Đời sống

Đọc bài văn tả thực của cậu bé 8 tuổi về gia đình khiến người lớn đọc phải cúi đầu xấu hổ

Những áng văn “bất hủ” của trẻ đôi lúc khiến nhiều bạn đọc cười nghiêng ngả nhưng cũng sẽ giật mình thon thót về cách thức nuôi dạy con cái.

Đọc bài văn tả thực của cậu bé 8 tuổi về gia đình khiến người lớn đọc phải cúi đầu xấu hổ

Bài văn tả về gia đình của trẻ khiến người lớn phải tự xấu hổ

Những bài văn ngây ngô của trẻ con luôn là "nguồn giải trí" bất tận của cư dân mạng vì sự ngây ngô và thật thà đến đáng yêu. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc người lớn chúng ta sẽ phải giật mình thon thót vì chính sự thật thà đấy đôi khi lại bộc lộ những sự thực không hay về nhiều gia đình cũng như cách nuôi dạy con cái chưa đúng đắn của một số phụ huynh. 

Mới đây, bài văn với chủ đề miêu tả cảnh sinh hoạt trong gia đình vào buổi tối của một bé trai 8 tuổi trong một trường tiểu học ở TP.HCM đã khiến không ít phụ huynh phải suy ngẫm. 

“Gia đình con có năm người, ông nội con năm nay bao nhiêu tuổi con cũng không biết, con chỉ biết ông nội là người về hưu thôi, ba con làm hải quan ở ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, mẹ con làm việc bán hàng trên mạng in-tơ-nét, anh hai của con tên Trung, ảnh học lớp năm.

Ông nội và ba cãi lộn hoài con buồn lắm. Ăn xong học bài con với anh hai ngủ chung trên lầu, ông nội ngủ dưới đất. Tối qua nhà con cúp điện con không thấy đường đi toi-lét, con vô phòng ba mẹ tìm đèn cầy, con thấy ba mẹ ôm nhau, thấy con mẹ mắc cỡ lấy mềm chùm lại, sáng ba con dặn vô phòng phải gõ cửa nha con, con nói tại thấy cửa phòng mở nên con vô đại, con xin lỗi ba mẹ nha.

Ăn xong mẹ chở hai anh em con đi học là hết sinh hoạt của nhà con. Ước mơ của con là ba đừng cãi lộn với ông nội con và con muốn nhà con đừng bị cúp điện nữa để con khỏi vô phòng ba mẹ tìm đèn cầy nữa”.

Giáo viên đã chấm điểm cho bài văn được 4,5 cùng lời phê bình: "Những chi tiết không cần thiết. Sai chính tả".

Quả thực, so với quy chuẩn chấm điểm thì bài văn này không đạt yêu cầu. Nhưng cái khiến người ta chú ý tới là suy nghĩ nhạy cảm của cậu bé trong một hoàn cảnh gia đình mà người lớn sinh hoạt không chú ý đến cảm nhận của con trẻ. Liệu sau khi đọc được bài văn này của con, phụ huynh của cậu bé có suy xét lại và quan tâm đến con hơn?

Dung (Nguoiduatin.vn)