Đời sống

Những mùa trăng ký ức...

Trung thu là để trông trăng, đón trăng Rằm như một nghi lễ. Vầng trăng thu treo giữa đỉnh trời chiếu sáng đồng quê, làng mạc, trẻ con nô đùa ở các sân nhà, sân đình, nhìn trăng rồi vui với nhau bên những cây nhà lá vườn đơn sơ, mộc mạc...

Những mùa trăng ký ức...
Mâm cỗ trông trăng.

Trung thu, nghi lễ trông trăng
 
Những buổi tối này, thi thoảng nghe tiếng trống gần xa của trẻ gõ đón trăng Rằm. Tiếng trống thân thiết, khơi gợi biết bao nhiêu ký ức, âm thanh quê nhà mùa Trung thu. Những âm thanh đủ sức dẫn mỗi người về với ấu thơ, với truyền thống thiêng liêng, đằm thắm.
 
Không ai biết chính xác phong tục đón Tết Trung thu có tự khi nào. Chỉ biết rằng, đó là một ngày vui đặc biệt của trẻ thơ. Mùa Trung thu, trẻ em háo hức cả tháng. Bữa cơm tối ngày Rằm tháng Tám cũng kết thúc sớm hơn thường ngày để trẻ dung dăng dung dẻ dắt nhau ra đường ngắm trăng. Đêm Trung thu, ông Trăng như tròn hơn, sáng hơn và cũng gần hơn để trẻ em được nhìn rõ hình ảnh cây đa, nghe người lớn kể lại sự tích chú Cuội - chị Hằng. Trẻ em náo nức tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép… cùng bạn bè tung tăng khắp các ngả trong tiếng trống rộn ràng của các đoàn múa lân. Người lớn thì cùng nhau thưởng nguyệt, ăn bánh ngọt, uống trà nói chuyện đến tận khuya. 
 
Tết Trung thu là tết của trẻ em, là ngày mà người lớn dành tất cả tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc cho trẻ em. Nỗi nhớ Trung thu xưa là nhớ về lòng yêu thương, nhớ cái cảm giác trong trẻo khi nhìn những đèn lồng, những chiếc mặt nạ xanh đỏ hay tiếng trống dập dồn ở những đoàn múa lân. Cái cảm xúc ngồi phá cỗ trông trăng, hay hồi hộp chờ đợi bố mẹ mua cho món đồ chơi, tấm quà bánh… Nhớ chiếc đèn ông sao nhỏ tí xíu được làm bằng tre và giấy bóng kính xanh đỏ, tìm lại mùi thơm của tinh dầu bưởi và đốm lửa nổ tanh tách bắn ra từ những tia sáng của dây pháo hạt bưởi ngày nào. Trong rộn ràng tiếng trống múa lân, lũ trẻ quây quần bên “cỗ trông trăng” được trang trí đẹp mắt với đủ loại hoa quả, bánh trái, cùng với chiếc đèn ông sao lung linh ánh nến, ngước nhìn lên ngắm vầng trăng sáng vằng vặc như gương, nghe người lớn kể chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng. Nhớ mâm hoa quả tươi thơm hái từ vườn nhà, nhớ nghi lễ được phần miếng bánh nướng bánh dẻo ít ỏi, nhưng thơm ngọt mãi. 
 
Nhớ tâm sự của một nhà văn đàn anh: Ngày xưa, Trung thu là để trông trăng, là trẻ con đi chơi với lũ hàng xóm, còn người lớn quây quần nhâm nhi ly trà, ngắm trăng bên gia đình. Đón trăng Rằm như một nghi lễ, vầng trăng thu treo giữa đỉnh trời chiếu sáng đồng quê, làng mạc, trẻ con nô đùa ở các sân nhà, sân đình, nhìn trăng rồi vui với nhau bên những cây nhà lá vườn đơn sơ, mộc mạc. Đứa nào cũng thấy trăng là của mình, cũng cố nhìn cho ra cây đa chú cuội trong trăng. Bóng trăng di động theo bóng người. Đến cả khi lên giường nằm trăng vẫn chiếu sáng, ủ ấp, vì cửa ngõ, vườn tược thông thoáng, ánh trăng soi tỏ khắp nơi.
 
Người lớn hiện nay làm Trung thu cho con trẻ đầy đủ quà bánh, đồ chơi không thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi trăng. Các em, các cháu được vui hội phá cỗ nhưng không mấy khi được trông trăng. Cuộc vui thường làm ở trong nhà, trong hội trường, với một hình trăng cắt dán. Ngay cả khi cuộc vui diễn ra ở ngoài trời, trăng thu đã tỏa rạng, mà hình như không có bậc người lớn nào chỉ cho con em mình ngẩng lên nhìn vầng trăng thật trên trời, chứ không phải hình trăng cắt dán trên sân khấu. Giá như khi bắt đầu khai hội, tất cả ánh sáng điện chợt tắt trong giây lát, cho ánh sáng trăng tràn xuống và tất cả con trẻ cùng ngước mắt lên “chạm mặt” với mặt trăng to tròn dịu sáng - khi đó Trung thu mới thật là Trung thu. Trẻ thơ không được thấy trăng thì khi thành người lớn sẽ quên trăng...

Những mùa trăng ký ức... - 1
Rước đèn đêm Rằm.

Mâm cỗ thành kính đêm trăng tròn dần thưa thớt
 
 Đã có nhiều Trung thu, nhiều người lo ngại, hình như càng ngày, ta càng giảm đi sự háo hức khi ngày Trung thu đến? Không còn cái sự chờ mong, không còn những niềm vui đếm ngược đến ngày Rằm. Cái cảm giác trái tim rộn ràng, vui vẻ khi nhìn thấy những màu sắc Trung thu, những món đồ chơi quen thuộc của ký ức cũng dần mờ phai mất. Trung thu bây giờ, chẳng còn là cái ngày để ta mong nhớ trông trăng phá cỗ. Trung thu bây giờ cũng chỉ là cái dịp để gặp nhau, để lên Facebook ôn lại đôi ba kỷ niệm ngày bé, là lúc để mua cho lũ trẻ ít quà cho đỡ quên màu sắc dân gian, là dịp để giới trẻ đi chơi, xuống phố hò hẹn.
 
Thật ra Trung thu vẫn ở đó, nhưng sự thay đổi tâm thế, cách sinh hoạt cộng đồng của con người, theo thời gian thì như điều chắc chắn phải xảy ra. Đêm Rằm tháng Tám thời hiện đại cũng vắng đi cái cảnh quây quần sum vầy, mâm cỗ thành kính đêm trăng tròn bắt đầu dần thưa thớt.
 
Thế hệ trẻ ngày nay chắc chắn sẽ lại có những ký ức khác về Trung thu. Những hoài niệm, tiếc nuối hay cảm giác nao nao trống vắng chỉ dành cho người từng đi qua tuổi thơ với phá cỗ, trông trăng, xem múa lân, rước đèn ông sao.
 
Tết Trung thu bây giờ dường như đã xa dần với các giá trị truyền thống. Nhà cao tầng che mất ánh trăng, tiếng trống múa lân, múa sư tử cũng dần thưa thớt, đồ chơi công nghiệp lấn át đồ chơi dân gian truyền thống. Trẻ em thành phố đón ánh trăng thơ mộng bằng những trò chơi điện tử. Ít trẻ em thành phố giờ đây được cảm nhận vị Tết Trung thu một cách thật sự dân dã và cổ truyền.
 
Để trẻ em thực sự cảm nhận được niềm vui và sự trong lành của Tết Trung thu truyền thống, rất cần sự nâng niu, chăm chút của những người lớn, để rồi sau này, những Tết Trung thu sẽ trở thành kí ức đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi người khi trưởng thành. 

Trung thu vẫn đến như hẹn cùng thời gian, nhưng sự thay đổi của tâm thế và những sinh hoạt cộng đồng của con người theo thời gian thì như điều chắc chắn phải xảy ra. Đêm Rằm tháng Tám thời hiện đại cũng vắng đi cái cảnh quây quần sum vầy, mâm cỗ thành kính đêm trăng tròn bắt đầu dần thưa thớt.

Theo Hồng Lĩnh (Tạp chí Gia đình & Trẻ em)