Đời sống

Từ thế kỷ trước cũng đã từng có một đám cưới xa xỉ gây "náo loạn đường phố"!

Không phải chỉ thời hiện đại, mọi người mới có dịp trầm trồ trước những đám cưới bạc tỷ với dàn siêu xe đón dâu hay hồi môn nặng ký, mà ngay từ thời ông bà chúng ta cũng đã có những hôn lễ đình đám đủ gây náo loạn đường phố.

Không phải chỉ thời hiện đại, mọi người mới có dịp trầm trồ trước những đám cưới bạc tỷ với dàn siêu xe đón dâu hay hồi môn nặng ký, mà ngay từ thời ông bà chúng ta cũng đã có những hôn lễ đình đám đủ gây náo loạn đường phố.
Khi làm phép so sánh những đám cưới sang trọng của thời hiện đại và đám cưới của người Việt từ thế kỷ trước vẫn còn lưu giữ lại qua hình ảnh, nhiều người đã phải thốt lên: nếu truyền thông của thời xưa phát triển như bây giờ, nếu facebook có từ 60 năm trước thì chắc hẳn mức độ xa hoa của các cô dâu chú rể những năm 19XX sẽ chẳng kém cạnh bây giờ.

Lần giở lại những bức ảnh đã úa màu thời gian, đám cưới của những ngày xa xưa cho ta thấy về một thời kí ức thật đẹp. Ngày đó, chỉ cần trong làng có một đám cưới là từ trẻ nhỏ cho đến người già, ai cũng nô nức hồi hộp chờ được ngắm cô dâu, được xuýt xoa nghe tiếng pháo nổ, được ngắm màn rước dâu mang đặc trưng riêng của từng nhà. Trong đó, những đám cưới của gia đình quyền quý, của các cô tiểu thư, các công tử con nhà giàu luôn được chú ý nhiều hơn cả.

Mới đây, những người dân Hà thành lại được một lần nữa ôn lại kỷ niệm xưa với câu chuyện về đám cưới với dàn siêu xe đậu rợp cả con phố Tràng Tiền của hai gia đình thương nhân giàu có tiếng của Hà Nội 50 năm về trước. Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị An (sinh năm 1932), bà là con gái lớn trong gia đình giàu có, làm ăn lớn, có tiếng tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), con phố chuyên bán dao kéo tại thành Thăng Long. Là một cô tiểu thư quen với cuộc sống sung túc, đến cả chuyện tình yêu của bà với người chồng quá cố cũng rất ly kỳ và chan chứa kỉ niệm.

Đám cưới của ông bà Chiểu - An nổi tiếng cả đất Hà thành vì sự xa hoa.
 

Ông Chiểu bà An trong lễ đón dâu.
 
“Năm 51-52, tôi yêu một anh là em út của ông Cự Giao, phú hào làng Cự Đà giàu có nổi tiếng ngày xưa. Nhưng bố mẹ tôi qua mai mối lại muốn gả tôi cho con trai nhà họ Nguyễn trên phố Tràng Tiền. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nên dù tôi không hề có tình cảm với người ta, vẫn phải nghe lời bố mẹ. Mẹ tôi còn doạ bảo, nếu chịu lấy chồng mẹ sẽ cho tôi hết sạp vải ở chợ, còn không thì tự đi mà cưới người khác, tự lo ăn mặc. Thế nên tôi im lặng về nhà chồng, dù trong lòng phản đối cực lực.

Ông nhà tôi là Nguyễn Đức Chiểu, con trai chủ tiệm may Adam nổi tiếng, giờ là số 19 Tràng Tiền đấy. Mẹ ông mất sớm, chỉ còn bố thôi. Hồi ấy ông thích tôi lắm, ngày Tết đến nhà tôi chơi thì tôi bận đi với “người yêu”. Ra bờ Hồ vô tình 3 người gặp mặt, tôi “bơ” ông ấy luôn (cười). Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn phải lên xe hoa. Trước lúc cưới tôi nói thẳng với ông Chiểu là tôi không yêu ông, nhưng ông chỉ cười hiền.

Ngày rước tôi về, ông và bạn bè lái một hàng xe xịn đến trước cửa, tiệc cưới thì đặt ở khách sạn to nhất nhì Hà Nội, ông cười nhiều lắm, còn tôi thì buồn thiu. Sau đó mấy tháng tôi vẫn lạnh nhạt, chỉ quán xuyến việc nhà như trách nhiệm người vợ, như những gì tôi được bố mẹ dạy dỗ.

Thế mà ông Chiểu vẫn yêu thương, chiều tôi lắm. Tôi sinh 2 đứa, 1 trai 1 gái, chẳng bao giờ phải thức khuya vất vả chăm con hay cho bú, bởi nhà có 2 vú em. Ông quan tâm chăm sóc tôi đủ thứ, nên dần dần tôi yêu ông lúc nào không hay. Ông tốt lắm, bao dung độ lượng, không quát mắng ai bao giờ, rất học thức. Gia đình môn đăng hộ đối, tôi cũng không thiệt thòi gì. Ai cũng bảo tôi sướng, tôi cũng thấy mình may mắn, cảm động vì ông nhiều lắm”, bà kể.

Thời gian trôi đi, cảm động vì sự quan tâm của ông Chiểu, bà An đã yêu chồng từ lúc nào không hay. Cho đến nay, bà còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về ông Chiểu, người chồng thân thương đã ra đi từ hơn 30 năm trước. Mỗi kỷ vật lại gắn liền với những ký ức tươi đẹp về tình yêu đơm hoa kết trái muộn của 2 ông bà. Con cháu trong nhà cũng không biết hết những câu chuyện cảm động giữa 2 ông bà như thế. Bắt đầu từ cuộc hôn nhân xếp đặt, vậy mà bà lại có được người chồng tốt, lại sống trong nhung lụa cả đời.
 
Đám cưới gây "náo loạn" cả phố bởi sự xa hoa...
 

... với hàng xe sang đậu kín một góc đường.

 
Không chỉ câu chuyện của ông Chiểu bà An, còn rất nhiều những chuyện tình và đám cưới khác cũng để lại ấn tượng sâu sắc với người dân từ những ngày đất nước vẫn còn nghèo nàn, kinh tế chưa phát triển như bây giờ. Theo lời kể của những người nay đã lên chức “ông, bà” thì vào thời xưa, chỉ có đám cưới con nhà quyền quý mới có ô tô đưa đón và tổ chức rình rang. Còn những nhà dân bình thường, cô dâu chú rể thường chở nhau bằng xe đạp, nhà nào giàu hơn thì có xe máy, hai người diện trang phục truyền thống, trang điểm đậm.

Nhà nào có điều kiện thì đám cưới cả xóm được đãi, món quý tộc nhất là cà-ri, bánh mì. Khách mời thường ăn uống nhiệt tình vì hiếm lắm mới được ăn nhiều món ngon như vậy... Đám cưới trở thành một sự kiện của cả một khu dân cư. Với những hôn lễ xa hoa như vậy, đám rước dâu đã thu hút sự chú ý của rất đông người dân, tụ tập kín hai bên đường để ngắm nhìn. Thời ấy đón dâu bằng xe ô tô, lại còn những 10 chiếc xe sang, đã chứng tỏ địa vị và mức độ giàu có, xa hoa của nhà chú rể.

Chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp về đám cưới xa hoa của thế kỷ trước:

 
 
Những đám cưới với dàn xe sang khiến cả dãy phố đứng nhìn.
 

Không phải ai cũng được rước dâu bằng xe hơi, chỉ có các cô dâu được gả vào nhà quyền quý mới có cơ hội này.

Khách mời thường lựa chọn trang phục đẹp và sang trọng nhất khi tham dự đám cưới.

Những đám cưới đậm nét văn hóa của vùng miền, phản ánh điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

>> Ảnh cưới xúc động của ông bà nhặt rác sau 47 năm yêu
 
Theo T.H (aFamily.vn/Trí Thức Trẻ)