Đời sống

'Chìa khóa' giúp người mẹ được chồng hờ Pháp trả lại con gái

Chấp hành viên Ngô Thanh Hùng tìm mọi cách thuyết phục vợ của người đàn ông Pháp, khuyên chồng trả con cho "tình cũ".

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (33 tuổi, quê Khánh Hòa) vừa được người tình cũ Azais (44 tuổi, quốc tịch Pháp) trao trả con gái Sara Thiên Kim sau hơn 4 năm ngược xuôi qua Pháp và cả ở Việt Nam thưa kiện. Được giao nhiệm vụ thi hành bản án, chấp hành viên Ngô Thanh Hùng cũng như nhiều người trong đoàn liên ngành rất vui với kết quả này.

"Tôi thấy nhẹ nhõm vì đã thực hiện được lời hứa với cô ấy. Sau nhiều năm xa con, năm nay cô ấy sẽ có một cái Tết ấm áp", ông Tùng nói.

Trước đó, tổ thi hành án đã nhiều lần cưỡng chế buộc ông Azais giao con gái cho người mẹ nhưng ông này bất hợp tác, thay đổi chỗ ở hoặc không mở cửa. Ngay cả khi bị xử phạt hành chính ông Azais vẫn không chịu thi hành.

Ông Tùng cho biết, việc thi hành án liên quan đến đứa trẻ nên ông không muốn dùng biện pháp mạnh. "Hai bên đều có một mục đích chung là lo cho cháu bé. Tôi rất sợ có sự giằng co khi trao trả làm sứt mẻ tình cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của cô bé. Mất đi sự quan tâm của cả cha hay mẹ đều không tốt cho nó. Tôi muốn người bố tự tay dắt con giao cho mẹ để nó không bị tổn thương", chấp hành viên nói.

Biết ông Azais đã có vợ con, ông Tùng mất khá nhiều thời gian xin số điện thoại, tìm Facebook và Zalo của người vợ. Ông tiếp cận, đề nghị chị giúp đỡ nhưng không được.

'Chìa khóa' giúp người mẹ được chồng hờ Pháp trả lại con gái
Chị Huyền hạnh phúc khi được nhận lại con. Ảnh: Thanh Huyền.

Thấu hiểu sự khó xử của người phụ nữ, thâm tâm muốn chồng giao trả con cho chị Huyền nhưng cũng sợ chồng nghĩ không tốt về mình, ông Tùng nhiều lần động viên. Tuy nhiên, do áp lực về tâm lý, chị này chặn liên hệ với chấp hành viên. "Mãi đến cận Tết, cô ấy nhắn tin báo ông Azais đồng ý giao con cho chị Huyền", ông Tùng kể.

Ngày 29/1, cơ quan thi hành án yêu cầu ông Azais mang con lên trao cho mẹ. Tuy nhiên, ông này đề nghị muốn giao đứa bé tại nhà ở quận Bình Thạnh vì "không muốn con gái đến nơi xa lạ". Vợ ông cũng muốn nấu cho bé bữa cơm tối trước khi giao.

Chấp nhận yêu cầu này, ông Tùng đề nghị đại diện VKS, Hội bảo vệ trẻ em TP HCM, công an khu vực và các cơ quan liên ngành nán lại cơ quan sau giờ làm để cùng ông tham gia buổi thi hành án. Ông cũng dặn chị Huyền chuẩn bị sẵn cho con một ít đồ chơi nhiều màu sắc.

Đúng 19h, chị Huyền cùng 8 người trong đoàn công tác có mặt tại nhà ông Azais. Trái ngược với lo ngại của mọi người, Sara Thiên Kim đã ôm chầm chị Huyền dù cô bé phải xa mẹ từ lúc hơn 3 tháng tuổi.

"Cháu cầm đồ chơi mẹ cho, chạy đến khoe với cha rồi quay lại với mẹ. Nhìn hai mẹ con giống như gặp lại nhau sau chuyến công tác xa, chứ không phải xa nhau hơn 4 năm trời", ông Tùng nói và cho biết thấy ấm lòng khi chứng kiến cảnh tượng ấy.

'Chìa khóa' giúp người mẹ được chồng hờ Pháp trả lại con gái - 1
Lần hiếm hoi chị Huyền được gặp con tại Pháp lúc bé 2 tuổi. Ảnh: VNCC.

Chị Huyền và ông Azais yêu nhau từ nhiều năm trước. Khi chị mang thai tháng thứ 6 cả hai xảy ra mâu thuẫn. Lúc con gái mới sinh ra, ông này bí mật làm hộ chiếu cho bé, mang quốc tịch Pháp. Lần đến thăm con lúc 3 tháng tuổi, ông lén mang về nước.

Suốt thời gian dài chị Huyền sống trong đau khổ, một mình lặn lội sang Pháp kiện đòi con. Trong thời gian đợi tòa triệu tập, chị được ông Azais cho gặp con hai lần ở quán cà phê hoặc sân bay.

Tháng 6/2016, Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi (trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi) buộc ông Azais phải trả con cho chị. Tuy nhiên, ông này không thực thi dù đã mang con gái quay lại Việt Nam và sống tại quận 2.

Nhiều lần tìm đến mong gặp con nhưng không được, chị yêu cầu tòa án cho thi hành phán quyết của tòa Pháp tại Việt Nam. Cuối tháng 5 năm 2017, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP HCM) chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị Huyền. Ông Azais kháng cáo.

Tháng 8 năm ngoái, TAND Cấp cao tại TP HCM bác kháng cáo của ông Azais, công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án Pháp. Tòa buộc ông này phải lập tức giao con gái và hộ chiếu của bé cho chị Huyền. Ông được đến thăm con vào tất cả các thứ 7 hàng tuần (9-18h) tại nơi đăng ký thường trú; mỗi năm một lần tại Pháp. 

Theo Bình Nguyên (VnExpress.net)