bỡ ngỡ.

Mã QR - thứ "toàn năng" ở đất nước tỷ dân

Trên thực tế, mã QR hiện nay không còn là thứ xa lạ với những người hiện đại. Nó là một mã vạch ma trận, tạo thành một hình vuông, được biểu thị giống như các mã vạch trên các sản phẩm được bán ở siêu thị. Cái tên "QR" chính là viết tắt của "Quick Response", tức là đáp ứng hay xử lý nhanh.

Chỉ thông qua viết quét hình ảnh mã QR, các thao tác như tìm kiếm thông tin, đăng ký hay thanh toán tiền có thể được thực hiện nhanh chóng. Hầu như mọi quốc gia hiện đại trên thế giới hiện nay đều sử dụng mã QR cho một số công việc. Trong đó Trung Quốc được xem là một trong những quốc gia ứng dụng loại mã này nhiều nhất vào cuộc sống hàng ngày.

Khách Việt bối rối khi đi ăn nhà hàng ở Trung Quốc: 'Vào không ai hỏi, lúc thanh toán ra về cũng không' - 2
Mã QR hiện nay phổ biến ở hầu hết mọi quốc gia hiện đại trên thế giới, trong đó Trung Quốc được đánh giá là áp dụng nhiều nhất vào cuộc sống (Ảnh minh hoạ)

Nhiều người nói vui rằng, mã QR là một thứ toàn năng ở Trung Quốc. Bởi người dân nước này quét mã QR mọi lúc, mọi nơi, tại mọi cửa hàng, trên mọi sản phẩm hay thậm chí là ở các phương tiện cho mượn/thuê công cộng, người ta cũng dùng mã QR.

Ví dụ như để chia sẻ thông tin liên hệ của một người, chỉ cần quét mã QR, các thông tin cơ bản được tích hợp sẽ được hiển thị như tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại, hòm thư điện tử... Tiếp đến là gọi món như trong trường hợp của nhóm du khách Việt kể trên hay thanh toán bất cứ khoản chi phí nào từ chi phí mua sắm, dịch vụ công cộng như thuê xe đạp.... Thứ 3 là thông tin về bất cứ món hàng, sản phẩm nào được bày bán dù trên vỉa hè hay trong các siêu thị, cửa hàng lớn.

Hầu như mọi sản phẩm được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc hay phân phối ở thị trường này đều có in mã QR trên góc bao bì để người tiêu dùng dễ dàng quét và tìm hiểu thêm thông tin. Thậm chí họ còn có thể xem thêm về các bài đánh giá về sản phẩm từ các khách hàng trước đó. Thứ 4 và thứ 5 là việc truy cập các trang web, đăng nhập mạng công cộng, tải về các ứng dụng. Thậm chí việc tặng quà như quà sinh nhật hay quà cưới, người Trung Quốc cũng có thể thực hiện qua mã QR.

Khách Việt bối rối khi đi ăn nhà hàng ở Trung Quốc: 'Vào không ai hỏi, lúc thanh toán ra về cũng không' - 3

Khách Việt bối rối khi đi ăn nhà hàng ở Trung Quốc: 'Vào không ai hỏi, lúc thanh toán ra về cũng không' - 4
Từ việc mua bán, tìm kiếm sản phẩm hay thuê, mượn phương tiện công cộng, người Trung Quốc đều dùng mã QR (Ảnh minh hoạ)

Việc sử dụng mã QR vào đa phần mọi công việc giúp cuộc sống của người Trung Quốc được tiện lợi hơn bởi mọi thao tác đều vô cùng nhanh chóng. Đặc biệt vào giai đoạn đại dịch Covid-19, mã QR giúp hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Một số cơ sở kinh doanh cũng nhờ có mã QR mà giảm thiểu được nhân công và chi phí.

Bởi vậy, nếu đang có ý định du lịch tại đất nước tỷ dân, du khách cần tập làm quen với việc tìm kiếm mà sử dụng mã QR mọi lúc mọi nơi. Việc trang bị các ứng dụng chuyên dụng cũng là rất cần thiết.

Theo Thu Phương (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/khach-viet-boi-roi-khi-i-an-nha-hang-o-trung-quoc-vao-khong-ai-hoi-luc-thanh-toan-ra-ve-cung-khong-a412761.html