Đời sống

Trầm cảm vì áp lực 'phải học giỏi'

Đỗ vào trường chuyên hàng đầu ở Hà Nội nhưng chỉ sau một tuần đi học, Nguyễn Bảo Hân đổ bệnh, được chẩn đoán trầm cảm.

Bước vào phòng của chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú An, cô bé 17 tuổi cúi gằm mặt, lưng còng xuống, chốc chốc lại thở dài nhưng nhất quyết không nói gì. Sau hơn 10 phút im lặng, cô bé đột nhiên òa khóc rồi than: Mệt quá!

Được động viên và những câu gợi mở, vị khách trẻ tuổi bắt đầu kể lại câu chuyện của mình. Nhưng trong suốt hơn một tiếng đồng hồ sau đó, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng vì vị khách "mệt quá" đến bảy lần.

Vị khách của chuyên gia Tú An có tên là Bảo Hân. Cô bé sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở Hà Nội. Cả bố và mẹ em đều là tiến sĩ, từng đi du học châu Âu nên từ nhỏ, Hân đã được kỳ vọng "tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình". Tuổi thơ của cô bé là những lời thúc giục kiểu như "Phải cố mà học" và thường xuyên được "đem lên bàn cân" để so sánh với các anh chị họ.

Trong nước mắt nghẹn ngào, Bảo Hân kể: "Bác em hay nói các anh giành giải Hóa thành phố, em cũng phải làm được thế".

Nghe lời người lớn, Hân tin rằng "phải học thật giỏi mới là con ngoan, mới xứng đáng với gia đình". Từ tiểu học, cô bé đặt mục tiêu đạt học sinh giỏi tất cả các học kỳ. Kể cả lúc nghỉ hè, trong khi bạn bè rủ nhau đi chơi thì Hân ở nhà, đọc sách.

Cấp một của Hân trôi qua êm đềm nhưng lên cấp hai, việc học trở nên khó khăn hơn. Hân không giỏi Hóa nhưng hay bị gọi lên bảng vì cô giáo cho rằng "càng kém càng phải lên bảng". "Nếu không làm được bài hoặc làm không đúng, em trở thành chủ đề cười cợt, chế giễu của cô giáo và các bạn", cô bé thuật lại. Trở về nhà, nghĩ đến bố mẹ đều là những người giỏi các môn tự nhiên, Hân càng căng thẳng và không bao giờ dám hỏi bài bố mẹ vì sợ bị chê dốt như trên lớp.

Cái sự "không giỏi Hóa" còn khiến Hân trở thành đối tượng của nạn bắt nạt học đường. Cô bé hay bị bạn cùng lớp lấy đồ, khi thì cái ô, lúc thì hộp bút vì "có mỗi mấy bài đơn giản mà không làm được". Một hôm, Hân bị bạn đánh, "nhưng không nhớ lý do". Về nhà kể với mẹ, Hân chỉ nhận được câu nói "nếu con học giỏi thì các bạn sẽ không làm thế nữa".

Thú vui duy nhất của Hân là truyện tranh Nhật Bản. Lo bố mẹ nhìn thấy sẽ nghĩ mình lười biếng, cô bé không dám đọc nhiều mà hay giải trí bằng cách vẽ lại các nhân vật trong truyện. Tuy nhiên, trong một giờ mỹ thuật, bức tranh "kiểu manga" của Hân bị cô giáo giơ ra trước lớp, nhận xét là "kỳ dị". Chị họ học cùng lớp đem chuyện về nhà kể, cô bé lập tức bị kết luận là "Chỉ giỏi vẽ bậy. Thế này thì lớn lên làm gì".

Bố mẹ chỉ thở dài trước lời nhận xét của bác, Bảo Hân vò nát bức tranh ném vào thùng rác và về phòng khóc. "Từ lúc đó em xác định phải thi vào trường tốt, phải du học để chứng tỏ mình không ngu dốt", Hân tiếp tục kể.

Hai tháng trước ngày thi lên cấp ba, Hân càng vùi đầu vào học. Ngoài thời gian trên lớp, em đăng ký 5 lớp học thêm. Mỗi ngày, cô bé lớp 9 chỉ ngủ bốn tiếng vì sợ "ngủ nhiều hơn sẽ thi trượt". Vừa ngủ, Hân còn vừa nghe ghi âm các bài phân tích văn. Mỗi bài Hóa, em giải đi giải lại 4-5 lần để chắc chắn mình không quên kiến thức.

Mỗi bữa cơm của Hân chỉ kéo dài 10 phút. Bố mẹ thấy con như thế cũng không dám nói hay hỏi han gì vì sợ ảnh hưởng.

Ngày nhận kết quả đủ điểm vào một trường chuyên danh giá, cô bé Hân thở phào như trút được gánh nặng. Tưởng như đã "qua cơn bĩ cực" nhưng, đến ngày nhập học, cô bé rơi vào cảm giác khác, tồi tệ hơn.

"Trong lớp, bạn nào cũng là nhân tài, mỗi em là kém cỏi", Hân nói. Ở trường có nhiều câu lạc bộ khác nhau. Hân chỉ tham gia câu lạc bộ cờ vua, trong khi các bạn ở lớp đăng ký tới ba câu lạc bộ khác nhau.

Đặc biệt, phần lớn các bạn trong lớp Hân đều giỏi các môn tự nhiên, khiến cô bé nhớ lại quãng thời gian cấp hai. Một buổi học, Hân lên bảng làm bài Hóa. Đang dở, cô bé bỗng bật khóc. Cô giáo hỏi "làm sao phải khóc" khiến Hân càng xấu hổ, khóc lớn hơn. Nghe tiếng bạn bè xì xào bên dưới, Hân không dám quay về chỗ, xin cô ra phòng y tế nằm hết ngày.

Sau hôm ấy, Hân xin nghỉ ở nhà "vì kiệt sức". Em không muốn ra khỏi giường, không muốn ra khỏi phòng, không giao tiếp với bố mẹ và cũng không vệ sinh cá nhân. Bố mẹ Hân không biết làm cách nào, đành xin cho con nghỉ hai tháng. Đi kiểm tra tâm lý, cô bé được chẩn đoán trầm cảm và phải nghỉ học đến hết năm lớp 10.

Trầm cảm vì áp lực 'phải học giỏi'
Ảnh: Shutterstock.

Câu chuyện của Bảo Hân có thể chưa được nói nhiều ở Việt Nam nhưng trên thế giới, cô bé này là một trong những người thuộc nhóm "có nguy cơ cao" về sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu do Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Mỹ công bố năm 2019 cho thấy dù xuất thân từ những gia đình khá giả và trí thức cao, học sinh các "trường chất lượng cao" có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện cao, tương đương những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn như nghèo đói, nhập cư, bố mẹ bị giam giữ. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra thiếu niên ở các trường "chất lượng cao" có tỷ lệ lo lắng, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích và hành vi phạm pháp cao hơn 2-3 lần so với mức trung bình của Mỹ.

"Với một số học sinh, điểm thi cũng đồng nghĩa với điểm số lòng tự trọng và giá trị. Thất bại hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng đồng nghĩa với việc cá nhân đó bị đánh giá là vô giá trị, làm mọi người xấu hổ, không xứng đáng được tôn trọng", tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam ở Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích. Theo ông, học sinh có thể gặp phải nỗi sợ hãi về sự phán xét của người lớn bởi liên tục được bố mẹ, thầy cô truyền đến những thông điệp về tầm quan trọng của kỳ thi, tỷ lệ chọi, những viễn cảnh nếu đạt được thành tích, những hậu quả nặng nề nếu không đạt được, mức đầu tư thời gian và tiền bạc.

Tiến sĩ Nam nhận định những em học sinh rơi vào lo âu, trầm cảm sau kỳ thi thường có những niềm tin không hữu ích, gây stress như "nghỉ ngơi trong thời gian trước kỳ thi là điều xa xỉ", "nếu vẫn còn ngủ sáu tiếng một ngày thì sẽ thi trượt thôi", "tất cả mọi người sẽ coi thường tôi nếu tôi không đạt được kết quả như kỳ vọng". Các em cũng hay mắc các lỗi suy luận tùy tiện hoặc khái quát như "mình không giải được bài này chứng tỏ mình rất dốt và mình chẳng thể nào thi qua được đâu".

Theo chuyên gia này, cách giải tỏa áp lực tâm lý là giúp các em nhận ra những niềm tin không chính xác và thay thế nó bằng những niềm tin phù hợp hơn. Ví dụ: Việc nghỉ ngơi phù hợp giúp não bộ được thư giãn và giúp chúng ta học được nhanh hơn, nếu không vượt qua kỳ thi này thì tôi vẫn còn những lựa chọn khác để thành công, bố mẹ có thể tâm trạng một chút nhưng vẫn yêu thương mình.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An - người được Bảo Hân lựa chọn để "trút những gánh nặng trong lòng" - cho rằng, cô bé đã hiểu sai ý của người lớn và tự tạo ra sức ép cho bản thân mà không có người chấn chỉnh kịp thời. "Nhiều bố mẹ ở nhà nhiều nhưng chưa biết dùng quỹ thời gian đó để xây dựng sự gắn kết với con cái", chuyên gia nhận định.

Để kịp thời giúp đỡ trẻ, bố mẹ nên bắt đầu bằng việc học cách hỏi thăm con để trẻ thoải mái chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ chưa đúng đắn. "Bạn có thể gợi mở bằng những câu hỏi như con thích ăn gì, có chuyện gì xảy ra ngày hôm nay hoặc gần đây sao con học nhiều hay ít hơn bình thường. Bên cạnh đó, nên có những lời động viên cụ thể như 'con mẹ nỗ lực quá, mẹ rất tự hào'".

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chuẩn bị tinh thần cho kết quả của kỳ thi và giúp trẻ có kỳ vọng hợp lý, thực tế hơn. "Trên hết, bố mẹ đừng ép con học, đánh giá con qua kết quả học tập. Những người xung quanh cũng không nên chỉ đánh giá năng lực bố mẹ qua con cái", bà An nhấn mạnh.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Minh Trang (Vnexpress.net)




https://vnexpress.net/tram-cam-vi-ap-luc-phai-hoc-gioi-4133854.html?fbclid=IwAR1Dr4Vqj3gFvGLLpO1ygxOMlmAC-HmYvgHElUn7S6R78ybI71l-2tZVLPs